Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và 2 em gái bị kê biên những tài sản gì?

Trong những tài sản bị phong tỏa, ông Trịnh Văn Quyết bị CQĐT thu giữ hơn 187,5 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng 40,59% cổ phần BAV.

Trong kết luận điều tra vụ thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC và một số doanh nghiệp, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01, Bộ Công an) đề nghị truy tố cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và 20 bị can khác.

Ngoài làm rõ hành vi sai phạm của 21 bị can, cơ quan điều tra (CQĐT) còn kê biên, phong tỏa tài khoản và tạm ngừng giao dịch đối với hàng loạt tài sản có liên quan.

Cụ thể, đối với bị can Trịnh Văn Quyết, CQĐT thu giữ hơn 187,5 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng 40,59% cổ phần BAV.

Cảnh sát khám xét trụ sở Tâp đoàn FLC tối 29/3/2022.

Cảnh sát khám xét trụ sở Tâp đoàn FLC tối 29/3/2022.

Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC cũng bị kê biên 3 thửa đất và tài sản gắn với đất. Những bất động sản này có tổng diện tích gần 2.000m2 nhà đất, nhà và đất trong khuôn viên khu đô thị mới Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Đối với bị can Trịnh Thị Minh Huế (kế toán Tập đoàn FLC, em gái ông Quyết), CQĐT kê biên 4 thửa đất và tài sản gắn với đất, có tổng diện tích gần 700m2 tại khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (quận Cầu Giấy) và khu đô thị mới Mỹ Đình 2, quận Cầu Giấy.

Người em gái khác của ông Quyết là bị can Trịnh Thị Thúy Nga (Phó tổng giám đốc Công ty CP chứng khoán BOS) cũng bị kê biên khối bất động sản gồm nhà đất có tổng diện tích hơn 350m2.

CQĐT cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước rà soát, ngăn chặn giao dịch đối với tài khoản đứng tên Trịnh Văn Quyết cùng 2 em gái và 46 cá nhân khác đã cho Huế mượn tài khoản chứng khoán/tài khoản ngân hàng.

C01 còn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị liên quan tạm dừng biến động (chuyển nhượng, mua, bán...) đối với tài sản (bất động sản, cổ phần, vốn góp, cổ phiếu...) đứng trên Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga. Theo Bộ Công an, đây là những tài sản thu giữ, kê biên để đảm bảo khắc phục hậu quả trong vụ án.

Ngoài ra, nhà chức trách cũng đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phong tỏa 500 tài khoản chứng khoản liên quan các bị can.

Trong đó, Trịnh Thị Minh Huế là người trực tiếp quản lý, sử dụng 500 tài khoản chứng khoán, với tổng số dư hơn 7,6 tỷ đồng. Riêng ông Trịnh Văn Quyết có hơn 218 triệu cổ phiếu.

Các bị can Trịnh Văn Quyết và cựu Phó chủ tịch FLC Hương Trần Kiều Dung.

Các bị can Trịnh Văn Quyết và cựu Phó chủ tịch FLC Hương Trần Kiều Dung.

Theo kết luận điều tra, từ ngày 26/5/2017-10/1/2022, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo Trịnh Thị Thúy Nga và Trịnh Thị Minh Huệ cùng một số người khác sử dụng nhiều tài khoản chứng khoán liên tục thực hiện giao dịch để thao túng đối với 5 mã cổ phiếu.

Các bị can đã đẩy giá cổ phiếu FLC từ 15.500 lên 24.050 đồng/cổ phiếu, làm tăng 64% giá trị. Sau khi thực hiện hành vi, ông Quyết và đồng phạm thu lợi bất chính trên 723 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong các năm 2014-2016, bị can Quyết chỉ đạo thuộc cấp và các cá nhân có liên quan thực hiện lập và ký khống hồ sơ, chứng từ góp vốn khống hơn 3.102 tỷ đồng. Hành vi này làm tăng khống vốn chủ sở hữu của Công ty CP Xây dựng Faros lên 4.300 tỷ đồng.

Sau đó, các bị can đề nghị đăng ký niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS của Công ty CP Xây dựng Faros trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM để bán chiếm đoạt 3.620 tỷ đồng của các nhà đầu tư.

Hoàng Lam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/cuu-chu-tich-flc-trinh-van-quyet-va-2-em-gai-bi-ke-bien-nhung-tai-san-gi-192231030101344993.htm
Zalo