Cuốn sách ảnh trực quan, giá trị về loài hoa Lan Hài

'Lan Hài Việt Nam – Vẻ đẹp quyến rũ của tự nhiên' in công phu với 500 trang in mầu trên giấy coucher và hàng nghìn hình ảnh Lan Hài do tác giả Chu Xuân Cảnh tự thực hiện trong môi trường tự nhiên.

Sáng 30/3, cuốn “Lan Hài Việt Nam - Vẻ đẹp quyến rũ của tự nhiên” - Nhà xuất bản Thế giới đã ra mắt tại Hà Nội. Theo đơn vị tổ chức buổi ra mắt sách, đây là cuốn sách ảnh song ngữ Anh – Việt duy nhất dành toàn bộ nội dung chỉ nói về Lan Hài ở Việt Nam của tác giả Chu Xuân Cảnh (1976).

Cuốn sách ảnh trực quan, giá trị

Hệ lan của Việt Nam rất phong phú với gần 1.500 loài lan đã được ghi nhận và ngày càng có nhiều loài mới được phát hiện. Tuy nhiên các tài liệu về lan ở Việt Nam nói chung và đặc biệt là với Lan Hài nói riêng lại rất hạn chế.

Cuốn sách đầu tiên viết về Lan Hài Việt Nam với phần giới thiệu về hệ thực vật Việt Nam được xuất bản vào năm 2004, cách đây đúng 20 năm. “Cuốn sách do 4 tác giả (2 người Việt và 2 người nước ngoài) công bố Việt Nam có 18 loài Lan hài nguyên chủng và 4 loài lai, tổng số 22 loài. Tuy nhiên, cuốn sách có nhiều bài viết mang tính nghiên cứ nhưng hạn chế về hình ảnh. Bởi vậy không có giá trị trực quan như sách ảnh của tác giả Chu Xuân Cảnh”, nhà nghiên cứu hệ thống học thực vật Nguyễn Tiến Hiệp, đồng tác giả cuốn sách Lan Hài Việt Nam xuất bản năm 20024 cho hay.

Nhà nghiên cứu hệ thống học thực vật Nguyễn Tiến Hiệp tại buổi ra mắt sách.

Nhà nghiên cứu hệ thống học thực vật Nguyễn Tiến Hiệp tại buổi ra mắt sách.

Sau 21 năm kể từ cuốn sách về Lan Hài đầu tiên được xuất bản, tác giả cuốn sách ảnh “Lan Hài Việt Nam – Vẻ đẹp quyến rũ của tự nhiên” Chu Xuân Cảnh đã cùng các cộng sự phát hiện và công bố thêm nhiều loài lan mới và nhiều loài ghi nhận mới tại Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại, Lan Hài ở Việt Nam có 23 loài nguyên chủng và 11 loài lai tự nhiên thuộc 2 chi Paphiopedilum và Cypripedium đã được ghi nhận, đó là những con số để khẳng định sự đa dạng của Lan Hài ở Việt Nam được xếp vào hàng nhất nhì trong khu vực. Tuy nhiên trong những năm gần đây, sự ưa chuộng và mong muốn sở hữu vẻ đẹp của Lan Hài cũng như việc xâm lấn đất rừng đã làm cho rất nhiều loài đã và đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.

Tác giả Chu Xuân Cảnh chia sẻ: “Việt Nam được biết đến là một trong những quốc gia trong khu vực có hệ lan phong phú vào bậc nhất và đặc biệt là Lan Hài, điều đó cũng đồng nghĩa với việc hệ sinh thái của Việt Nam tại nhiều khu vực còn được gìn giữ tốt. Lan là một trong những loài thực vật khá nhạy cảm với môi trường do vậy nó cũng là loài chỉ thị nói lên hệ sinh thái khu vực có lan còn giữ được sự phong phú. Nơi nào có lan, nơi đó có môi trường tự nhiên tốt. Đối với tôi, nghiên cứu lan không chỉ là nuôi dưỡng đam mê, mà còn là gắn kết mọi người khắp nơi trên thế giới với nhau để hiểu và bảo tồn lan được tốt hơn. Hy vọng qua cuốn sách này, bạn đọc có cơ hội hiểu thêm về vẻ đẹp của các loài Lan Hài cũng như sẽ cùng chung tay giữ gìn những giá trị tự nhiên quý báu mà chúng ta may mắn được thừa hưởng”.

Tác giả Chu Xuân Cảnh (giữa) cùng nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (phải) và đại diện đơn vị phát hành tại buổi ra mắt sách.

Tác giả Chu Xuân Cảnh (giữa) cùng nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (phải) và đại diện đơn vị phát hành tại buổi ra mắt sách.

Được biết tác giả Chu Xuân Cảnh dấn bước vào con đường nghiên cứu sinh học không thông qua trường lớp mà bắt nguồn từ đam mê lan. Với niềm đam mê đặc biệt với Lan Hài, Chu Xuân Cảnh đã tìm mọi cách để tiếp cận được tất cả các loài Lan Hài ở Việt Nam để ghi nhận các thông tin về loài đó trong tự nhiên cũng như chụp ảnh tất cả các loài Lan Hài nở hoa trong môi trường sống của chúng.

