Đa cấp trái phép thường đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết của người dân

Đa cấp trái phép thường đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết để lôi kéo, dụ dỗ người dân tham gia nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Chiều 18/9/2024, Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường và UBND huyện Hậu Lộc tổ chức hội nghị tuyên truyền về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và dấu hiệu nhận biết bán hàng đa cấp bất chính cho cán bộ, công chức, người dân trên địa bàn huyện Hậu Lộc.

Hội nghị do Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa tổ chức đã thu hút hàng trăm đại biểu tham dự. Ảnh: Quốc Huy

Hội nghị do Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa tổ chức đã thu hút hàng trăm đại biểu tham dự. Ảnh: Quốc Huy

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động từ ngày 31/7/2009, với mục đích ý nghĩa phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Sau 15 năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng tích cực của các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân; doanh nghiệp từng bước cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, người tiêu dùng đã dần tin tưởng vào chất lượng sản phẩm hàng Việt.

Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: Quốc Huy

Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: Quốc Huy

Tuy nhiên, một bộ phận người dân vẫn còn hoài nghi về chất lượng hàng Việt, do hàng giả, hàng độc hại, không an toàn cho sức khỏe lưu hành trên thị trường vẫn còn nhiều. Do đó, công tác tuyên truyền về Cuộc vận động cần đẩy mạnh, nhằm đề cao vai trò trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, từng bước đẩy lùi, ngăn chặn hàng giả, hàng lậu lưu thông trên thị trường, củng cố lòng tin của người tiêu dùng đối với hàng Việt.

Bên cạnh đó, thời gian qua hoạt động bán hàng đa cấp bất chính vẫn còn diễn ra ở một số địa phương trong tỉnh, gây bức xúc trong nhân dân. Có thể nói, bán hàng đa cấp là một phương thức kinh doanh hiện đại, mang lại hiệu quả cao ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, khi triển khai tại Việt Nam, đây cũng là mô hình kinh doanh dễ bị lợi dụng, biến tướng bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết để lôi kéo, dụ dỗ người dân tham gia vào các hoạt động đa cấp trái phép nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

 Ông Võ Minh Khoa, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quốc Huy

Ông Võ Minh Khoa, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quốc Huy

Thông qua chuỗi các hoạt động tuyên truyền tại các địa phương trên địa bàn tỉnh nhằm tạo sự thống nhất nhận thức, hành động trong Đảng và hệ thống chính trị, sự đồng thuận xã hội và sự chung sức của các tầng lớp nhân dân về đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa cho biết, hội nghị được tổ chức nhằm chia sẻ, hệ thống lại những điểm quan trọng về chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, những quy định mới của pháp luật liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp, nhận diện thủ đoạn kinh doanh theo phương thức đa cấp bất chính.

Ông Lê Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Quốc Huy

Ông Lê Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Quốc Huy

“Sau Hội nghị lần này, hy vọng mỗi chúng ta ở đây sẽ có bước chuyển mới trong nhận thức về vai trò, lợi ích và hiệu quả của việc tham gia Cuộc vận động, có phương pháp tiếp cận thông tin pháp lý cập nhật về bán hàng đa cấp và bảo vệ người tiêu dùng, giúp mỗi người tự bảo vệ bản thân và góp phần thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong toàn xã hội”, ông Lê Tiến Dũng nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ hội nghị, các báo cáo viên thuộc Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường cũng đã chỉ ra một số biểu hiện của bán hàng đa cấp bất chính như lừa đảo chiếm dụng vốn, bán hàng đa cấp biến tướng, biến tướng từ các nhà phân phối.

Báo cáo viên thuộc Công an tỉnh Thanh Hóa chia sẻ kinh nghiệm về bán hàng đa cấp tại hội nghị. Ảnh: Quốc Huy

Báo cáo viên thuộc Công an tỉnh Thanh Hóa chia sẻ kinh nghiệm về bán hàng đa cấp tại hội nghị. Ảnh: Quốc Huy

Để ngăn chặn các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh đa cấp, chính quyền địa phương cần có biện pháp quản lý chặt chẽ đối với hoạt động kinh doanh đa cấp trên địa bàn xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức tiếp tay cho hoạt động kinh doanh đa cấp bất chính. Các cơ quan quản lý ở địa phương phối hợp hiệu quả với các ngành chức năng liên quan tăng cường các hoạt động giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trên từng địa bàn, hạn chế tối đa môi trường hoạt động của các đối tượng kinh doanh đa cấp bất chính, trái phép.

Đồng thời, cần đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và nâng cao nhận thức cho người dân. Khi hiểu biết của người dân được nâng cao, các hoạt động lừa đảo sẽ không còn có cơ hội tồn tại, phát triển.

Quốc Huy

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/da-cap-trai-phep-thuong-danh-vao-long-tham-va-su-thieu-hieu-biet-cua-nguoi-dan-346760.html
Zalo