Cuối cùng, NATO buộc phải ra quyết định quan trọng gây tranh cãi, cảnh báo EU đừng chỉ biết mình

Trong bối cảnh địa chính trị thế giới đang thay đổi nhanh chóng, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - đang phải đối mặt với những thách thức an ninh mới - có thể quyết định thay đổi mức chi tiêu quốc phòng sau một thập kỷ.

Tổng thư ký NATO Mark Rutte. (Nguồn: Getty Images)

Tổng thư ký NATO Mark Rutte. (Nguồn: Getty Images)

Theo báo Politico, NATO có thể chuẩn bị thiết lập mục tiêu mới đối với chi tiêu quân sự, yêu cầu các nước thành viên tăng đáng kể ngân sách dành cho quốc phòng.

Ngày 13/1, phát biểu trước Nghị viện châu Âu ở Brussels, Bỉ, Tổng thư ký NATO Mark Rutte cảnh báo, những mục tiêu năng lực quân sự mới của liên minh có thể sẽ khiến các quốc gia thành viên phải chi đến 3,6-3,7% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng.

Ngay cả khi các nước thành viên thực hiện tốt hơn việc mua chung cũng như cải tiến vũ khí và trang thiết bị, ngân sách quốc phòng cũng "sẽ cao hơn đáng kể so với con số 2%". Con số này có thể giảm bớt nếu các nước NATO tăng cường đổi mới công nghệ và hợp tác mua sắm chung các loại vũ khí, thiết bị quân sự.

2% là mục tiêu ngân sách quốc phòng đã được NATO đặt ra từ năm 2014. Theo ước tính mới nhất, trong năm 2024, 24 quốc gia thành viên đạt được mức này. Tuy nhiên, ông Rutte nhấn mạnh mức chi tiêu 2% là không đủ để NATO đảm bảo an ninh trước những thách thức ngày càng nghiêm trọng trên toàn cầu.

Quyết định này đã gây ra nhiều tranh cãi và đặt ra những câu hỏi về khả năng thực thi, cũng như tác động của nó đối với tương lai của liên minh quân sự. Theo Politico, đối với nhiều quốc gia, mục tiêu đạt 2% thậm chí đã là một cuộc đấu tranh.

Phát biểu của ông Rutte cũng được đưa ra trong bối cảnh dư luận quốc tế xôn xao trước đề xuất của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump hồi tuần trước.

Ông chủ thứ 47 của Nhà Trắng cho rằng, các quốc gia thành viên NATO nên dành tới 5% GDP cho quốc phòng - mục tiêu mà giới chuyên gia cho là bất khả thi về cả mặt chính trị lẫn kinh tế đối với phần lớn trong số 32 quốc gia thành viên trong khối.

Cũng trong bài phát biểu tại Nghị viện châu Âu, ông Rutte lưu ý Liên minh châu Âu (EU) rằng, chiến lược xây dựng nền công nghiệp quốc phòng mạnh mẽ là cần thiết, song khối này cần thận trọng trong quá trình thiết lập các quy định nhằm đảm bảo sự tham gia bình đẳng của các công ty đến từ những quốc gia NATO ngoài EU.

Tổng thư ký NATO nhấn mạnh: “Chúng ta phải tránh tạo ra những rào cản mới giữa các đồng minh. Hành động này chỉ khiến chi phí tăng cao, làm phức tạp quy trình sản xuất và cản trở đổi mới”.

Theo ông, chính sách tạo điều kiện cho các quốc gia ngoài EU, nhưng là thành viên của NATO, tham gia các dự án công nghiệp quốc phòng chung sẽ tăng cường an ninh cho toàn châu Âu, nhấn mạnh: “Liên kết với các đồng minh ngoài EU trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng là rất quan trọng. Hợp tác xuyên Đại Tây Dương không chỉ giúp chúng ta vững mạnh hơn mà còn góp phần củng cố an ninh chung”.

Dù đa số quốc gia EU đều là thành viên NATO, song một số nước đóng vai trò quan trọng trong liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương như Mỹ, Anh và Thổ Nhĩ Kỳ lại không thuộc EU. Tình trạng này khiến mối quan hệ hợp tác công nghiệp quốc phòng trở nên phức tạp hơn nếu EU áp dụng các quy định quá khắt khe.

Tổng thư ký NATO cũng cảnh báo việc dựng rào cản đối với các công ty ngoài EU có thể gây tổn hại đến năng lực quốc phòng chung, đặc biệt là khi phải đối mặt với chiều hướng gia tăng hợp tác quốc phòng giữa các nước như Nga, Trung Quốc, Triều Tiên và Iran.

Bảo Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cuoi-cung-nato-buoc-phai-ra-quyet-dinh-quan-trong-gay-tranh-cai-canh-bao-eu-dung-chi-biet-minh-300811.html
Zalo