Đã có phác đồ điều trị cho đàn bò sữa ở Lâm Đồng

Những ngày gần đây thông tin hàng nghìn bò sữa ở Lâm Đồng mắc bệnh tiêu chảy sau khi tiêm vaccine viêm da nổi cục khiến người chăn nuôi không khỏi lo lắng. Vừa trở về từ vùng dịch, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã chia sẻ thông tin mới nhất về nguyên nhân và phác đồ điều trị với đàn bò bị bệnh ở Lâm Đồng.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã chia sẻ thông tin mới nhất về nguyên nhân và phác đồ điều trị với đàn bò bị bệnh ở Lâm Đồng.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã chia sẻ thông tin mới nhất về nguyên nhân và phác đồ điều trị với đàn bò bị bệnh ở Lâm Đồng.

Những chuyển biến tích cực trong điều trị bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa

PV: Được biết sau khi có thông tin đàn bò sữa tại Lâm Đồng bị tiêu chảy nghi do tiêm vaccine viêm da nổi cục ngành nông nghiệp đã vào cuộc rất quyết liệt. Xin Thứ trưởng cho biết đến nay đã xác định được nguyên nhân gây bệnh cho đàn bò sữa ở Lâm Đồng hay chưa?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Sau khi nhận được báo cáo của Cục Thú y về hiện tượng bò sữa bị tiêu chảy nghi do tiêm vaccine viêm da nổi cục tôi đã gọi điện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng để nắm tình tình. Sáng hôm sau (8/8) lãnh đạo Bộ đã tổ chức họp khẩn với Cục Thú y để triển khai những giải pháp cơ bản để hỗ trợ người dân khu vực bò sữa bệnh. Cùng với đó, đoàn công tác của Cục Thú y đã xuống tận nơi phối hợp với lực lượng thú y vùng 6, trung tâm chuẩn đoán quản lý thuốc, khảo kiểm nghiệm và dịch tễ trực tiếp lấy mẫu để giải trình từng gen, đến hôm nay đã cơ bản có kết quả.

Lâm Đồng là địa phương có hai huyện nuôi bò sữa với khoảng hơn 25.000 con cho năng suất sữa tương đối tốt trong cả nước. Số lượng bò sữa tiêm vaccine viêm da nổi cục 9.000 con, số bò sữa bị bệnh sau khi tiêm vaccine là 4.900 con. Tính đến ngày 11/8 có khoảng 209 con bò bị chết sau khi mắc bệnh. Đến nay, có thể khẳng định bò sữa bị bệnh ở Lâm Đồng có bị ảnh hưởng do tiêm vaccine viêm da nổi cục. Tuy nhiên, để xác định rõ hơn về nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy trên bò sữa cần chờ kết quả giải trình gen với độ chính xác cao mới có thể kết luận nguyên nhân gây ra mầm bệnh này.

PV: Hiện nay ngành nông nghiệp đã triển khai những giải pháp nào để hỗ trợ địa phương cũng như người chăn nuôi có bò sữa bị bệnh tại Lâm Đồng vượt qua giai đoạn này thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Ngay sau khi xác định nguyên nhân ban đầu gây bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y phối hợp với địa phương triển khai rà soát toàn bộ đàn bò bị bệnh. Đồng thời triển khai phác đồ điều trị hiệu quả để giảm tối đa tình trạng bò sữa chết do tiêu chảy. Tổ chức phân loại đàn bò để xác định con nào còn khỏe, con nào yếu để khai những giải pháp về an toàn sinh học.

Tập trung toàn bộ vật tư truyền dịch, bổ trợ kháng sinh, hóa chất và phác đồ điều trị đã được ban hành đến từng đối tượng cụ thể. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan cùng với địa phương tập trung toàn bộ nhân lực phân công cụ thể tới từng đàn bò, từng hộ gia đình có bò bệnh để hướng dẫn người dân phòng chống bệnh cho đàn bò sữa. Những vật tư của Bộ, của các doanh nghiệp hỗ trợ phải bảo đảm 100% đến được với người dân, không bị đứt gãy ở bất cứ khâu nào… Với những nỗ lực đó, đến nay công tác phòng chống dịch bệnh đã có những kết quả chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, hiện nay đối với đàn bò tiêm đợt 1 vào ngày 17/7 đã có dấu hiệu dịu lại nhưng đàn bò tiêm vào đợt cuối ngày 2/8 vẫn đang có những sự cố nhất định. Mặc dù vậy, với phác đồ điều trị hiện nay đang triển khai, chúng tôi tin dịch bệnh chắc chắn được ngăn chặn và từng bước đẩy lùi. Chúng ta sẽ duy trì được đàn bò sữa ở Lâm Đồng bảo đảm được năng suất chất lượng, để tiếp tục phát triển đàn bò sữa trong những năm tới.

