Cựu thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc lĩnh 3 năm tù

Bản án sơ thẩm đánh giá vụ án do cựu thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc và các đồng phạm gây ra hậu quả rất lớn, gây bức xúc trong xã hội.

Chiều nay 21-5, TAND TP Hà Nội đã tuyên án sơ thẩm đối với cựu thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (cũ, Bộ TN-MT) Nguyễn Linh Ngọc cùng 26 bị cáo liên quan đến vụ án đất hiếm ở Yên Bái.

Bị cáo Nguyễn Linh Ngọc tại phiên tòa

Bị cáo Nguyễn Linh Ngọc tại phiên tòa

Theo đó, Tòa tuyên cựu thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc 3 năm tù; Nguyễn Văn Thuấn, cựu tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN-MT), 5 năm tù; Hoàng Văn Khoa, cựu Vụ trưởng Khoáng sản (Bộ TN-MT), 42 tháng tù; Hồ Đức Hợp, cựu giám đốc Sở TN-MT tỉnh Yên Bái, 4 năm tù; Lê Công Tiến, cựu phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Yên Bái, 3 năm tù và 2 bị cáo khác bị tuyên từ 2 năm 6 tháng đến 4 năm tù cùng về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Bị cáo Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP tập đoàn Thái Dương, bị tuyên 14 năm 6 tháng, về 3 tội Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Gây ô nhiễm môi trường. Bị cáo Lưu Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đất hiếm Việt Nam, bị tuyên 16 năm về 2 tội Buôn lậu và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. 17 bị cáo khác bị tuyên từ 24 tháng tù cho hưởng án treo đến 8 năm 6 tháng tù.

Bản án sơ thẩm đánh giá vụ án rất nghiêm trọng, gây hậu quả rất lớn, gây thất thoát tài nguyên, bức xúc trong xã hội, việc xét xử nghiêm để làm gương là cần thiết để trừng trị răn đe tội phạm nói chung và tội phạm môi trường nói riêng. Tuy nhiên, định hình phạt, tòa cân nhắc các yếu tố giảm nhẹ như thành tích trong công tác, chiến đấu, gia đình có công cách mạng, một số bị cáo là thương binh, bệnh binh, người cao tuổi, bệnh nặng, một số bị cáo nữ là mẹ đơn thân, nuôi con nhỏ. Một số bị cáo là cấp dưới, làm theo chỉ đạo, hành vi phạm tội mang tính phục tùng, không hưởng lợi.

Tòa đánh giá cao nhận thức và tinh thần hợp tác của các bị cáo trong quá trình điều tra để làm sáng tỏ vụ án, việc các bị cáo tích cực nộp tiền khắc phục hậu quả và một số cơ quan, đơn vị như Bộ Nông nghiệp Môi trường (bộ mới), Sở TN-MT tỉnh Yên Bái, Liên đoàn Địa chất Trung bộ... có đơn xin khoan hồng cho cựu cán bộ của mình.

Bản án xác định cựu thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc phạm tội không vụ lợi mà vì 2 lý do gồm tin tưởng cấp dưới và tin tưởng Công ty Thái Dương sau khi được ký duyệt sẽ hoàn thiện hồ sơ, yêu cầu bởi hợp tác với đối tác Nhật Bản.

Về dân sự tòa tuyên buộc các bị cáo nộp lại toàn bộ tiền hưởng lợi từ các hành vi vi phạm pháp luật. Theo đó, sau khi đối trừ, Đoàn Văn Huấn còn phải nộp hơn 665 tỉ đồng; Lưu Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đất hiếm Việt Nam còn phải nộp 233 tỉ đồng.

Theo cáo buộc, năm 2012, ông Nguyễn Linh Ngọc được giao chỉ đạo, giải quyết lĩnh vực địa chất, khoáng sản và phụ trách Tổng cục Địa chất và Khoáng sản. Đây là đơn vị có nhiệm vụ tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp giấy phép khai thác khoáng sản.

Trong đó, hồ sơ xin cấp phép của Công ty Thái Dương chỉ có giấy chứng nhận đầu tư dự án khai thác, tuyển quặng do UBND tỉnh Yên Bái cấp năm 2011 (hết hạn năm 2012); không có giấy chứng nhận đầu tư nhà máy thủy luyện Yên Bái và nhà máy chiết tách Hải Phòng.

Vốn chủ sở hữu của Công ty Thái Dương không đạt tỉ lệ bằng 30% tổng số vốn đầu tư của dự án như quy định của Luật Khoáng sản. Tuy nhiên, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản vẫn sử dụng kết quả thẩm định cũ từ năm 2011 để trình hồ sơ. Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc khi đọc và nghiên cứu hồ sơ vẫn ký chấp nhận cấp giấy phép cho Công ty Thái Dương vào năm 2013.

Hành vi của bị cáo Nguyễn Linh Ngọc và các bị cáo khác trong vụ án đã giúp Công ty Thái Dương tổ chức khai thác, tiêu thụ trái phép quặng đất hiếm, quặng sắt có tổng trị giá hơn 730 tỉ đồng.

Nguyễn Hưởng

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cuu-thu-truong-nguyen-linh-ngoc-linh-3-nam-tu-1962505211601473.htm
Zalo