Cưu Ma Trí không thách đấu Cái Bang: Không phải do Kiều Phong mà liên quan đến mục đích này của sư phụ
Cưu Ma Trí nổi tiếng là kẻ cuồng võ công, luôn tìm kiếm những bí kíp võ thuật đỉnh cao. Vậy tại sao ông ta không thách đấu Cái Bang, tranh đoạt Hàng Long Thập Bát Chưởng và Đả Cẩu Bổng Pháp?
Trong thế giới võ hiệp, nhân vật phản diện có nhất thiết phải là tà phái? Ít nhất trong các tác phẩm của Kim Dung thì không phải lúc nào cũng vậy. Ví dụ như Cưu Ma Trí trong Thiên Long Bát Bộ không hẳn là tà phái. Nếu đọc kỹ nguyên tác, bạn sẽ thấy ông ta thậm chí chưa từng giết bất kỳ ai. Cưu Ma Trí chỉ là một kẻ si mê võ học, sẵn sàng làm những việc không chính đáng để tu luyện thêm nhiều võ công tinh diệu, vì vậy mới bị coi là phản diện.
Theo trang tin Sohu, điều kỳ lạ là Cưu Ma Trí nếu đã ham thích các tuyệt kỹ võ công đỉnh cao như vậy, tại sao ông ta không thách đấu Cái Bang, giao đấu với Kiều Phong, thậm chí cướp đoạt bí kíp Hàng Long Thập Bát Chưởng và Đả Cẩu Bổng Pháp? Xét cho cùng, danh tiếng Bắc Kiều Phong đã vang danh khắp võ lâm, chẳng lẽ Cưu Ma Trí không muốn so tài cao thấp với cao thủ như vậy? Suy nghĩ của Cưu Ma Trí là gì?
Cưu Ma Trí - Đại Luân Minh Vương, cuồng võ thành si
Cưu Ma Trí là một trong những "kẻ cuồng võ học" tiêu biểu nhất trong các tác phẩm của Kim Dung. Võ công của ông ta bắt nguồn từ vị sư phụ thuộc phái Ninh Mã, người đã truyền thụ cho ông ta Hỏa Diễm Đao - một trong những thần công đỉnh cao nhất trong truyện. Theo lời của chính Kim Dung, đây là một môn võ công gần đạt đến cảnh giới "ma ảo".
Nguyên tác có đoạn mô tả:"Lục Mạch Thần Kiếm, Hỏa Diễm Đao, chỉ pháp Thiếu Lâm phái… đều là đem nội lực ngưng tụ tập trung, phát ra hóa thành đao kiếm vô hình để hủy vật, khiến người bị thương."
Qua đây cũng có thể thâýsự tinh diệu của Hỏa Diễm Đao, nó không hề thua kém Lục Mạch Thần Kiếm của Đoàn thị Đại Lý.Tuy nhiên, đối với Cưu Ma Trí, dù Lục Mạch Thần Kiếm chưa chắc đã tinh diệu hơn Hỏa Diễm Đao, ông ta vẫn muốn tìm hiểu. Nói trắng ra là ông ta tham lam võ học.
Vì vậy, Cưu Ma Trí xông vào Thiên Long Tự, không tiếc lấy cả nước Thổ Phồn ra để gây sức ép với Thiên Long Tự. Các nhà sư Thiên Long Tự nào dám vì một môn võ công mà để Đại Lý và Thổ Phồn kết oán? Vì thế họ đành phải tự hủy kiếm phổ.
Sau đó,Cưu Ma Trí lại xông lên Thiếu Lâm Tự, mưu đồ học hết cả 72 Tuyệt Kỹ.Mặc dù ông ta chỉ dùng Tiểu Vô Tướng Công để thi triển võ công Thiếu Lâm, nhưng cũng rất giống, người thường khó mà phân biệt được. Cần biết rằng Thiếu Lâm phái là Thái Sơn Bắc Đẩu của võ lâm Trung Nguyên, vậy mà Cưu Ma Trí cũng dám thách thức. Điều này cho thấy ông ta si mê võ học đến mức nào.
Thiên hạ đệ nhất bang, võ học tinh diệu
Thiếu Lâm phái tuy mạnh, nhưng trong thời đại Thiên Long Bát Bộ, võ lâm còn có một môn phái khác sánh ngang với Thiếu Lâm, đó là Cái Bang.
Cái Bang được mệnh danh là Thiên hạ đệ nhất bang, phần lớn là do số lượng bang chúng đông đảo. Trong Thần Điêu Hiệp Lữ, Lỗ Hữu Cước đã từng đề cập, Cái Bang có tới hàng chục vạn bang chúng. Đến thời Thiên Long Bát Bộ, Cái Bang càng hưng thịnh, e rằng số người còn đông hơn. Thêm vào đó, bang chủ Kiều Phong lại uy chấn võ lâm, lẽ ra Cưu Ma Trí phải đến thách đấu Kiều Phong mới đúng.
Chẳng lẽ ông ta bị danh tiếng của Kiều Phong dọa sợ? Rõ ràng là không.
