Cửu Trại Câu - thiên đường nơi hạ giới
Các mỹ từ đẹp nhất để ca tụng một vùng non nước hữu tình ở nhân gian này, có lẽ người ta đều gán cả cho điểm đến nổi tiếng bậc nhất Trung Quốc - Cửu Trại Câu.
Nhắc đến Cửu Trại Câu là nhắc đến một “thiên đường nơi hạ giới. Vẻ đẹp kinh điển của Cửu Trại Câu, thuộc châu tự trị A Bá, phía Bắc tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) - tỉnh khổng lồ với thiên nhiên kỳ diệu, là nơi sinh sống của 84 triệu dân.
Hiện nay, Khu dự trữ sinh quyển thế giới (được công nhận năm 1997) này đã đóng góp tới 60% cho doanh thu của nền kinh tế địa phương. Mỗi năm, riêng “con gà đẻ trứng vàng” của 9 ngôi làng người Tạng Cửu Trại Câu đã thu hút gần 8 triệu khách du lịch, số tiền mang về thật sự khổng lồ: 1,5 tỷ USD.
Nằm ở rìa cao nguyên Tây Tạng (cao nhất thế giới), phía Bắc của tỉnh Tứ Xuyên, Cửu Trại Câu rộng tới 72 nghìn ha, lại là khu bảo tồn được xếp hạng cao cấp nhất Trung Quốc (mức 5A), lại là kho dự trữ sinh quyển và nhận nhiều danh hiệu khác của thế giới. Hơn thế, cảnh ở đây đẹp đến siêu thực.
“Thiên đường nơi hạ giới” này hình thành do các dãy núi đá vôi ở độ cao lớn và các tầng đá cacbonat hình thành do quá trình nâng lên của vỏ trái đất, do cả hoạt động băng hà và thủy văn kỳ diệu nói chung. Vì hiệu ứng băng hà, nên dù ở rất cao, Cửu Trại Câu vẫn có cảnh quan nhiều hồ nước bị vôi hóa, các thác nước vắt vẻo như nhiều áng tóc trữ tình đổ từ chính tầng mây trắng xuống tới đáy rêu vàng.
Vùng đất bãi với cây cỏ rả, lau sậy êm mượt như lông của loài thú hoang khổng lồ, chim chóc nhởn nhơ hót. Giữa xanh thắm, vàng ruộm “cỏ năn cỏ lác” đó, là con ngòi xanh óng ánh trườn đi (hoặc đứng im). Lắt lẻo, mơ màng. Khoa học gọi đó là cảnh quan vùng đất bãi travetine, cái tên này như một tính từ nói lên một sắc thái riêng có của cái sự mỹ miều cảnh quan.
Di sản thế giới rộng 72.000 ha Cửu Trại Câu gồm 108 hồ thiêng cực đẹp thu hút nhiều triệu khách du lịch mỗi năm. Với tỷ lệ che phủ của rừng nguyên sinh lên tới 90%, có đủ đông trùng hạ thảo, sen tuyết, trà tuyết, thủy tùng, linh sam ba đầu, lá cỏ treo (theo thống kê, có tới 74 loài thực vật quý được bảo vệ cấp quốc gia của Trung Quốc quần tụ tại đây); rồi gấu trúc khổng lồ (quốc bảo của Trung Hoa), hươu môi trắng, sếu cổ đen, báo mai hoa, gà lôi lam vàng bụng đỏ, hươu xạ rừng (và 223 loài chim)… - kho tàng sinh thái Cửu Trại Câu được quốc tế trao danh hiệu “Quả cầu xanh 21”, chứng chỉ phát triển du lịch bền vững tôn trong thiên nhiên tuyệt đối.
Cửu Trại Câu được như hôm nay là nhờ một tinh thần tôn trọng thiên nhiên, những tâm hồn tinh tế, biết thổn thức trước “món quà của thượng giới đánh rơi” và sau nữa là con mắt “liên tài” biết nhìn xa trông rộng để phát huy di sản đem lại nguồn thu khổng lồ 1,5 tỷ USD/năm cho 9 làng người Tạng và cả đất nước Trung Quốc. Cửu Trại Câu vốn tách biệt hầu như hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Đến mức, tận năm 1975, vùng đất của người Tạng, người Khương (nay là hơn 70 nghìn ha bảo tồn cho Di sản thế giới Cửu Trại Câu) vẫn chỉ được nhắc tới như vùng chín suối mười đèo dùng để khai thác gỗ: “tiến vào rừng sâu làm giàu cho tổ quốc”. Rất may, một số người đi điều hành các đội “phá sơn lâm, đâm hà bá” sớm nhận ra vẻ đẹp thần tiên cổ tích của nơi này, thông tin được cấp báo.
Chính phủ Trung Quốc dừng hẳn việc đốn rừng Cửu Trại vào năm 1979. Và so với thời ấy là còn quá nhanh và quá nguy hiểm! Chỉ 3 năm sau, Cửu Trại Câu được liệt vào danh sách Vườn Quốc gia của Trung Quốc. Hiện nay, Khu dự trữ Sinh quyển thế giới (được công nhận năm 1997) này đã đóng góp tới 60% cho doanh thu của nền kinh tế địa phương.
Nhiều bộ phim lừng danh thiên hạ được đóng với bối cảnh ở đây. Các thung lũng như Thụ Chính Câu, Nhật Tắc Câu, Tra Oa Câu, đọc thì trúc trắc trục trặc nhưng đã nổi như cồn, người ta thuộc làu tên các hồ xanh và thác nước Trân Châu. Vì bộ phim “Anh hùng” nổi tiếng của Trung Quốc đã được quay với bối cảnh tại Cửu Trại Câu!
Bảy sắc cầu vồng do thác chảy tung vào nắng, triệu triệu mảy nước trong ngọc trắng ngà. Màu sắc tươi sáng sắc nét trên mặt các gương hồ huyền thoại. Rừng lá đổi màu theo mùa và theo từng bước đi vi diệu của thần Mặt trời. Đây hồ Ngũ Hải, đây Thác nước Nặc Nhật Lãng, rồi hồ Tiễn Trúc, nghe đã vui tai và gợi nhớ chưa? Nhớ gì, nhớ tới bộ phim “Anh hùng” sản xuất năm 2002 của đạo diễn nổi tiếng nhất mọi thời đại của Trung Quốc: Trương Nghệ Mưu. Có thể bạn không biết mặt ông “Trương”, nhưng dàn tinh hoa trác tuyệt điện ảnh Trung Hoa thì hội tụ cả về Cửu Trại Câu và lên phim đấy. Nào là Lý Liên Kiệt, Lương Triều Vỹ, Trương Mạn Ngọc, Chân Tử Đan, Chương Tử Di, Trần Đao Minh… Đủ nam thanh nữ tú, đủ trai tài gái sắc.