Cựu phó Giám đốc Sở thừa nhận tổ chức chuyến bay giải cứu là cơ hội tăng thu nhập
Khai nhận trước tòa, bị cáo Trần Tùng, cựu Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Thái Nguyên cho rằng, bị cáo thấy việc tổ chức cho công dân ở nước ngoài về cách ly có lãi, và là cơ hội để kiếm thêm thu nhập.
Sáng 24/12, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2 về các tội Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Che giấu tội phạm.
Sau phần công bố cáo trạng truy tố của đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử tiến hành thẩm vấn các bị cáo. Hội đồng xét xử yêu cầu cách ly Trần Minh Tuấn (bị cáo chuyến bay giải cứu giai đoạn 1), người liên quan đến hành vi che giấu tội phạm của bị cáo Nguyễn Xuân Thông.
Bị cáo Trần Tùng là người đầu tiên trả lời xét hỏi của Tòa. Khai trước Tòa, bị cáo Tùng cho biết, năm 2021, ông được giao là đầu mối tổng hợp thông tin, phối hợp với Sở Y tế, Công an tỉnh Thái Nguyên kiểm tra về điều kiện cách ly y tế.
Bị cáo quen Vũ Hồng Nam, khi đó là đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản (là bị can giai đoạn 1 vụ án). Ông này sau đó giới thiệu Lê Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch và Dịch vụ ăn uống Nhật Minh (bị can giai đoạn 1 vụ án) với Tùng.
Bị cáo thừa nhận gặp Nghĩa trước khi các chuyến bay đưa công dân về nước cách ly. Nghĩa và Tùng thỏa thuận giá ngoài hợp đồng mỗi khách. Cụ thể, số tiền ghi trong hợp đồng là 10-12 triệu đồng/khách, nhưng công ty của Nghĩa thu của khách 17-18 triệu đồng.
Cựu Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Thái Nguyên yêu cầu Lê Văn Nghĩa cho Công ty Sen Vàng Đất Việt do Trần Thị Quyên làm Giám đốc thực hiện việc cách ly với chi phí trọn gói là 18 triệu đồng/khách (gồm chi phí khách sạn, ăn ở, chi phí test Covid-19, xe vận chuyển, chi phí khác như việc xin văn bản chấp thuận cách cách ly được thuận lợi).
Tùng khai, bị cáo Quyên biết rõ về số tiền chênh lệch. Trong quá trình tổ chức thực hiện 3 chuyến bay, theo thỏa thuận, Nghĩa chuyển tổng cộng hơn 11 tỷ đồng cho Quyên.
Theo cơ quan tố tụng, bị cáo Tùng đã nhận hối lộ hơn 4,4 tỷ đồng qua bà Quyên. Còn bà Quyên đã thực hiện các thỏa thuận nhận hối lộ giúp bị cáo Tùng, còn cá nhân hưởng lợi cá nhân 300 triệu đồng.
Đáng chú ý, bị cáo Tùng còn bị cáo buộc "móc nối" với ông Vũ Hồng Nam, chọn Công ty Fujitravel do bị cáo Bùi Thị Kim Phụng làm đại diện để phối hợp thực hiện các chuyến bay. Giao bà Quyên cùng giám sát. Từ vụ việc trên, bị cáo Tùng nhận thêm 1,4 tỷ đồng từ bà Phụng và hơn 1,6 tỷ đồng từ bà Quyên.
Khai về hành vi của mình, cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ Thái Nguyên thừa nhận, trước đó đã đi "khảo giá" từng đơn vị, trên cơ sở đó tính toán để đưa ra con số sao cho có thể kiếm lời. Bị cáo trình bày: "Bị cáo làm thêm một số vụ để kiếm thêm thu nhập".
Cuối cùng, bị cáo Trần Tùng thừa nhận "bị cáo rất sai, bị cáo xin nhận tội" và trình bày rằng, đã nộp khắc phục hậu quả vụ án là 5,7 tỷ đồng trong đó 700 triệu đồng được nộp trong giai đoạn điều tra, và 5 tỷ đồng mới nộp trước khi phiên tòa diễn ra.
Đối với Trần Thị Quyên, bị cáo buộc giúp sức cho bị cáo Trần Tùng nhận hối lộ 3 lần tổng số 4,4 tỷ đồng của ông Lê Văn Nghĩa. Bà Quyên được hưởng lợi số tiền 300 triệu đồng, và đã khắc phục được 210 triệu đồng. Trước tòa, bị cáo này xin khắc phục, nộp nốt số tiền chiếm hưởng bất chính còn lại.
Tại phiên tòa, bị cáo thừa nhận, có nhận tiền theo chỉ đạo của cựu Phó Giám đốc sở, nhưng bị cáo không thỏa thuận chuyện tiền nong. Sau khi nhận tiền từ ông Lê Văn Nghĩa, Quyên chi tiền phí cách ly, số còn lại thì chuyển cho Tùng và được “cắt lại” 300 triệu đồng. Bị cáo Quyên khai số tiền trên, do bị cáo Tùng trả. Còn một khoản 300 triệu đồng, định chi cho các anh em cách ly, nhưng chưa chi và Quyên đã nộp lại.