Cước vận tải biển thế giới tăng vọt
Giá cước vận tải biển thế giới đang tăng vọt, sau khi Mỹ thông báo áp lệnh trừng phạt đối với ngành công nghiệp dầu khí của Nga và các tàu chở dầu của nước này.
Theo Reuters, lệnh trừng phạt của Mỹ được áp đặt với 183 tàu mà Moscow (Nga) sử dụng để vận chuyển dầu đi khắp thế giới. Do đó, các “ông lớn” lọc dầu của Trung Quốc và Ấn Độ đang tìm kiếm nguồn cung cấp nhiên liệu và đội tàu vận chuyển thay thế.
Theo phân tích của Lloyd's List Intelligence, ước tính có khoảng 35% trong số 669 tàu chở dầu “ngầm” tham gia vận chuyển dầu của Nga, Venezuela và Iran đã bị Mỹ, Anh hoặc Liên minh châu Âu áp lệnh trừng phạt.
Một công ty môi giới tàu biển cho biết, hiện giá cước trên tuyến đường biển từ Trung Đông đến Trung Quốc (được gọi là TD3C) đã tăng 39%, lên mức 37.800 USD từ ngày 10/1 - mức cao nhất tính từ tháng 10 đến nay.
Đáng chú ý, chi phí vận chuyển dầu thô từ vùng duyên hải Vịnh Mexico (Mỹ) đến Trung Quốc hiện là 6,82 triệu USD/chuyến, tăng 360.000 USD so với tuần trước.
Giá vận chuyển dầu của Nga tới Trung Quốc cũng tăng vọt sau lệnh trừng phạt của Mỹ. Dữ liệu của S&P Global Commodity Insights cho thấy, giá cước vận chuyển tàu chở dầu cỡ Aframax (chở dầu thô pha ESPO) từ cảng Kozmino ở Thái Bình Dương của Nga, đến Bắc Trung Quốc đã tăng gấp đôi từ ngày 13/1, lên 3,5 triệu USD vì các chủ tàu yêu cầu tăng phí bảo hiểm do tuyến đường biển có hạn.
Khảo sát của các đơn vị nghiên cứu cho thấy, giá cước vận chuyển của các tàu chở dầu thô (VLCC) từ Trung Đông đến Singapore đang tăng mạnh nhất, cụ thể là tăng thêm WS11,15 (WS là biểu cước vận tải - PV), lên mức WS 61,35. Trong khi đó, giá cước tàu VLCC từ Trung Đông đến Trung Quốc tăng WS10,40 lên mức WS59,70. Còn cước tàu VLCC từ Tây Phi đến Trung Quốc tăng WS9,55 chạm mức WS61,44.
Anoop Singh - Giám đốc nghiên cứu vận chuyển toàn cầu tại Oil Brokerage - nhận định, do Mỹ áp lệnh trừng phạt với các thùng dầu có xuất xứ từ Nga, nên các thương nhân phải tìm kiếm nguồn dầu thô thay thế và đây là nguyên nhân chính khiến giá cước vận tải biển tăng vọt.
Thêm vào đó, các tàu chở dầu bị Mỹ trừng phạt còn đang mắc kẹt bên ngoài tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) và không thể dỡ hàng. Nguyên nhân là do Tập đoàn Cảng Sơn Đông đã cấm các tàu này cập cảng từ hôm 10/1.
Trước bối cảnh nói trên, các nhà phân tích đánh giá nguồn cung tàu chở dầu có thể sẽ còn eo hẹp hơn nữa, khi các thương nhân tìm kiếm những tàu không bị cấm để vận chuyển dầu thô của Nga và Iran. Do đó, nhiều tàu mới sẽ được đưa vào hạm đội tàu chở dầu “ngầm”, khiến nguồn cung tàu chở hàng trên thị trường vận tải biển thiếu hụt, nên giá vận tải biển sẽ còn tăng cao nữa...