Cựu Thanh niên xung phong đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế

Trở về từ chiến trường, nhiều năm qua, các cựu Thanh niên xung phong tại tỉnh Quảng Bình đã tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của địa phương. Đặc biệt, nhiều cựu Thanh niên xung phong đã trở thành tấm gương sáng trong phong trào phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng và giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống.

Mô hình chăn nuôi tổng hợp mang lại hiệu quả cao của cựu Thanh niên xung phong Mai Thị Hải (xã An Thủy, huyện Lệ Thủy). Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN

Mô hình chăn nuôi tổng hợp mang lại hiệu quả cao của cựu Thanh niên xung phong Mai Thị Hải (xã An Thủy, huyện Lệ Thủy). Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN

Năm 2015, với quyết tâm vươn lên làm giàu trên quê hương mình, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các cấp hội, ông Phan Bảy (thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đã vận động các hội viên Hội Cựu Thanh niên xung phong của huyện Quảng Ninh cùng tham gia xây dựng "Tổ hợp tác nuôi cá lồng và hàu hải sản trên sông Nhật Lệ".

Ông Phan Bảy cho biết: "Khi bắt đầu triển khai mô hình, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn do chưa có nhiều kinh nghiệm. Năm đầu tiên, cá và hàu chết rất nhiều. Tuy nhiên, không lùi bước trước khó khăn, tôi và các hội viên khác đã học hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi ở nhiều nơi để về áp dụng. Từ năm thứ 2 đến nay, mô hình đã thành công và đem về thu nhập khá cho các hội viên".

Theo ông Phan Bảy, đến nay mô hình “Tổ hợp tác nuôi cá lồng và hàu hải sản trên sông Nhật Lệ" đã xây dựng được 30 lồng nuôi cá lồng và hàu hải sản với 6 hộ gia đình là các cựu Thanh niên xung phong tham gia. Trung bình mỗi năm, các gia đình có thu nhập khoảng trên 100 triệu đồng từ nuôi cá lồng và hàu hải sản, đồng thời tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động là con em của các cựu Thanh niên xung phung khác. Ngoài ra, các hội viên còn trích một phần kinh phí thu nhập để giúp đỡ các hội viên khác khó khăn hơn vươn lên trong cuộc sống.

Mô hình "Tổ hợp tác nuôi cá lồng và hàu hải sản trên sông Nhật Lệ” của 6 Hội viên cựu Thanh niên xung phong thị trấn Quán Hàu (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình). Ảnh: TTXVN phát

Mô hình "Tổ hợp tác nuôi cá lồng và hàu hải sản trên sông Nhật Lệ” của 6 Hội viên cựu Thanh niên xung phong thị trấn Quán Hàu (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình). Ảnh: TTXVN phát

Tại huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), mô hình trang trại tổng hợp của cựu Thanh niên xung phong Mai Thị Hải (xã An Thủy) mang lại hiệu quả kinh tế cao, mỗi năm cho thu nhập trên 1 tỷ đồng. Mô hình có diện tích trên 2 ha, trong đó hơn 1 ha diện tích là ao nuôi cá; diện tích còn lại dùng để chăn nuôi 50 con lợn, 40 con dê và hàng trăm con gà, vịt...

Đáng nói, hàng năm, bà Mai Thị Hải đều trích một phần kinh phí từ thu nhập trang trại để hỗ trợ các cựu Thanh niên xung phong trên địa bàn huyện có hoàn cảnh khó khăn vay vốn phát triển kinh tế, tri ân người có công với cách mạng, hoặc hỗ trợ hội viên cựu Thanh niên xung phong lúc ốm đau, bệnh thật, gặp rủi ro thiên tai.

Cựu Thanh niên xung phong Mai Thị Hải chia sẻ: "Số tiền hỗ trợ các đồng đội không nhiều, song thể hiện được tinh thần, nghĩa tình đồng đội với nhau. Từ sự hỗ trợ này, không ít đồng đội của tôi đã vượt qua khó khăn trong cuộc sống, có thêm kinh phí sửa chữa nhà cửa đã xuống cấp, lo cho con cái ăn học. Tôi mong muốn rằng, thời gian tới các cựu Thanh niên xung phong trong huyện, tỉnh tiếp tục phát huy phẩm chất của người lính Cụ Hồ, có tinh thần tương thân, tương ái, dù trong chiến tranh hay cuộc sống thời bình".

Hiện, Quảng Bình có khoảng 24.500 hội viên cựu Thanh niên xung phong. Nhiều năm qua, Hội Cựu Thanh niên xung phong các cấp trong tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ, khuyến khích hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh; xây dựng được 72 mô hình kinh tế, với tổng số vốn hơn 20 tỷ đồng.

Trao tiền hỗ trợ các cựu Thanh niên xung phong tỉnh Quảng Bình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Ảnh: TTXVN phát

Trao tiền hỗ trợ các cựu Thanh niên xung phong tỉnh Quảng Bình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Ảnh: TTXVN phát

Ông Đặng Phúc Duệ, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong tỉnh Quảng Bình cho biết, với phẩm chất người lính cụ Hồ, các hoạt động của Hội trong thời gian qua đều được các hội viên tích cực hưởng ứng tham gia. Trong đó, nổi bật là các phong trào thi đua phát triển kinh tế, giúp nhau nâng cao đời sống, giúp nhau thoát nghèo bền vững. Tỉnh đã xây dựng được nhiều mô hình kinh tế đa dạng với các cách làm phù hợp với thực tiễn, nhiều hội viên đã từng bước làm giàu trên chính quê hương mình.

Bên cạnh đó, vào những ngày truyền thống lực lượng Thanh niên xung phong (17/7) và Ngày thương binh liệt sỹ (27/7) hàng năm, những người cựu Thanh niên xung phong, Tổ hợp cựu Thanh niên xung phong làm kinh tế đều trích hỗ trợ một phần kinh phí để giúp cho những người có công là cựu Thanh niên xung phong giải quyết những khó khăn trong cuộc sống. Hoạt động này được lan tỏa qua tất cả cấp huyện, hội trong tỉnh.

“Trong thời gian tới, Hội Cựu Thanh niên xung phong tỉnh Quảng Bình tiếp tục quan tâm, nắm chắc hoàn cảnh từng hội viên để có những tư vấn, hỗ trợ phù hợp trong phát triển kinh tế; phối hợp với các ngành ở địa phương để có kế hoạch tập huấn, nâng cao các kiến thức về khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, chuyển đổi ngành nghề phù hợp đến các hội viên, từ đó xây dựng những tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế với tinh thần "trẻ xung phong, già mẫu mực", tiếp tục truyền lửa cho thế hệ trẻ ngày nay”, ông Đặng Phúc Duệ nói.

Bài và ảnh: Tá Chuyên (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/cuu-thanh-nien-xung-phong-doan-ket-giup-nhau-phat-trien-kinh-te-20240802100308731.htm
Zalo