Đã có gần 17.000 trẻ em được tiêm vaccine phòng sởi

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), trong kỳ nghỉ lễ 2/9 vừa qua, gần 17.000 trẻ em đã được tiêm vaccine phòng sởi. Hiện số ca mắc sởi và nghi sởi ở TPHCM vẫn tiếp tục gia tăng.

Tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ em tại TPHCM. Ảnh: HCDC.

Tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ em tại TPHCM. Ảnh: HCDC.

Sở Y tế TPHCM cho hay, trong dịp nghỉ lễ 2/9, hoạt động tiêm chủng vaccine phòng sởi vẫn được duy trì tổ chức. Cụ thể, sau 4 ngày triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng sởi, toàn thành phố đã tiêm được 16.907 trường hợp. Trong đó, có 115 trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao được tiêm tại bệnh viện và 27 nhân viên y tế. Hơn 200 trường hợp hoãn tiêm, chưa tới 10 trường hợp chống chỉ định tiêm. Đặc biệt, không ghi nhận trường hợp phản ứng nặng sau tiêm.

Trong ngày 4/9, chiến dịch tiêm vaccine phòng sởi tiếp tục được diễn ra với 282 bàn tiêm tại 22 quận, huyện, TP Thủ Đức và 1 bệnh viện tuyến thành phố. Số lượng trẻ dự kiến tiêm là 6.821 trẻ.

Theo các chuyên gia y tế, trước đó việc phụ huynh “né” tiêm vaccine sởi vì sợ con suy yếu cũng là nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát. ThS.BS Nguyễn Đình Qui - Phó trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM cho biết, bệnh viện đang điều trị nội trú cho 8 trẻ mắc bệnh sởi. Trong đó, có những trường hợp 1 gia đình có tới 2 trẻ nhập viện cùng lúc vì mắc sởi. Qua thực tế thăm khám và điều trị các ca bệnh sởi tại bệnh viện cho thấy việc tiêm vaccine sởi chưa được các phụ huynh chú trọng và thực hiện tiêm đầy đủ cho trẻ. Có rất nhiều trẻ chỉ mới được tiêm 1 mũi vaccine phòng sởi, thậm chí có nhiều trẻ đã tới tuổi tiêm nhưng chưa được mũi nào.

Cũng theo BS Qui, thực tế cho thấy, hiện nay có rất nhiều phụ huynh cho rằng, trẻ đã mắc bệnh sởi rồi, cơ thể trẻ đã có các kháng thể phòng ngừa sởi nên trẻ sẽ không bị sởi hoặc khả năng trẻ mắc lại bệnh sởi rất thấp. Trên thực tế, kháng thể ở những bệnh nhân đã bị bệnh sởi có thể tồn tại bền vững, thậm chí bền vững hơn vaccine phòng bệnh sởi.

Tuy nhiên, kháng thể không thể bảo vệ trọn đời cho bệnh nhân, nên trẻ đã bị mắc sởi rồi vẫn có thể mắc lại. Do vậy, trường hợp trẻ đã bị mắc sởi rồi phụ huynh cũng cần cho trẻ tiêm nhắc vaccine phòng sởi. Khi trẻ được tiêm 1 mũi vaccine phòng sởi có thể ngừa được khoảng từ 82 - 83%, khả năng trẻ bị mắc bệnh khoảng 17 - 18%. Vậy nên, trẻ cần tiêm nhắc lại mũi thứ 2 để khả năng miễn dịch của trẻ tăng lên 95% nhằm bảo vệ trẻ trước dịch bệnh.

BS Nguyễn Đình Qui cũng khuyến cáo, trường hợp trẻ đã mắc bệnh sởi, sau 5 - 10 năm nên cho trẻ tiêm lại vaccine phòng sởi là tốt nhất. Đối với những trường hợp tiêm vaccine phòng sởi, sau khoảng 10 năm nên cho trẻ tiêm nhắc lại 1 lần.

An Thái

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/da-co-gan-17-000-tre-em-duoc-tiem-vaccine-phong-soi-10289330.html
Zalo