Cường quốc quân sự Ả Rập nộp đơn gia nhập liên minh do Trung Quốc dẫn đầu

Liên minh của Trung Quốc dẫn đầu là tổ chức khu vực lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 60% diện tích lục địa Á-Âu, 40% dân số thế giới và hơn 30% GDP toàn cầu.

Vào ngày 22/5 vừa qua, Algeria được xác nhận đã nộp đơn xin trở thành đối tác đối thoại của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), cho phép nước này đủ điều kiện trở thành thành viên đầy đủ sau một thời gian làm đối tác đối thoại và quan sát viên.

Khối do Trung Quốc và 5 quốc gia kế thừa của Liên Xô bao gồm Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan thành lập vào năm 2001, sau đó đã kết nạp thêm Pakistan, Ấn Độ và Iran. Tổ chức này đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung, được phối hợp ngày càng chặt chẽ giữa các thành viên kể từ cuối những năm 2010.

Algeria là một trong năm nước cộng hòa Ả Rập có mối liên hệ chặt chẽ với Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh. Trong bối cảnh Ai Cập đã thay đổi chính sách để liên kết chặt chẽ hơn với Khối phương Tây trong những năm 1970 và phương Tây đã tiến hành các cuộc tấn công quân sự nhắm vào vào Iraq, Libya và Syria, thì Algeria vẫn là quốc gia duy nhất trong cộng đồng các quốc gia Ả Rập, nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng của phương Tây và có liên kết chặt chẽ với Liên Xô/Nga.

Nước này đã tăng gấp đôi đầu tư vào khả năng quân sự của mình, đặc biệt là khả năng tác chiến trên không và năng lực phòng không, nhất là sau cuộc tấn công của NATO vào nước láng giềng Libya năm 2011. Libya từng là quốc gia có lực lượng quân sự hùng hậu nhất khu vực, tuy nhiên sau hàng thập kỷ đầu tư kém hiệu quả đã khiến lực lượng vũ trang của Libya tụt hậu so với các quốc gia láng giềng và thất thủ nhanh chóng trước đòn tấn công của NATO. Bài học từ Libya đã thôi thúc chính quyền Algeria đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa lực lượng vũ trang của mình.

Lực lượng vũ trang Algeria luôn được giới chuyên gia đánh giá là có năng lực chiến đấu cao nhất ở châu Phi và thế giới Ả Rập. Và trong số các quốc gia có đa số người Hồi giáo thì chỉ có Pakistan và Iran - cả hai đều là thành viên hiện tại của SCO, có thể sánh ngang với Algeria.

Mặc dù phần lớn khí tài quân sự của Algeria được mua của Trung Quốc, từ các hệ thống tác chiến điện tử cho đến tên lửa hành trình, nhưng nước này vẫn là khách hàng quốc phòng lớn thứ hai của Nga sau Ấn Độ.

Quân đội Algeria.

Quân đội Algeria.

Hiện tại, phương tiện chiến đấu chủ lực trong các đơn vị thiết giáp của Algeria là khoảng 700 xe tăng T-90SA được mua từ Nga. Trong khi đó, xương sống của phi đội máy bay chiến đấu Algeria là 72 máy bay chiến đấu hạng nặng Su-30MKA. Chiếc máy bay này được Algeria chọn vào giữa những năm 2000, bởi nó được đánh giá cao hơn những chiếc Rafale của Pháp nhờ bộ cảm biến mạnh mẽ hơn, độ bền cao hơn và hiệu suất bay vượt trội.

Các hệ thống vũ khí, trang thiết bị đáng chú ý khác của Nga đang có trong biên chế của Quân đội Algeria bao gồm hệ thống phòng không S-300PMU-2, hệ thống tên lửa đất đối không S-400, trực thăng tấn công Mi-28, hệ thống tên lửa đạn đạo Iskander-M và hệ thống pháo tên lửa nhiệt áp TOS-1A.

Lực lượng vũ trang Algeria thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận quân sự lớn thể hiện mức độ sẵn sàng chiến đấu cao, điều này trở nên đặc biệt quan trọng khi các cuộc tập trận quân sự lớn do Mỹ dẫn đầu ở Bắc Phi dường như mô phỏng việc phát động các cuộc tấn công vào quốc gia này.

Algeria từ lâu đã là khách hàng được ưu tiên mua các thiết bị quân sự mới nhất của Liên Xô/Nga. Trong quá khứ, Algeria là nước đầu tiên được mua máy bay đánh chặn MiG-25 từ Liên Xô, nước này cũng đã mua các hệ thống phòng không Pantsir-SM trước khi phương tiện này được biên chế vào Lực lượng Vũ trang Nga.

Quốc gia này cũng là một trong những khách hàng đầu tiên đặt mua máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm Su-57 của Nga. Trong bối cảnh giá nhiên liệu hóa thạch tăng từ năm 2022 đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho chính quyền Algeria đầu tư nhiều hơn vào việc mua vũ khí và hiện đại hóa lực lượng vũ trang đất nước.

Lê Hưng (Nguồn: Military Watch)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/cuong-quoc-quan-su-a-rap-nop-don-gia-nhap-lien-minh-do-trung-quoc-dan-dau-ar874308.html
Zalo