Cuốn sách này là kết quả của quá trình thu thập thông tin và hình ảnh của các loài Lan Hài của Việt Nam nở trong tự nhiên diễn ra trong 12 năm. Đặc biệt có một loài mang tên Lan Hài Xuân Cảnh đã được chính anh phát hiện vào năm 2009, được mô tả và công bố loài mới trên tạp chí của Hiệp hội Lan Hoa Kỳ vào tháng 5 năm 2010 (Paphiopedilum canhii là tên loài - được đặt theo tên của người phát hiện và công bố loài mới).

Loài lan hài mang tên Lan Hài Xuân Cảnh (Paphiopedilum canhii là tên loài - được đặt theo tên của người phát hiện và công bố loài mới).

Loài lan hài mang tên Lan Hài Xuân Cảnh (Paphiopedilum canhii là tên loài - được đặt theo tên của người phát hiện và công bố loài mới).

Giúp tuyên truyền bảo tồn nguồn GEN quý về Lan Hài

GS.TSKH Trần Duy Quý – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hợp tác Khoa học Kỹ thuật Châu Á – Thái Bình Dương kiêm Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất Kinh doanh Hoa lan Việt Nam cũng đánh giá cao sự công phu của ấn phẩm: “Trong vòng 12 năm, Chu Xuân Cảnh đã có được một kho tư liệu đồ sộ mà không một tác giả nào ở Việt Nam nghiên cứu về Lan Hài có được. Lễ ra mắt Lan Hài Việt Nam - Vẻ đẹp quyến rũ của tự nhiên là một sự kiện khoa học trọng đại của năm 2025 và tác giả cuốn sách xứng đáng là nhà khoa học xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu Lan Hài Việt Nam. Mong anh tiếp tục cống hiến hơn nữa cho sự nghiệp nghiên cứu và phát triển hoa lan nói chung và Lan Hài nói riêng của Việt nam tiến lên một bước đột phá mới xứng đáng với cái nôi hoa lan của khu vực Đông Nam Á”.

“Lan Hài Việt Nam – Vẻ đẹp quyến rũ của tự nhiên” mang đến cho độc giả những thông tin cơ bản về tất cả các loài Lan Hài ở Việt Nam như mô tả về đặc điểm sinh học, môi trường sống trong tự nhiên. Đặc biệt, cuốn sách như một lăng kính vạn hoa phản chiếu hàng ngàn cung bậc sắc màu của các loài Lan Hài bằng hàng ngàn bức ảnh do chính tác giả chụp ngoài tự nhiên. Qua lăng kính này, tác giả mong muốn giới thiệu với bạn đọc và những người yêu Lan Hài vẻ đẹp của mỗi loài trong trong chính môi trường sống nguyên sơ của chúng.

“Cuốn sách ảnh của tác giả Chu Xuân Cảnh có giá trị rất lớn cho việc bảo tồn nguồn GEN quý hiếm của loài Lan hài nói riêng và hệ thực vật Việt Nam nói chung. Hơn thế, cuốn sách có những loài lan đang nằm trong diện bảo tồn đặc biệt của Việt Nam. Những thông tin trong cuốn sách thể hiện tính chính xác, khoa học về hệ thống giống loài Lan Hài ở Việt Nam. Cuốn sách rất có giá trị thực tiến và khoa học rất cao, giúp cho việc nhân giống, bảo tồn nguồn GEN quý hiếm này”, nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Hiệp chia sẻ.

“Qua cuốn sách có thể thấy Việt Nam có hệ đa dạng sinh học rất phong phú, đặc biệt là lan với hơn 1500 loài, trong đó có hơn 250 loài lan trong tình trạng nguy cấp cần được bảo tồn trên toàn cầu. Việt Nam cũng có rất nhiều người yêu và chơi lan, tôi hi vọng rằng trong tương lai dài, mọi người có thể cùng nhau phát triển các chương trình nghiên cứu nhân hạt giống lan để giảm thiểu việc khai thác ngoài tự nhiên, đóng góp cho việc bảo tồn. Việc nhân giống còn giúp người dân ở các địa phương có thêm thu nhập mà không làm ảnh hưởng tới môi trường tự nhiên. Tất cả những gì thuộc về tự nhiên thì nên để ở tự nhiên. Người chơi chỉ lên lấy những bức ảnh từ tự nhiên, đó là hướng bảo tồn lâu dài”, ông Frank Momberg, Giám đốc Chương trình phát triển Châu Á – Thái Bình Dương của Tổ chức Bảo tồn Động thực vật Quốc tế Fauna & Flora International (FFI) chia sẻ tại buổi ra mắt sách.

Ông Frank Momberg (bên phải) chia sẻ tại buổi ra mắt sách.

Ông Frank Momberg (bên phải) chia sẻ tại buổi ra mắt sách.

Chu Xuân Cảnh cũng được biết đến là một trong những diễn giả nổi tiếng trên thế giới về Lan Hài trong tự nhiên. Anh đã được mời thuyết trình về chủ đề “Lan Hài của Việt Nam trong tự nhiên” tại rất nhiều hội nghị Quốc tế cũng như các hội thảo chuyên đề do các Hiệp hội Lan Hài của nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Nam Phi, Đài Loan (Trung Quốc)…tổ chức.

Thư Vũ/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/cuon-sach-anh-truc-quan-gia-tri-ve-loai-hoa-lan-hai-post1188374.vov
Zalo