Cựu sinh viên kiện trường đại học vì 'học xong 30 năm mới được cấp bằng'

Nguyên đơn cho rằng mình thi tốt nghiệp từ năm 1989 nhưng sau 30 năm mới được cấp bằng nên kiện trường đại học yêu cầu bồi thường thiệt hại hơn 43 tỉ đồng.

Ngày 6-5, TAND quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) mở phiên tòa xét xử vụ kiện giữa ông Dương Thế Hảo và Đại học Kinh tế Quốc dân.

Theo đó, ông Dương Thế Hảo, 65 tuổi, khởi kiện vì tốt nghiệp năm 1989 nhưng 30 năm sau Đại học Kinh tế Quốc dân mới giao bằng.

Thiệt hại hơn 43 tỉ đồng

Trình bày tại phiên tòa, ông Dương Thế Hảo cho biết ông yêu cầu bồi thường hơn 43 tỉ đồng cho các tổn thất vật chất và tinh thần.

Ông Hảo từng là quân nhân phục vụ quân chủng không quân. Sau khi xuất ngũ, ông Hảo thi đậu và nhập học tại Đại học Kinh tế Quốc dân.

Năm 1989, ông hoàn thành tất cả môn học và vượt qua kỳ thi tốt nghiệp với số điểm đạt trở lên, nhận được giấy xác nhận đã thi tốt nghiệp và đợi cấp bằng.

Nhưng sau đó, ông Hảo không được cấp bằng Đại học, không được trả lại hồ sơ cá nhân bao gồm bằng tốt nghiệp cấp 3, học bạ cấp 3, giấy khai sinh, lý lịch quân nhân, quyết định xuất ngũ…, tất cả đều là bản chính.

Ông Hảo trình bày việc trường giữ bằng Đại học, không trả hồ sơ cá nhân gây ra thiệt hại cả về vật chất, tinh thần. Bản thân ông Hảo mất cơ hội việc làm khi không có bằng đại học, mất thu nhập tiền lương, mất thu nhập ngoài lương.

Ngoài ra, ông Hảo cũng bị ảnh hưởng quyền lợi khác như quyền xác định nơi cơ trú, không thể làm căn cước công dân, hộ chiếu, không thể kết hôn dẫn đến cuộc sống đảo lộn.

Ông Hảo không thể liên kết kinh doanh, không thể xuất ngoại du lịch, học tập, mở rộng thị trường, không thể bầu cử, ứng cử, tham gia tổ chức đảng đoàn, mất cơ hội phát triển bản thân.

Khi sinh con, ông Hảo không thể làm giấy khai sinh cho các con ở Hà Nội, con trai lớn phải gửi về quê nội khai sinh, con gái gửi về quê ngoại khai sinh. Các con ông không thể học tại trường công lập ở Hà Nội mà phải học trường tư với chi phí đắt đỏ.

Tại phiên tòa, Đại học Kinh tế Quốc dân có 2 người đại diện theo ủy quyền. Trước khi trình bày, đại diện nhà trường đề nghị HĐXX yêu cầu báo chí tác nghiệp tại phiên tòa không chụp ảnh, ghi âm, ghi hình vì ảnh hưởng uy tín nhà trường.

Hồ sơ tìm thấy ở khe tủ

Về yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, đại diện Nhà trường cho rằng thời hiệu khởi kiện vụ án đã hết. Thời điểm năm 2019, ông Hảo đã được cấp bằng Đại học, trả các hồ sơ cá nhân và đã biết quyền lợi của mình có bị xâm phạm hay không. Nhưng đến năm 2024, ông Hảo mới khởi kiện, khi đó thời hiệu khởi kiện 3 năm đã hết.

 Ông Dương Thế Hảo tại phiên tòa. Ảnh: Bùi Trang

Ông Dương Thế Hảo tại phiên tòa. Ảnh: Bùi Trang

Trình bày tại tòa, đại diện Nhà trường cho rằng sau khi tốt nghiệp, ông Hảo không liên hệ với nhà trường để làm thủ tục xin lại hồ sơ cá nhân. Năm 2017, ông Hảo mới có thư gửi Hiệu trưởng nhà trường đề nghị cấp bằng và lấy lại hồ sơ cá nhân.

Ngay khi nhận được thư, Nhà trường phân công nhân sự giải quyết yêu cầu của ông Hảo. Tháng 11-2017, sau khi tìm kiếm không hiệu quả, Nhà trường có văn bản trả lời và đưa giải pháp là xác nhận tối đa thông tin của ông Hảo; bao gồm xác nhận ông Hảo là cựu sinh viên khóa 26-27 khoa Kinh tế công nghiệp, chấp nhận kết quả học tập theo bảng điểm, xác nhận nhà trường không còn lưu trữ hồ sơ của nhà trường.

Sau đó, Nhà trường nhận được công văn của thanh tra Bộ GD&ĐT yêu cầu cung cấp thông tin. Nhà trường cung cấp thông tin như đã trả lời ông Hảo.