Vaccine là một trong những giải pháp rất quan trọng để ổn định và ngăn ngừa dịch bệnh

PV: Thứ trưởng có thể chia sẻ rõ hơn về phác đồ điều trị mà ngành nông nghiệp cùng với Lâm Đồng đang triển khai để giảm bớt thiệt hại về bò sữa bệnh trong thời gian vừa qua?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Trước mắt, về tổng thể là phải bảo đảm an toàn sinh học. Đây là giải pháp đầu tiên, quan trọng nhất cần phải làm trong phòng chống dịch bệnh. Cùng với đó, phải phân loại từng đối tượng bò bệnh để xác định mức độ nặng nhẹ; từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Mặt khác, việc phối hợp với địa phương trong xử lý xác bò bệnh cũng phải đúng quy trình, đúng địa điểm để không làm ảnh hưởng nước ngầm, lây truyền dịch bệnh.

Sau khi rà soát, kiểm tra-cùng với những ghi nhận ban đầu về xét nghiệm gen, thì thấy bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa trong thời gian vừa qua đều trải qua một chu kỳ chung đó là ủ bệnh 7 ngày, phát bệnh vào ngày thứ 10 đến ngày thứ 12, thời gian cao trào bệnh là ngày 14 đến ngày 15, đến ngày thứ 21 tình trạng bệnh sẽ dịu đi. Sau khi xác định quá trình ủ bệnh, phát bệnh, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo Cục Thú y có những giải pháp cơ bản để đưa ra phác đồ điều trị với từng đối tượng bò bị bệnh, mang lại hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, chúng ta vẫn đang chờ kết quả xét nghiệm gen để xác định chính xác hơn về nguyên nhân bò bị bệnh. Sau khi có kết quả, nếu phác đồ điều trị đang triển khai đã sát với kết quả xét nghiệm thì tiếp tục triển khai, nếu phác đồ điều trị chưa sát thì sẽ tiếp tục điều chỉnh để công tác phòng chống bệnh trên đàn gia súc đạt hiệu quả cao hơn.

PV: Hiện tượng bò sữa mắc bệnh tiêu chảy sau khi tiêm vaccine viêm da nổi cục tại Lâm Đồng vừa qua cũng ít nhiều gây ra tâm lý lo lắng cho người chăn nuôi, Thứ trưởng có những khuyến cáo gì đối với người dân thông qua sự việc này?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Khi xảy ra sự cố này thì chắc chắn người chăn nuôi có tâm lý e ngại khi tiêm vaccine. Tuy nhiên, chúng ta cũng đã vào cuộc để xác định rõ nguyên nhân và có những giải pháp kịp thời. Tôi yêu cầu các đơn vị Cục Thú y cần truyền tải những kết quả, giải pháp đã triển khai để người dân hiểu rõ và yên tâm về tình hình bệnh trên đàn bò. Đến thời điểm hiện tại vẫn phải khẳng định tiêm vaccine là một trong những giải pháp rất quan trọng để ổn định và ngăn ngừa dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Chúng ta có vaccine cúm gia cầm, vaccine tai xanh, vaccine lở mồm long móng… đều có những đáp ứng miễn dịch rất cao. Vaccine viêm da nổi cục tiêm trên đàn bò vàng cũng cũng đã bảo đảm được miễn dịch tốt. Không cách nào khác ngoài tiêm vaccine để phòng chống dịch bệnh và xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để xuất khẩu.

Sau đợt này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ rút kinh nghiệm trong truyền thông, vận động người dân triển khai theo các bước phòng chống dịch chặt chẽ, hiệu quả hơn. Đồng thời sẽ rà soát, đánh giá lại tất cả theo hệ thống từ nghiên cứu, sản xuất quy trình sản xuất vaccine bảo đảm sát thực tiễn hơn, đúng đối tượng, đúng lứa tuổi hơn.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

THANH TRÀ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/da-co-phac-do-dieu-tri-cho-dan-bo-sua-o-lam-dong-post823888.html
Zalo