Cựu Tổng giám đốc SJC Lê Thúy Hằng bị bắt
Liên quan đến vụ án Tham ô tài sản và Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ xảy ra tại SJC, Bộ Công an đã khởi tố 6 bị can trong đó có Lê Thúy Hằng - cựu Tổng giám đốc Công ty SJC.
Chiều 31/12, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên (Phó chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an) cho biết liên quan đến vụ án Tham ô tài sản và Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), Bộ Công an đã khởi tố 6 bị can về các tội Tham ô tài sản và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Cụ thể, 4 bị can bị khởi tố về hành vi Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ gồm Lê Thúy Hằng (cựu Tổng giám đốc Công ty SJC), Mai Quốc Uy Viễn (Giám đốc xưởng vàng, Công ty SJC), Trần Tấn Phát (Phó giám đốc xưởng vàng, Công ty SJC) và Nguyễn Thị Huệ (Giám đốc chi nhánh Hải Phòng, Công ty SJC).
Hai bị can bị khởi tố về hành vi Tham ô tài sản gồm Hoàng Lệ Huê (Giám đốc chi nhánh miền Trung, Công ty SJC) và Nguyễn Thị Lộc (kế toán chi nhánh miền Trung, Công ty SJC).
Người phát ngôn Bộ Công an thông tin, bước đầu cảnh sát xác định các bị can đã lợi dụng việc mua, bán vàng bình ổn giá, lập khống chứng từ, sổ sách để chiếm đoạt tiền, hưởng lợi bất chính.
SJC là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, trực thuộc UBND Tp.HCM. Nhiều năm qua, doanh nghiệp này đóng góp hàng chục tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước. SJC nằm trong nhóm 27 doanh nghiệp mà Nhà nước sẽ nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống hoặc không sở hữu sau cổ phần hóa.
Công ty này là đơn vị duy nhất được Ngân hàng Nhà nước cho phép độc quyền sản xuất vàng miếng từ năm 2014 đến nay. Những năm gần đây, giá vàng SJC chênh lệch cao so với quốc tế, cũng như các loại vàng miếng khác, trang sức, mỹ nghệ. Từ cuối năm 2023, thị trường vàng biến động mạnh đã khiến Ngân hàng Nhà nước đề xuất thay đổi phương án sản xuất, bỏ tình trạng độc quyền.