Đến năm 2018, ông Hảo khởi kiện. Quá trình giải quyết vụ án, ngày 23-7-2018, nhà trường trao bằng cho ông Hảo ngay tại phiên tòa. Sau đó, Nhà trường đề nghị tạm dừng phiên tòa 1 tuần để tìm kiếm hồ sơ thêm một lần nữa.

Sau một quá trình tìm kiếm “rất vất vả”, hồ sơ cá nhân của ông Hảo cuối cùng đã được tìm thấy ở một khe tủ không thuộc khoa Kinh tế công nghiệp, cũng không thuộc Phòng quản lý đào tạo.

Đến ngày 31-7, nhà trường trao trả hồ sơ tại phiên tòa. Sau đó, ông Hảo rút đơn khởi kiện, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.

“Đây là lỗi khách quan bất khả kháng, Nhà trường thay đổi trụ sở nhiều lần. Công tác lưu trữ quản lý nhà trường nỗ lực tối đa”- đại diện Nhà trường nói.

Về việc giam giữ bằng 30 năm, đại diện Nhà trường khẳng định không có việc giữ bằng vì năm 2019 mới cấp bằng. Sau đó, ông Hảo đã nhận bằng tốt nghiệp.

Về sổ hộ khẩu, đại diện Nhà trường cho biết khi nhập học, ông Hảo chỉ tạm trú tại trường. Nhà trường không có thẩm quyền chuyển hộ khẩu nên nhà trường không giữ sổ hộ khẩu.

Về số tiền bồi thường 43 tỉ đồng, đại diện Nhà trường cho rằng không có căn cứ để chấp nhận vì trong trường hợp yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, người khởi kiện phải chứng minh được hành vi gây thiệt hại, thiệt hại thực tế, mối quan hệ nhân quả của hành vi và thiệt hại.

Về lý do ông Hảo thi tốt nghiệp năm 1989 nhưng năm 1994 mới được cấp bằng Đại học, đại diện Nhà trường cho biết năm 1989 ông Hảo có thi nhưng vi phạm quy chế thi nên bị hoãn công nhận tốt nghiệp từ 1-2 năm.

Đến năm 1994, Nhà trường làm thủ tục xét tốt nghiệp cho 19 sinh viên thuộc diện hoãn tốt nghiệp. Có 18 người đã đến liên hệ làm thủ tục để nhận bằng, duy nhất ông Hảo chưa đến làm thủ tục. Đến năm 2017, ông Hảo mới có thư gửi Hiệu trưởng như đã nói trên.

Trình bày thêm về việc ông Hảo tốt nghiệp năm 1994, nhưng bằng lại được cấp năm 2019, Trưởng phòng Tổng hợp Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết năm 1994, phôi bằng Đại học do Bộ GD&ĐT cấp. Khi sinh viên đến làm thủ tục, Nhà trường mới xin phôi bằng từ Bộ GD&ĐT về, bằng Đại học không phải in sẵn. Do đó, vào năm 1994, chưa có bằng Đại học của ông Hảo.

Năm 2019, sau quá trình giải quyết tại Tòa án, Nhà trường tìm thấy quyết định xét tốt nghiệp năm 1994 và ra quyết định cấp bằng, in bằng và trao bằng Đại học cho ông Hảo tại phiên tòa.

Đại diện VKS có ý kiến cho rằng trong đơn khởi kiện ban đầu, ông Hảo yêu cầu bồi thường hơn 36 tỉ đồng, nhưng ngay tại phiên tòa, ông Hảo thay đổi yêu cầu, nâng lên gần 44 tỉ đồng. Số tiền này rất lớn, VKS cần có thời gian nghiên cứu, đánh giá. Về một số nội dung khác, VKS đề nghị Nhà trường tìm kiếm, cung cấp quy trình nhập học để làm rõ.

VKS đề nghị cho tạm ngừng phiên tòa để nghiên cứu phần yêu cầu khởi kiện mới của nguyên đơn và có thời gian bị đơn cung cấp thêm tài liệu, thông tin.

Sau khi xem xét ý kiến của VKS, HĐXX cho rằng Tòa chưa thể đánh giá được độ chính xác tài liệu do nguyên đơn xuất trình. Vì thế, HĐXX quyết định ngừng phiên tòa, đề nghị nguyên đơn làm rõ từng vấn đề, con số trong bảng yêu cầu. Ngày tiếp tục phiên tòa sẽ được thông báo sau.

Trước khi HĐXX kết thúc làm việc, ông Hảo đề nghị cho phát biểu thêm ý kiến. Ông Hảo khẳng định suốt thời gian học tập, ông Hảo không thấy một quyết định, văn bản nào nói rằng ông vi phạm, bị kỉ luật để bị treo bằng. Ông Hảo cũng nói quá trình học tập, 6 học kỳ ông là lớp phó học tập, 6 học kỳ là thành viên Hội đồng khen thưởng của nhà trường.

BÙI TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/cuu-sinh-vien-kien-truong-dai-hoc-vi-hoc-xong-30-nam-moi-duoc-cap-bang-post848176.html
Zalo