Cựu thanh niên xung phong giàu lòng nhân ái
Bà Nguyễn Thị Kim Chung, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong phường Trúc Bạch (quận Ba Đình) từng đảm nhiệm nhiều vai trò ở phường và tổ dân phố.
Nhiều người quý mến bà bởi sự tận tâm, trách nhiệm trong thực hiện công việc, đặc biệt là thường xuyên tham gia những hoạt động tình nguyện, giúp đỡ cộng đồng.
“Cô giáo” dạy múa 80 tuổi
Gặp và trò chuyện với bà Nguyễn Thị Kim Chung ai cũng thấy bà trẻ, khỏe và minh mẫn so với tuổi 80. Điều đáng ngạc nhiên là từ thời trẻ đến giờ, dù đã trải qua công việc vẽ kỹ thuật trong môi trường quân đội hay cho đến lúc nghỉ hưu, tham gia công tác ở địa phương (HĐND phường, các hội đoàn thể: Cựu chiến binh, Người cao tuổi, Phụ nữ...), bà vẫn vẹn nguyên niềm đam mê với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, đặc biệt là múa.
Vốn có năng khiếu và niềm yêu thích đặc biệt với nghệ thuật múa, bà Chung không chỉ tham gia biểu diễn mà còn tự học hỏi để biên đạo các bài múa rồi hướng dẫn cho nhóm văn nghệ của người cao tuổi, phụ nữ, thiếu nhi... Nhiều tiết mục do bà biên đạo, hướng dẫn để tham gia các cuộc thi đã đoạt giải cao.
Hằng ngày, bà vẫn đến hồ Trúc Bạch và Vườn hoa Hàng Đậu duy trì việc tập luyện tại hai câu lạc bộ dưỡng sinh và dân vũ. Ở cái tuổi đáng ra được an nhàn, song bà luôn bận rộn vì thường đi dàn dựng miễn phí chương trình múa giúp các nhóm người cao tuổi, cựu chiến binh, phụ nữ, nhóm học sinh... ở các phường trong quận Ba Đình.
Một trong những việc làm đáng trân trọng của bà Nguyễn Thị Kim Chung là cách đây vài năm, bà bắt đầu tham gia dạy miễn phí cho các cháu bị khuyết tật ở Trung tâm Phúc Tuệ (thuộc Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Hà Nội). Am hiểu về nghệ thuật múa, bà cảm nhận rõ, bộ môn múa này góp phần rèn luyện thể lực và trí lực.
Dạy múa cho trẻ bình thường đã khó, dạy cho trẻ khuyết tật ở nhiều lứa tuổi (từ khoảng 6-7 tuổi cho đến ngoài 20 tuổi) với các thể trạng bệnh khác nhau còn khó hơn nhiều lần. Trẻ bình thường, sau khoảng 5-6 buổi, đã cơ bản nhớ động tác của một tiết mục, nhưng nhóm trẻ đặc biệt này phải khoảng 1-2 tháng, có khi cả ngày chỉ tập được 1 động tác. Tuy nhiên, bà Chung luôn nhẹ nhàng, kiên nhẫn hướng dẫn, nắn chỉnh và động viên các cháu làm đi làm lại từng động tác. Dần dần các cháu tập trung, cố gắng làm theo để rồi lại được nghe lời khen của bà Chung trong niềm phấn khởi.
Bà còn động viên và tổ chức cho các cháu tham gia biểu diễn tại các chương trình, cuộc thi của quận và thành phố. Mỗi lần các cháu biểu diễn, bà Chung đều hỗ trợ tận tình để các cháu tập trung không bị phân tâm nơi đông người và có nhiều âm thanh, ánh sáng.
Lớp học múa của “cô giáo” Chung không có lịch cố định mà tùy theo lịch bà sắp xếp với trung tâm, nhưng mỗi lần bà đến là các cháu đều reo vui “bà Chung”, “bà Chung đến”..., khiến cả bà và các cháu đều rạng rỡ nụ cười.
Giám đốc Trung tâm Phúc Tuệ Vũ Thị Minh Hương cho biết: “Bà Chung dạy múa thiện nguyện cho các cháu ở trung tâm và mua đồ cho các cháu đi biểu diễn. Sự góp công, góp sức đó của bà Chung cùng các giáo viên, tình nguyện viên đồng hành với trung tâm những năm qua đã mang lại niềm vui, sự phấn khởi cho các cháu”.
Tích cực hoạt động xã hội
Tham gia hoạt động múa và dạy múa trong nhiều năm qua, song bà Chung không bao giờ lấy tiền công. Thậm chí, bà còn bỏ tiền túi ra mua đạo cụ (nón, khăn, quần áo...), mua bánh trái hoa quả bồi dưỡng cho mọi người trong lúc tập.
Để có được tiết mục múa phù hợp cho từng nhóm đối tượng (người cao tuổi, cựu chiến binh, phụ nữ...), bà Chung dành nhiều thời gian xem trên mạng internet, tìm hiểu và chọn lọc, ghép động tác múa khớp với âm nhạc để mỗi tiết mục: Đủ - đều - đẹp - độc đáo. Với sự tâm huyết đó, bà đã tham gia biểu diễn và biên đạo, hướng dẫn các đội múa đi thi cấp quận, thành phố và đạt nhiều giải cao (xuất sắc, nhất, nhì...).
Ngoài dạy múa tại Trung tâm Phúc Tuệ, bà Chung còn đồng hành với các cô giáo ở nơi đây nhiều lần tổ chức sinh nhật cho các cháu, tổ chức cho các cháu đi tham quan, dã ngoại. Trong các chuyến đi đó, bà vẫn trẻ trung, năng động cùng các cháu chơi các trò chơi đuổi bắt, rồng rắn lên mây...
Bà Chung chia sẻ: “Để gần gũi các cháu, tôi luôn coi các cháu như người bình thường, yêu thương và vui vẻ để các cháu được có cuộc sống như mọi người, được học tập, được đi chơi. Điều tôi cảm nhận rõ là sau mỗi lần tập xong một bài múa, trí não các cháu có sự thay đổi tích cực như nhanh nhẹn hơn, cười nhiều hơn, giảm tình trạng ngồi một chỗ không có nhu cầu giao tiếp. Đặc biệt, khi vào đội hình múa, các cháu cũng phát huy được tinh thần trách nhiệm, nếu thấy bạn đứng sai vị trí hoặc quên động tác là nhắc để bạn làm đúng”.
Bà Chung cũng được đánh giá cao trong gần 10 năm đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong phường Trúc Bạch. Ngoài ra, bà cũng tích cực tham gia các hoạt động hữu ích cho cộng đồng như: Tặng quà cho các gia đình khó khăn, hộ nghèo; tổ chức nấu, tặng các suất ăn miễn phí cho đội xung kích của phường trong đại dịch Covid-19; tổ chức Tết Trung thu cho thiếu nhi...
Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch Nguyễn Dân Huy đánh giá: “Bác Nguyễn Thị Kim Chung làm tốt nhiệm vụ Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong, giúp đỡ, chăm lo các hội viên. Đồng thời, bác nhiệt tình tham gia các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn phường, tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện”.