Cuối năm, cẩn trọng 'bà hỏa' giữa Thủ đô

Dự báo trong giai đoạn cuối năm, tình hình cháy, nổ vẫn sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là với một địa bàn đông dân, mật độ cao như Thủ đô. Thành phố Hà Nội mới đây đã tiếp tục đưa ra nhiều chỉ đạo quyết liệt để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn cháy, nổ xảy ra.

Chỉ ngay trong tháng cuối năm 2024 này, hàng loạt vụ cháy lớn nhỏ đã xảy ra trên địa bàn Hà Nội, từ cháy nhà dân, quán ăn, khách sạn, quán bar cho tới cháy nhà xưởng, kho hàng...

Có thể thấy, hỏa hoạn luôn là vấn đề nhức nhối, đe dọa tài sản và sức khỏe, tính mạng, nhất là ở một thành phố hơn 10 triệu dân sinh sống như Hà Nội. Nhiều người vẫn chưa hết “sốc” khi nhớ về đám cháy đặc biệt nghiêm trọng tại chung cư mini ở phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân, Hà Nội) hồi tháng 9-2023 khiến 56 người tử vong và 37 người bị thương. Hoặc vụ cháy vào đêm 24-5-2024 tại căn nhà trong ngõ 43 đường Trung Kính, quận Cầu Giấy (Hà Nội), khiến 14 người tử vong, 6 người bị thương...

Dự báo trong thời gian tới, tình hình cháy, nổ vẫn sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Nhất là trong giai đoạn thời điểm cuối năm, thời tiết hanh khô, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hóa phục vụ Tết tăng cao, các nguyên vật liệu, hàng hóa tập kết lớn, việc tiêu thụ điện, nhiên liệu gia tăng gây nguy cơ mất an toàn về phòng cháy chữa cháy.

 Diễn tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại Công ty cổ phần GM Thăng Long (Cụm Công nghiệp Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: CATP Hà Nội

Diễn tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại Công ty cổ phần GM Thăng Long (Cụm Công nghiệp Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: CATP Hà Nội

Thế nhưng, công tác này vẫn đang tồn tại quá nhiều bất cập, khó khăn. Đơn cử, qua rà soát, thống kê, trên địa bàn Hà Nội có tới 2.996 cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy được đưa vào hoạt động trước khi Luật Phòng cháy, chữa cháy năm 2001 có hiệu lực.

Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND ngày 6-7-2023 quy định về việc xử lý các cơ sở này. Tuy nhiên, sau gần hai năm triển khai thực hiện, đến nay mới có 102/2.996 cơ sở (đạt tỷ lệ 3,4%) hoàn thành việc khắc phục các tồn tại về phòng cháy chữa cháy. Đáng chú ý, đến nay vẫn có quận, huyện chưa khắc phục được cơ sở nào như: Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hoài Đức...

Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tình hình cháy, nổ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra, mới đây, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có Công văn số 4383/UBND-NC ngày 27-12-2024 về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 46/CT-TTg ngày 23-12-2024 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, giám đốc các sở, ban, ngành; chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Một trong các giải pháp của thành phố Hà Nội là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về phòng cháy chữa cháy, các biện pháp phòng ngừa, kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm khi xảy ra sự cố cháy, nổ đến với từng nhà, từng cơ sở, từng khu dân cư, từng khu phố.

Trong đó, đặc biệt coi trọng việc tuyên truyền, vận động 100% hộ gia đình trang bị, lắp đặt hệ thống cảnh báo cháy sớm, bình chữa cháy, mở lối thoát hiểm, thoát nạn thứ hai, trang bị các dụng cụ, phương tiện phục vụ thoát nạn.

Thiếu tá Tô Văn Khoa, Phó trưởng Công an phường Giảng Võ (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, giống nhiều khu vực trên địa bàn Thủ đô, phường Giảng Võ có nhiều ngõ ngách hẹp, xe chữa cháy rất khó tiếp cận sâu khi có sự cố xảy ra. Do đó, phường đã đẩy mạnh việc thành lập các tổ liên gia chữa cháy, các điểm chữa cháy công cộng cũng như tập huấn cho người dân để có thể tận dụng lực lượng tại chỗ, giải quyét đám cháy ngay khi mới bắt đầu.

Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố Hà Nội yêu cầu tăng cường rà soát, kiểm tra, thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tại các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ, địa điểm tập trung đông người trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2025, nhất là các cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường, khu dân cư, nhà cao tầng, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng bách hóa, cửa hàng tiện lợi, các cơ sở sản xuất, kho hàng hóa, kho vật liệu nổ công nghiệp, kinh doanh pháo, kho hóa chất, rừng, các bến tàu, bến xe, các đình, chùa nơi diễn ra các hoạt động lễ hội...; xử lý nghiêm các vi phạm về phòng cháy chữa cháy. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng quy định phải kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động.

Thượng tá Cấn Đức Thành, Phó trưởng Công an quận Nam Từ Liêm cho biết: “Chúng tôi xác định công tác phòng ngừa là vô cùng quan trọng. Vì vậy, chúng tôi thường xuyên tổ chức các buổi thực tập, diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, giúp các đơn vị nâng cao ý thức, thực hiện tốt phương châm “Bốn tại chỗ”. Đồng thời, kiểm tra tình trạng hoạt động của hệ thống phòng cháy chữa cháy, kịp thời đề ra các biện pháp khắc phục”.

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, sẽ phối hợp các cơ quan, đơn vị tiếp tục rà soát, kiểm tra việc cấp phép xây dựng đối với các loại hình công trình, nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng sai phép, trái phép, các trường hợp tự ý chuyển đổi công năng từ nhà ở riêng lẻ sang các loại hình sản xuất, kinh doanh khác mà không bảo đảm điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy.

Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh: Các chủ hộ gia đình, người đứng đầu nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả nhà ở cho thuê trọ) phải cam kết, có lộ trình thực hiện các giải pháp tăng cường về phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ do UBND thành phố ban hành. Thời gian hoàn thành thực hiện các giải pháp trước ngày 30-3-2025. Sau thời gian trên, nếu không tổ chức thực hiện phải dừng hoạt động cho đến khi thực hiện xong.

LÂM HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/cuoi-nam-can-trong-ba-hoa-giua-thu-do-809113
Zalo