Cưu Ma Trí là ai chứ? Ngay cả Kiều Phong cũng chưa chắc dám đơn thân độc mã khiêu chiến với toàn thể tăng chúng Thiên Long Tự, huống hồ là thách đấu Thiếu Lâm. Năm xưa, Kiều Phong quay lại Thiếu Lâm tìm ân sư còn phải lén lút đột nhập, không dám đối mặt trực tiếp. Xét về mặt công khai, Cưu Ma Trí còn gan dạ hơn cả Kiều Phong.
Còn nếu thực sự giao đấu, Kiều Phong cũng chưa chắc đã áp đảo được Cưu Ma Trí. Lưu ý, trong nguyên tác hai người chưa từng giao đấu. Nếu hai người giao đấu, ai thắng ai thua thật khó nói.
Cưu Ma Trí không thách đấu Cái Bang, nguyên nhân có lẽ rất đơn giản. Không phải vì sợ Kiều Phong, cũng không phải xem thường Cái Bang, mà bởi vì Cái Bang vốn không phải mục tiêu thách đấu của ông ta. Nếu đọc kỹ nguyên tác, bạn sẽ thấy nhân vật Cưu Ma Trí không chỉ đơn giản là một "kẻ cuồng võ học". Dù ông ta si mê võ công, nhưng cũng có chọn lọc. Ông ta là cao tăng đắc đạo, đối tượng mà ông ta thách đấu thực chất đều là cao thủ Phật môn.
Tham vọng của Cưu Ma Trí làm Phật môn đệ nhất
Trong sách, khi giới thiệu về sư môn của Cưu Ma Trí, có đoạn viết như sau: "Như vậy dụng công mấy tháng, càng thấy nội tức lưu chuyển trong nhiều kinh mạch. Từ khi được vị sư phụ thuộc phái Ninh Mã của Mật giáo Thổ Phồn truyền thụ thần công Hỏa Diệm Đao, ông ta đã quét sạch Hắc giáo ở Thổ Phồn, uy chấn Tây Vực, công lực và kiến thức đều đã đạt đến cảnh giới cực cao. Nhưng vừa xem Tiểu Vô Tướng Công, ông ta liền cảm thấy mình đã bước vào một thế giới võ học mới mẻ."
Ông ta không trừng trị kẻ ác, cũng không phải vì mở mang bờ cõi cho Thổ Phồn, mà là quét sạch Hắc giáo.
Sau khi rời khỏi Thổ Phồn, ông ta đã thách đấu với những ai? Thiên Long Tự ở Đại Lý, Thiếu Lâm Tự ở Tung Sơn. Những người ông ta thách đấu đều thuộc Phật môn.
Bạn hãy xem lại cảnh ở Tàng Kinh Các, tại sao Cưu Ma Trí lại đánh lén Vô Danh Thần Tăng? Nguyên văn viết:"Càng nghe Cưu Ma Trí càng không phục, nghĩ thầm: "Ông nói 72 Tuyệt Kỹ của Thiếu Lâm không thể học hết, ta chẳng phải đã học được không ít rồi sao? Sao ta không thấy kinh mạch đứt đoạn, trở thành phế nhân?". Hai tay chắp trong tay áo, âm thầm sử dụng Vô Tướng Kiếp Chỉ, thần không biết quỷ không hay bắn về phía lão tăng. Không ngờ chỉ lực vừa đến trước người lão tăng ba thước, liền như gặp phải một tầng bình chướng vừa mềm mại vừa cứng rắn vô cùng, mấy tiếng xì xì vang lên, chỉ lực tan biến không còn hình bóng, cũng không phản lại."
Những lời nói về "chướng ngại võ học" của Vô Danh Thần Tăng khiến Cưu Ma Trí không phục. Nếu nói thần công Thiếu Lâm tinh diệu khó học, với tư cách là cao tăng Thổ Phồn, ông ta càng không phục. Vì vậy, ông ta mới tấn công Vô Danh Thần Tăng, muốn làm nhụt uy phong của vị cao tăng này, nào ngờ chiêu thức sát thủ của ông ta thậm chí không thể làm Vô Danh Thần Tăng bị thương.
Nhìn vào những hành động của Cưu Ma Trí trong truyện, nếu chỉ dùng từ "cuồng võ học" để miêu tả ông ta thì chưa chính xác. Bạn hãy xem sau khi sư phụ truyền võ công cho ông ta, ông ta đã làm gì? Quét sạch Hắc giáo. Từ đó có thể thấy, mục đích sư phụ truyền võ công cho ông ta rất có thể là để chứng minh phái Ninh Mã là mạnh nhất. Vậy nên mục tiêu của Cưu Ma Trí chưa bao giờ là trở thành "cao thủ thiên hạ đệ nhất", mà là trở thành "cao thủ Phật môn đệ nhất". Những người được ông ta coi là đối thủ đều là người trong Phật môn. Việc ông ta không thách đấu Cái Bang cũng là điều dễ hiểu.