Đã có 'vũ khí' phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả
Chiều 20/9, Hệ thống tiêm chủng VNVC tổ chức lễ ra mắt và bắt đầu triển khai tiêm vaccine sốt xuất huyết cho trẻ em từ 4 tuổi và người lớn.
Theo đại diện VNVC, đây là lần đầu tiên người dân Việt Nam dược tiếp cận vaccine này sau nhiều năm mong đợi. Trong khi đó, vaccine sốt xuất huyết Takeda của Nhật Bản được đưa vào sử dụng lần đầu tiên trên thế giới từ năm 2018. Đến nay, vaccine này được sử dụng rộng rãi tại hơn 40 quốc gia, đặc biệt ưu tiên sử dụng cho các nước thường xuyên có dịch phức tạp.
Nhận định của giới chuyên môn, vaccine sốt xất huyết của Nhật Bản có hiệu quả phòng cả 4 tuýp virus sốt xuất huyết gây bệnh lên đến hơn 80% và ngăn ngừa nguy cơ nhập viện lên đến 90%.
PGS. Trần Đắc Phu – Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định, Việt Nam hiện đang lưu hành cả 4 tuýp virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết. Trong đó tuýp virus lưu hành chủ yếu là DEN-1, DEN-2. Tuýp DEN-2 thường liên quan đến các trường hợp mắc sốt xuất huyết nghiêm trọng và gây dịch, thậm chí dẫn đến các ca tử vong.
"Chắc chắn khi có vaccine này số ca mắc bệnh sốt xuất huyết, ca nặng và ca tử vong giảm đáng kể", PGS. Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Liên quan đến bệnh sốt xuất huyết, ThS.BS Lê Hồng Nga - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) chia sẻ, những năm gần đây dịch tễ sốt xuất huyết đã thay đổi. Bệnh sốt xuất huyết không còn phát triển theo chu kỳ mà tăng đều hàng năm, đặc biệt vào thời điểm cuối năm.
Nguyên nhân chính là do đô thị hóa tăng và sự nóng dần lên của toàn cầu tạo điều kiện cho muỗi gây bệnh sinh sôi phát triển mạnh. Tại Việt Nam, hàng năm có khoảng 200.000 ca mắc và hàng chục ca tử vong.
“Kinh nghiệm nhiều năm qua cho thấy, khi vaccine được đưa vào sử dụng giúp giảm rõ rệt số ca bệnh. Việc triển khai tiêm vaccine sốt xuất huyết tại Việt Nam giúp ngành y tế và người dân có thêm “vũ khí” phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả, bên cạnh biện pháp kiểm soát muỗi, lăng quăng và ngăn ngừa muỗi đốt còn gặp nhiều khó khăn”, bà Nga nhấn mạnh.
Theo dữ liệu của WHO, số ca mắc sốt xuất huyết đã tăng gấp 10 lần trong hai thập kỷ qua, từ 500.000 ca vào năm 2000 lên hơn 5 triệu ca vào năm 2019.
Tại Việt Nam, nếu trước đây, giai đoạn 1980 - 2018, Việt Nam thường ghi nhận đỉnh dịch mỗi 10 năm, riêng giai đoạn 2019 - 2023, Việt Nam đã trải qua tới 2 đợt đỉnh dịch vào năm 2019 và năm 2022. Năm 2022, cả nước có hơn 367.000 ca mắc, đứng thứ 2 toàn cầu, chỉ sau Brazil.