Cựu Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến cùng đồng phạm khai gì?

Trả lời tại phiên xét xử, bị cáo Trịnh Văn Chiến, cựu Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa khai, bản thân không vụ lợi, không tham ô trong quá trình giao đất để thực hiện dự án Hạc Thành Tower.

Quang cảnh phiên xét xử.

Quang cảnh phiên xét xử.

Ngày 15/1, TAND tỉnh Thanh Hóa mở phiên sơ thẩm xét xử ông Trịnh Văn Chiến, cựu Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cùng 10 bị cáo khác liên quan đến những sai phạm tại dự án Hạc Thành Tower, gây thất thoát hơn 55 tỷ đồng ngân sách Nhà nước.

Ông Trịnh Văn Chiến bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Tại phiên tòa, ông Chiến phủ nhận các cáo buộc tham ô hoặc vụ lợi trong quá trình giao đất thực hiện dự án. Bị cáo cho rằng các kết luận định giá tài sản không hợp lý khi sử dụng hai thời điểm giám định cách nhau hơn một năm nhưng giá đất đều được xác định ở mức 45,2 triệu đồng/m². Ông Chiến khẳng định, sai phạm của mình chỉ là thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Bị cáo cho rằng các cơ quan tố tụng cần xem xét lại thiệt hại trên cơ sở nguồn gốc đất đai và quá trình xử lý hành chính của UBND tỉnh theo bản đồ địa chính năm 1993, 2008 và 2013. Ông cũng nêu bất hợp lý trong việc gộp hai thửa đất có giá khác nhau vào cùng một mức giá 45,2 triệu đồng/m².

Về các lần bút phê vào việc xem xét giá đất dự án Hạc Thành Tower, bị cáo Chiến cho biết "rất lăn tăn" và cho rằng, việc định giá 21 triệu đồng/m2 mà Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa trình cho xem xét khi đó "có vấn đề" nên đã nhiều lần giao lại cho Văn phòng UBND tỉnh xem xét, căn cứ theo quy định để trình lại hồ sơ.

“Tôi khẳng định tôi và các đồng sự, bao gồm ông Nguyễn Đình Xứng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, không có động cơ vụ lợi hay tham ô. Chúng tôi luôn đặt sự phát triển của tỉnh lên hàng đầu”- ông Chiến bày tỏ.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Ông Nguyễn Đình Xứng, với vai trò Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch UBND tỉnh, cũng bị cáo buộc “biết sai vẫn làm.” Tuy nhiên, ông phản bác cáo trạng, cho rằng khi được giao nhiệm vụ quản lý lĩnh vực tài chính và giá cả vào năm 2013, ông chưa nắm rõ toàn bộ quy định pháp luật do mới chuyển từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về.

Theo ông Xứng, các dự án đất đai tại Thanh Hóa thời kỳ đó đều được xử lý công khai, minh bạch với sự đồng thuận của nhiều cấp lãnh đạo. Ông thừa nhận thiếu sót và sẵn sàng chịu trách nhiệm về hành vi thiếu hiểu biết pháp luật.

Phiên tòa vẫn đang tiếp tục để làm rõ các tình tiết và mức độ trách nhiệm của từng bị cáo. Dự kiến phiên tòa xét xử sơ thẩm sẽ kéo dài trong nhiều ngày.

Trước đó, phiên tòa phải hoãn do luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Công Tỏ vắng mặt và có đơn đề nghị hoãn phiên tòa.

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Thanh Hóa, Công ty TNHH MTV Sông Mã, tiền thân là Công ty Kinh doanh nhà Thanh Hóa, là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, trực thuộc UBND tỉnh Thanh Hóa. Công ty này được giao quản lý 1.733,8 m2 (khu tập thể cũ) số 3 Phan Chu Trinh, phường Điện Biên, TP Thanh Hóa.

Thực hiện cổ phần hóa, Ban chỉ đạo, tổ giúp việc Ban chỉ đạo cổ phần hóa xác định giá trị doanh nghiệp, Sở Tài chính có tờ trình ngày 23/2/2012 đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tổng giá trị tài sản Công ty đến thời điểm ngày 30/9/2011 là hơn 474 tỷ đồng; nợ thực tế phải trả hơn 439 tỷ đồng; giá trị phần vốn Nhà nước là hơn 34 tỷ đồng.

Trên cơ sở đó, ngày 5/4/2012, UBND tỉnh Thanh Hóa ký quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp, quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa, chuyển Công ty Sông Mã thành công ty cổ phần, số lượng cổ phần phát hành lần đầu là 3,5 triệu cổ phần.

Dù đang trong quá trình cổ phần hóa, chưa có quyết định giao đất, cấp thẩm quyền chưa phê duyệt đầu tư dự án, nhưng Nguyễn Mạnh Sơn, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Sông Mã, vẫn thống nhất để Đinh Xuân Hướng, cựu Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Sông Mã, ký văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị giao làm chủ đầu tư xây dựng tòa nhà cao tầng dịch vụ tổng hợp. Hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất.

Đến năm 2012, dự án được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500, giao Công ty Sông Mã làm chủ đầu tư dự án Hạc Thành Tower. Trước ngày Nhà nước chính thức giao đất để thực hiện dự án Hạc Thành Tower, Nguyễn Mạnh Sơn thống nhất, Đinh Xuân Hướng ký văn bản đề xuất của các đơn vị liên quan tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý cho Công ty Sông Mã được huy động vốn bằng việc chuyển quyền sử dụng đất cho Công ty TNHH Huy Hoàng.

Ngày 16/8/2012, ông Trịnh Văn Chiến, thời điểm đó là Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đã ký văn bản đồng ý cho phép Công ty TNHH MTV Sông Mã được chuyển nhượng 1.227,4 m2 tại số 3 Phan Chu Trinh cho Công ty TNHH Huy Hoàng với giá 21 triệu đồng/m2. Phần diện tích còn lại tiếp tục được chuyển cho 3 cá nhân khác.

Với hành vi trên, Đinh Xuân Hướng hưởng lợi hơn 6,4 tỷ đồng, Nguyễn Mạnh Sơn hưởng lợi 3,5 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, ông Trịnh Văn Chiến đã đồng ý cho Công ty TNHH MTV Sông Mã chuyển nhượng đất, đồng ý áp dụng giá giao đất tại thời điểm tháng 1/2013 theo đơn giá đất năm 2009 là trái pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Ông Nguyễn Đình Xứng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đã ký quyết định phê duyệt (thời điểm đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa) tiền sử dụng đất nộp ngân sách Nhà nước của Công ty TNHH MTV Sông Mã là 21 triệu đồng/m2 trái pháp luật, ký quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp tại thời điểm Công ty chính thức chuyển thành công ty cổ phần, xác định giá trị thực tế doanh nghiệp không bao gồm giá trị khu đất, gây hậu quả thiệt hại cho Nhà nước.

Các bị can này được xác định gây hậu quả thiệt hại cho Nhà nước hơn 55 tỷ đồng.

Hiền Thinh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/cuu-bi-thu-tinh-uy-thanh-hoa-trinh-van-chien-cung-dong-pham-khai-gi.html
Zalo