Đã có phương án xử lý điểm sạt lở nguy hiểm trên đường Hồ Chí Minh qua Kon Tum
Khu Quản lý đường bộ III cho biết đã có phương án xử lý điểm sạt lở nguy hiểm tại ta luy dương Km 1448+715 - Km 1448+733 trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Đăk Kroong (huyện Đăk Glei, Kon Tum).
Sáng 28/9, ông Lê Phan Duy - Phó giám đốc Khu Quản lý đường bộ III cho biết, đơn vị đã có kế hoạch khắc phục điểm sạt lở ta luy dương từ Km 1448+715 đến Km 1448+733 trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum.
Điểm sạt lở nguy hiểm
Theo đó, từ năm 2023, do ảnh hưởng của mưa bão, trên tường chắn ta luy dương xuất hiện nhiều vết nứt với chiều dài hàng chục mét, nhiều đoạn đã đổ sập chỉ còn trơ vách đất lở lói.
Hệ thống tường chắn bằng bê tông bị khối lượng lớn đất đá đè xuống làm xô lệch khỏi vị trí ban đầu từ 20-40cm. Trên đỉnh tường chắn là mái ta luy cao hàng chục mét với khối lượng đất đá rất lớn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào.
Đặc biệt, trên đỉnh mái ta luy khu vực sạt lở có 1 trụ điện thuộc hệ thống lưới điện 500kV mạch 1 Thạnh Mỹ - Pleiku 2. Hiện tại, mép sạt lở mái ta luy dương cách chân cột điện 19m. Dù nguy hiểm là vậy nhưng 2 năm qua điểm sạt lở ta luy dương này vẫn chưa được khắc phục.
Thời gian qua, tại khu vực này, mỗi khi có mưa kéo dài tiếp tục xuất hiện sạt lở, lượng lớn đất đá từ trên cao theo dòng nước chảy tràn xuống mặt đường che lấp lối đi.
Trước thực trạng trên, UBND huyện Đăk Glei và Phòng CSGT (Công an tỉnh Kon Tum) đã có văn bản đề nghị các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương khắc phục vị trí tường chắn hư hỏng, nguy cơ mất an toàn giao thông. Công ty CP Quản lý và xây dựng đường bộ Kon Tum đã cắm biển cảnh báo đoạn đường nguy hiểm tại 2 đầu vị trí sạt lở.
Những ngày qua mưa lớn khiến lượng lớn đất đá và bùn lỏng khu vực taluy dương tiếp tục đổ xuống lòng đường Hồ Chí Minh khiến người dân bất an.
Trao đổi với Báo Giao thông, anh Nguyễn Văn Nhật (32 tuổi, trú tại thị trấn Đăk Glei, Kon Tum) cho biết là tài xế xe khách nên anh hầu như ngày nào cũng qua khu vực này hai lượt.
"Mấy hôm có bão, khu vực Đăk Glei cũng xảy ra mưa lớn. Nước từ đỉnh đồi chảy xuống khiến điểm này tiếp tục sạt lở thêm, lượng lớn đất đá từ trên cao theo dòng nước chảy tràn xuống mặt đường che lấp lối đi", anh Nhật nói và cho biết: "Ở ngoài Bắc vừa qua xảy ra sạt lở đất khiến nhiều người chết nên mỗi khi điều khiển xe khách qua khu vực này cứ phải chạy từ từ quan sát. Nhìn lên ngọn núi sạt thấy một mảng đồi trụt xuống, nước tuôn xối xả xuống mặt đường, tôi rất lo sợ", anh Nhật nói.
Sẽ tháo dỡ và làm mới
Theo Khu Quản lý đường bộ III, năm 2023, do ảnh hưởng của mưa bão, đất trên mái ta luy dương sạt lở đã đẩy 2 đốt tường chắn với chiều dài khoảng 18m nghiêng ra mặt đường, xô lệch khỏi vị trí ban đầu khoảng 80cm. Đến nay, tường chắn tiếp tục chuyển vị trí và ngã đổ ra mặt đường, gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông.
Để đảm bảo an toàn cho đường dây 500kV, Khu Quản lý đường bộ III đã có các văn bản gửi đơn vị truyền tải điện Kon Tum về việc kiểm tra, xử lý mức độ ảnh hưởng do sạt lở ta luy. Từ đó có giải pháp phòng ngừa tránh sạt lở móng cột điện 500kV mạch 1 Thạnh Mỹ - Pleiku 2.
Khu đã có báo cáo gửi Cục Đường bộ Việt Nam và sẽ tiến hành khắc phục, sửa chữa trong thời gian tới.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Phan Duy cho biết, khu vực sạt lở sẽ tiến hành đập bỏ tường chắn bê tông xi măng hiện hữu bị hư hỏng. Đào đất hạ tải ta luy dương dạng tường chờ bằng kết cấu tường rọ đá. Sửa chữa hệ thống thoát nước, sửa chữa hệ thống ATGT và các hạng mục khác kèm theo.