Cựu chiến binh huyện Hướng Hóa giúp nhau làm kinh tế

Cùng với việc thực hiện các phong trào thi đua, thời gian qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Hướng Hóa đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ hội viên giảm nghèo bền vững. Phong trào CCB giúp nhau làm kinh tế được các hội viên tích cực hưởng ứng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn.

Đại lý của CCB Nguyễn Bắc cung cấp thức ăn chăn nuôi gia súc cho người dân quanh vùng -Ảnh: H.N

Đại lý của CCB Nguyễn Bắc cung cấp thức ăn chăn nuôi gia súc cho người dân quanh vùng -Ảnh: H.N

Sau khi rời quân ngũ vào năm 1988, ông Nguyễn Bắc (sinh năm 1966) trở về thôn Hiệp Hòa, xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa lập nghiệp. Với số vốn dành dụm, vay mượn được, ông cùng 2 hộ gia đình khác mua lại một nông trường giống cây trồng trên địa bàn với diện tích 6 ha, mỗi gia đình được 2 ha. Trên diện tích đất này, ông Bắc đầu tư trồng cà phê catimo và cà phê mít.

Không chỉ trồng cà phê, ông Bắc còn đầu tư gia trại chăn nuôi lợn nái, lợn thịt và mở đại lý cung cấp thức ăn chăn nuôi cho người dân trong vùng. Với quy mô sản xuất của gia đình, ông Bắc đã góp phần giải quyết lao động thời vụ cho đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng từ 5-7 người. Trung bình mỗi năm, vườn cà phê của ông cho thu hoạch trên 20 tấn, được các doanh nghiệp chế biến đến thu mua tại chỗ.

Mô hình chăn nuôi được ông áp dụng theo quy trình khép kín, nuôi 25 con lợn nái và tự cung cấp giống để nuôi lợn thịt, mỗi năm xuất bán khoảng hơn 600 con. Từ các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, mỗi năm gia đình ông Bắc có tổng doanh thu hơn 3,7 tỉ đồng.

Điểm đáng quý ở CCB này đó là luôn hỗ trợ vốn và chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cho người dân trong vùng, trong đó có nhiều người là hội viên hội CCB. Thương binh Ngô Xuân Sao là một trong những hội viên được ông Bắc giúp đỡ, nay đã vượt khó vươn lên làm ăn khấm khá. Là thương binh hạng 4/4, trước đây hoàn cảnh kinh tế của gia đình ông Sao rất khó khăn.

Được ông Bắc giúp đỡ trong việc chọn nguồn giống lợn tốt và cho nợ tiền thức ăn chăn nuôi đến khi xuất bán lợn mới trả, ông Sao dần thoát khỏi đói nghèo. Cứ thế, từ con số ít ỏi ban đầu, đến nay đàn lợn nhà ông Sao lên đến 30 con lợn nái.

Ông Sao chia sẻ: “Nhờ sự giúp đỡ, sẻ chia từ ông Bắc nên tôi đã mạnh dạn phát triển kinh tế, đưa cuộc sống của gia đình ấm no, sung túc như ngày hôm nay. Phát huy tinh thần này, tôi cũng đã sẵn sàng để giúp những đồng đội khác đang có hoàn cảnh khó khăn”. Nói về việc làm của mình, ông Bắc xem đó là chuyện nên làm.

Theo quan điểm của ông, việc giúp đỡ nhau trong làm ăn kinh tế để xây dựng quê hương ngày càng phát triển là trách nhiệm chung của mỗi người dân. “Tôi đã từng là người lính thì trách nhiệm đó càng phải được thể hiện rõ nét hơn. Số tiền mỗi tháng bỏ ra để mua từ 40-50 tấn thức ăn chăn nuôi gia súc không phải ít, lại quay vòng chậm vì đợi bà con xuất bán mới thu được tiền nhưng tôi vẫn duy trì từ khi mới bắt đầu kinh doanh đến nay”, ông Bắc khẳng định.

Tinh thần hội viên giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững được lan tỏa trong hội viên Hội CCB huyện Hướng Hóa nhiều năm nay. Ở xã A Dơi, mô hình thu mua mủ cao su của CCB Lê Hữu Sáng (sinh năm 1968), ở thôn Đồng Tâm được nhiều người biết đến.

Với doanh thu hằng năm từ 8-10 tỉ đồng, không chỉ góp phần tạo việc làm cho người dân địa phương, ông Sáng còn hỗ trợ vốn đầu tư, chăm sóc cây cao su cho nhiều hội viên hội CCB. Theo Chủ tịch Hội CCB xã A Dơi Lê Hữu Thành, thôn Đồng Tâm có 20 hội viên, 80% trong số đó có trồng cao su. “Các hội viên đều hỗ trợ, giúp đỡ nhau từ kinh nghiệm đến vốn vay để cùng nhau phát triển”, ông Thành khẳng định.

Hiện Hội CCB huyện Hướng Hóa có tổng số hội viên là 2.923 người, sinh hoạt trong 145 chi hội. Do đặc thù là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nên cuộc sống của nhiều hội viên phải đối mặt với khó khăn.

Thực hiện nhiệm vụ được giao trong công tác giảm nghèo bền vững, nhất là giảm nghèo trong hội viên, Hội CCB huyện luôn tạo điều kiện thuận lợi để hội viên được tiếp cận các chính sách hỗ trợ, nhất là trong vay vốn sản xuất.

Đến nay, toàn huyện có 44 tổ tiết kiệm vay vốn, với 1.678 hộ vay, tổng số dư nợ đến ngày 30/9/2024 tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hơn 106 tỉ đồng. Hội CCB huyện luôn tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên phát huy tinh thần tự lực, tự cường, không cam chịu đói nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng; đưa phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” vào nền nếp, có sức lan tỏa sâu rộng, hiệu quả.

Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, vận động hội viên phát huy tiềm năng, thế mạnh, tranh thủ nguồn lực và chính sách hỗ trợ của trung ương, địa phương để xây dựng, phát triển mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Nắm vững tinh thần này, hội viên CCB trên địa bàn đã tham gia tích cực, hiệu quả vào các chương trình phát triển kinh tế của địa phương. Nhiều mô hình giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi được xây dựng và nhân rộng. Nhờ đó, số gia đình hội viên vươn lên làm giàu chính đáng, số hộ khá, hộ giàu tăng lên, hộ nghèo giảm so với năm 2023 là 70 hộ.

Chủ tịch Hội CCB huyện Hướng Hóa Trương Văn Duế cho biết, ngoài hoạt động trên, sự quan tâm đến đời sống của hội viên còn được Hội CCB huyện thể hiện bằng nhiều hoạt động ý nghĩa khác như đóng góp quỹ khuyến học “Vòng tay đồng đội” để hỗ trợ con cháu hội viên nghèo học giỏi; trao quà của Trung ương Hội CCB Việt Nam cho con của hội viên ở xã Thanh trị giá 1 triệu đồng.

Hội CCB huyện phối hợp với Hội CCB tỉnh, Hội CCB các xã: Ba Tầng, A Dơi, Xy, Lìa trao 150 suất quà, trị giá hơn 75 triệu đồng của hội và các nhà hảo tâm ở TP. Gò Công, tỉnh Tiền Giang cho CCB nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó, thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, CCB toàn huyện đã tham gia làm trên 17,5 km đường nông thôn; nạo vét 4,3 km kênh mương; tự quản và vệ sinh trên 37 km đường ở khu phố, thôn bản.

Hoài Nam

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/cuu-chien-binh-huyen-huong-hoa-giup-nhau-lam-kinh-te-189731.htm
Zalo