Cuốn cẩm nang 2.000 trang của ngành dược Việt Nam

'Dược thư Quốc gia Việt Nam' là tác phẩm tập hợp gần 800 chuyên luận của Bộ Y tế về các loại thuốc và hướng dẫn sử dụng.

 Cuốn Dược thư quốc gia Việt Nam hiện được đề cử tại giải Sách Quốc gia 2024. Ảnh: Đức Huy.

Cuốn Dược thư quốc gia Việt Nam hiện được đề cử tại giải Sách Quốc gia 2024. Ảnh: Đức Huy.

Trong thực tiễn, bên cạnh việc chẩn đoán, các bác sĩ còn phải biết sử dụng thuốc an toàn và phối hợp tốt với dược sĩ lâm sàng khi điều trị bệnh. Từ đó, bác sĩ, dược sĩ có thể đưa ra chỉ dẫn đúng người, đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng cách dùng và đúng thời gian dùng thuốc nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người bệnh.

Hơn hết, việc sử dụng thuốc hiệu quả khiến bệnh nhanh chóng khỏi, rút ngắn ngày nằm điều trị, góp phần giảm gánh nặng chi phí cho người bệnh, nhất là những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Điều này đòi hỏi đội ngũ y tế cần có kinh nghiệm và chuyên môn cao.

Trước yêu cầu trên, hai tập sách Dược thư Quốc gia Việt Nam do Bộ Y tế biên soạn đã ra đời. So với ấn phẩm năm 2002, cuốn dược thư này được cập nhật nhiều thông tin mới. Trong lần tái bản thứ ba năm 2023, cuốn sách có 743 chuyên luận thuốc và 25 chuyên luận hướng dẫn chung.

Ngoài ra, điểm nhấn của lần tái bản gần đây là sự cập nhật và loại bỏ các dược chất không phù hợp, đồng thời bổ sung những thuốc mới được phép lưu hành đem lại hiệu quả điều trị cao hơn. Bộ sách còn bám sát danh mục thuốc thiết yếu do Bộ Y tế ban hành và những loại thuốc được bảo hiểm y tế thanh toán.

GS.TS Đào Văn Dũng - Trưởng Bộ môn Quản lý Bệnh viện, Trường Đại học Phenikaa - cho biết: “Cuốn sách có tính ứng dụng cao trong thực hành lâm sàng điều trị bệnh tại bệnh viện và các cơ sở y tế. Nó cũng rất hữu ích cho người dân khi cần tham khảo”.

Cấu trúc của bộ Dược thư gồm 3 phần: các chuyên luận chung, các chuyên luận thuốc và phụ lục tra cứu. Đặc biệt, 25 chuyên luận chung trong phần đầu tiên cung cấp thông tin về cách kê đơn, trách nhiệm khi kê đơn, và các nguyên tắc sử dụng thuốc hợp lý cho từng nhóm đối tượng khác nhau. Điều này giúp giảm nguy cơ kháng kháng sinh, một vấn đề ngày càng đáng lo ngại trong ngành y tế nước ta.

Phần chuyên luận thuốc bao gồm 743 mục, mỗi mục được biên soạn theo trình tự chặt chẽ, từ tên quốc tế, mã hóa trị liệu theo giải phẫu học (ATC), đến phân loại, liều lượng, cách dùng, chỉ định và chống chỉ định. Những thông tin này giúp bác sĩ và dược sĩ dễ dàng nắm bắt đặc điểm của từng loại thuốc, từ đó đưa ra quyết định phù hợp trong điều trị.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/cuon-cam-nang-2000-trang-cua-nganh-duoc-viet-nam-post1513672.html
Zalo