Cựu chuyên viên Vụ Pháp luật - Văn phòng Chủ tịch nước cùng 2 cựu Đại biểu Quốc hội đã tác động lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh để 'giải cứu' doanh nghiệp như thế nào?

Ngày 8-1, TAND tỉnh Thái Bình tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm vụ án: 'Cưỡng đoạt tài sản' và 'Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi' đối với các bị cáo: Lưu Bình Nhưỡng (cựu đại biểu Quốc hội); Lê Thanh Vân (cựu đại biểu Quốc hội); Nguyễn Văn Vương (cựu chuyên viên Vụ pháp luật- Văn phòng Chủ tịch nước) và Phạm Minh Cường (1986), Vũ Đăng Phương (1982, cùng trú huyện Thái Thụy, Thái Bình).

Trong ngày làm việc thứ 2, HĐXX TAND tỉnh Thái Bình tiếp tục phần xét hỏi; trong đó, đáng chú ý là phần trả lời xét hỏi của 2 bị cáo: Nguyễn Văn Vương và Lê Thanh Vân về việc cùng với bị cáo Nhường lợi dụng “việc công” liên tục tác động lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh để “giải cứu” doanh nghiệp hòng trục lợi.

Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Văn Vương (cựu chuyên viên Vụ Pháp luật- Văn phòng Chủ tịch nước) khai, bị cáo với bị cáo Lưu Bình Nhưỡng có quan hệ xã hội vì cùng công tác ở cơ quan nhà nước và thông qua bị cáo Nhưỡng, bị cáo quen biết bị cáo Lê Thanh Vân.

Về diễn biến vụ việc, bị cáo Vương khai, đại diện Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Hạ Long (Cty Hạ Long) gửi cho bị cáo Vương toàn bộ tài liệu liên quan đến dự án của công ty này đang có nguy cơ bị thu hồi. Sau khi xem hồ sơ dự án, bị cáo Vương hướng dẫn đại diện Cty Hạ Long làm đơn gửi các cơ quan chức năng.

Từ nguồn đơn của Cty Hạ Long, bị cáo Vương đã nhờ bị cáo Lưu Bình Nhưỡng và bị cáo Lê Thanh Vân làm giấy chuyển đơn của Cty Hạ Long về các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh. Sau đó, bị cáo Vương tiếp tục nhờ bị cáo Nhưỡng và bị cáo Vân gọi điện cho Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhờ tác động giúp Cty Hạ Long không bị thu hồi dự án.

Cũng theo lời khai của bị cáo Vương, sau khi ký 2 công văn chuyển đơn của Cty Hạ Long tới cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh theo hướng không bị thu hồi dự án, bị cáo Nhưỡng đã thông tin lại cho bị cáo Vương biết. Về phía bị cáo Vân, sau khi nghe bị cáo Vương nhờ, bị cáo Vân cũng chuyển nhiều văn bản và gọi điện tới lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh tác động giúp Cty Hạ Long không bị thu hồi dự án.

Trong vụ án này, cáo trạng xác định, bị cáo Vương có hành vi trực tiếp gặp 2 bị cáo Lưu Bình Nhưỡng và Lê Thanh Vân nhờ can thiệp đến lãnh đạo Tỉnh ủy Quảng Ninh, UBND tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ để Cty Hạ Long được tiếp tục triển khai Dự án 36ha ở tỉnh Quảng Ninh.

Tiếp đó, bị cáo Vương yêu cầu Cty Hạ Long phải chi 7 tỷ đồng để khi dự án được tiếp tục triển khai thì bị cáo sẽ đi cảm ơn lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và những người đã giúp đỡ. Tuy nhiên, đại diện Cty Hạ Long mới đưa cho Vương 3,3 tỷ đồng. Khi nhận 3,3 tỷ đồng của Cty Hạ Long, bị cáo Vương hứa, sau khi nhận 10% số đất của dự án 36ha (tương đương 15.000m2), bị cáo Vương sẽ cho bị cáo Nhưỡng và bị cáo Vân mỗi người 1 lô đất ở xã Vân Nội (huyện Đông Anh, Hà Nội), đồng thời bị cáo Vương còn hứa cho bị cáo Nhưỡng và bị cáo Vân, mỗi bị cáo 1.000m2 đất tại Dự án 36ha ở tỉnh Quảng Ninh. Hành vi của bị cáo Vương khi tác động tới bị cáo Nhưỡng và bị cáo Vân nhằm mục đích hưởng lợi hơn 13.000m2 đất (trị giá hơn 26 tỷ đồng).

Cũng trong phần xét hỏi, bị cáo Lê Thanh Vân khai về mối quan hệ với 2 doanh nghiệp ở Quảng Ninh (liên quan đến vụ án) là do bị cáo Nhưỡng giới thiệu vì doanh nghiệp có vướng mắc với dự án ở Quảng Ninh nên nhờ bị cáo Vân “nói thêm” với Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh. Sau khi hỏi vụ việc, bị cáo Vân đã gọi điện ngay cho Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh. Về lần gặp thứ hai với 2 doanh nghiệp liên quan đến vụ án này, bị cáo Vân cho biết do “tình cờ” sang phòng bị cáo Nhưỡng uống nước và được doanh nghiệp kể.

Trong vụ án này, cáo trạng xác định, trong các tháng 6, 7, 8 và 12-2020, bị cáo Lê Thanh Vân đã ký 4 văn bản can thiệp đến lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đồng ý cho Cty Hạ Long được tiếp tục thực hiện dự án 36ha, hưởng lợi 1 lô đất trị giá hơn 1,8 tỷ đồng ở xã Vân Nội (huyện Đông Anh, Hà Nội) và nhằm hưởng lợi 1.000m2 đất trị giá hơn 1,9 tỷ đồng ở dự án này. Ngoài ra, tháng 7-2023, bị cáo Vân đã gọi điện cho lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh can thiệp để Công ty CP Trường Sinh sớm được cấp phép khai thác Dự án đồi Bắc Sơn và đã hưởng lợi 60 triệu đồng.

Kết thúc phần xét hỏi, chiều 8-1, đại diện Viện kiểm sát đã luận tội và đề nghị mức án với các bị cáo. Theo đánh giá của Viện kiểm sát, với tư cách đại biểu Quốc hội, lẽ ra các bị cáo Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân phải có lối sống lành mạnh, gương mẫu trong chấp hành quy định pháp luật. Song, cả hai bị cáo đã "không đại diện cho tiếng nói nhân dân một cách công tâm khách quan", nhiều lần gọi điện, tác động cơ quan chức năng theo hướng có lợi cho người quen nhằm hưởng lợi ích vật chất.

Do đó, Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Lưu Bình Nhưỡng từ 13 năm đến 15 năm 6 tháng tù về 2 tội: “Cưỡng đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”. Bị cáo Lê Thanh Vân từ 7 đến 9 năm tù và bị cáo Nguyễn Văn Vương từ 13 đến 14 năm tù cùng về tội: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”. Bị cáo Phạm Minh Cường từ 7 đến 8 năm tù và bị cáo Vũ Đăng Phương từ 6 đến 7 năm tù cùng về tội: “Cưỡng đoạt tài sản”.

T.H

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/cuu-chuyen-vien-vu-phap-luat-van-phong-chu-tich-nuoc-cung-2-cuu-dai-bieu-quoc-hoi-da-tac-dong-lanh-dao-tinh-quang-ninh-de-giai-cuu-doanh-nghiep-nhu-the-nao-post307211.html
Zalo