Cuối năm đi chợ Thiều 'mua may bán rủi'
Chợ Thiều ở làng Thiều Xá, xã Cầu Lộc (Hậu Lộc) chỉ họp duy nhất một lần trong năm vào ngày 26 tháng Chạp. Được xem là phiên chợ cầu may với ý nghĩa tâm linh nên ai cũng náo nức với phiên chợ độc đáo này.
Tích truyện
Nằm bên hữu ngạn dòng sông Lèn, bên kia là núi Bình Lâm, làng Thiều Xá, xã Cầu Lộc (Hậu Lộc) là vùng đất ảnh hưởng văn hóa Phật giáo từ rất sớm. Vì vậy, nơi đây từng có rất nhiều công trình văn hóa tâm linh. Sách “Tên làng xã Thanh Hóa” tập 1, có đoạn viết: “Ở làng Thiều Xá có đền thờ Thánh Thiều; đền thờ Lê Phúc Đồng, đền thờ Quan nghè Mai Quang Thanh, nghè Thượng, chùa Sùng Ân và đền thờ thành hoàng". Cũng bởi “ăn theo” tên làng mà các di tích ở đây hầu hết gắn với chữ Thiều.
Trong đó, tài liệu ở địa phương chép nguồn gốc ra đời của đền Thiều rất cụ thể. Nghĩa quân thời Lê do tướng Lê Phúc Đồng dẫn đầu đi dẹp loạn giặc ngoại xâm trên sông Mã, đến khúc sông Lèn chân núi Thiều thì thuyền mắc cạn. Sau khi ra lệnh cho quân lính nghỉ ăn cơm trưa chờ con nước lớn, tướng quân Lê Phúc Đồng lên bờ và bắt gặp một miếu thờ nhỏ nằm ngay bên chân núi do những đứa trẻ mục đồng của làng Thiều dựng lên. Ông thắp nén nhang cầu cho thuận buồm xuôi gió, đánh thắng giặc ngoại xâm. Thắp nhang xong, quay lại ông nhìn thấy con nước lên, thuyền có thể xuôi dòng và tiến thẳng về cửa Thần Phù đánh giặc. Thắng trận, tướng quân Lê Phúc Đồng về lại làng Thiều cho dân làng ăn mừng chiến công vào ngày 26 tháng Chạp. Từ đó, cứ vào ngày này, chợ Thiều lại được mở.
Những điều đặc biệt
Sáng sớm ngày 26 tháng Chạp, cũng như các hộ dân trong làng Thiều Xá, bà Nguyễn Thị Hải đi chợ Thiều sắm tết và không quên mua 3 đĩa bánh về dâng hương. Đây là tục lệ của làng truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chắp tay đứng trước ban thờ, bà Hải báo cáo: “Hôm nay, đến phiên chợ, con cháu trong nhà có chút quà chợ dâng ông bà, gia tiên. Cảm tạ ông bà đã phù hộ độ trì cho con cháu có một năm thuận lợi”.
Theo chân ông Nguyễn Văn Loan, Trưởng ban di tích và lễ hội làng Thiều Xá, chúng tôi đến chùa Sùng Ân (hay còn gọi là chùa Thiều), nơi có nhiều quán hàng tập trung đông người mua bán nhất. Trên là chùa dưới là chợ, ai dù bán dù mua cũng đều vào chùa thắp nén nhang thơm tạ ơn một năm cũ hanh thông thuận lợi và xin cho một năm mới nhiều phước lành. Ông Nguyễn Văn Loan, cho biết: “Trước đây, chợ được họp ở ngay sát bờ sông nên rất thuận tiện cho giao thông đường thủy với kiểu buôn bán trên bến dưới thuyền. Vì thế, đến chợ Thiều không chỉ có người dân trong vùng, trong tỉnh, mà từ nhiều nơi khác như Nghệ An, Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định... Sau này, trong khoảng thời gian từ năm 1964 đến 1972 thì chợ dừng hoạt động. Nhưng kể từ năm 1973 đến nay, chợ họp trở lại chỉ một phiên duy nhất trong năm".
Mỗi năm chỉ họp một lần nên không chỉ người dân làng Thiều Xá, xã Cầu Lộc mà người dân ở các nơi khác trên địa bàn huyện Hậu Lộc cũng náo nức về dự phiên chợ để “mua may bán rủi”. Chợ Thiều họp từ khoảng 5 giờ sáng cho đến cuối chiều, tập trung đông nhất từ 8h đến 11h trưa. Người dân đến chợ mong bán đi những rủi ro của năm cũ và mua về cho mình những may mắn trong năm mới. Hàng hóa ở chợ chủ yếu là cây nhà lá vườn, các sản vật vùng quê... Trong đó, nhiều nhất vẫn là những hàng bán lá dong bởi với người dân nơi đây, nồi bánh chưng không thể thiếu trong ngày tết.
Đến với chợ Thiều, người bán không nói “thách” giá. Giá đưa ra bao nhiêu, người mua mua bấy nhiêu. “Về cơ bản, giá bán ở đây rẻ hơn các nơi khác. Người dân đến chợ Thiều, mua bán, chơi chợ đều có quan niệm, vì đây là phiên chợ cầu may với ý nghĩa tâm linh nên mua bán cầu may là chính. Dù là lỗ hay lãi thì người bán cũng mong bán được hết hàng để lấy may. Còn người mua, thì cũng mong mua được món hàng ưng ý", bà Oanh, một người dân làng Thiều Xá, cho biết.
Một điều rất đặc biệt là vào thời điểm cuối chiều, chợ gần tàn, người bán dù còn bất kể thứ hàng gì cũng dồn vào một khu vực, để ai thiếu thì có thể đến lấy. Ý nghĩa về sự sẻ chia càng được nhân lên.
Chia sẻ với chúng tôi về mỹ tục này, ông Nguyễn Văn Hòa, công chức văn hóa - xã hội xã Cầu Lộc, nói: "Chợ Thiều là một trong những nét văn hóa lâu đời được giữ lại ở làng Thiều Xá hàng trăm năm nay. Ngày nay, chợ Thiều mỗi năm họp một lần để nhắc nhở con cháu luôn hướng về quê hương bản xứ, hướng về những phong tục tốt đẹp của quê mình. Vì vậy, nhiều người con của làng, dù có đi làm xa thì cứ đến 26 tháng Chạp lại có mặt ở nhà để tham dự phiên chợ".
Trong cái giá lạnh, chúng tôi chen chúc giữa dòng người bán - mua vui vẻ và hồ hởi lựa chọn cho mình một chậu cúc vàng nhỏ xinh những mong một năm mới bình an, may mắn.