Cước vận chuyển xuyên Thái Bình Dương tăng nhanh
Giá cước vận tải biển trên các tuyến xuyên Thái Bình Dương đang tăng nhanh khi nhà nhập khẩu Mỹ gấp rút vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc để tận dụng khoảng thời gian tạm hoãn thuế quan.

Các container vận chuyển từ Trung Quốc tại cảng Los Angeles, Mỹ. Ảnh: Reuters
Thỏa thuận hoãn thuế quan gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc giúp giảm thuế nhập khẩu từ mức cao ngất ngưởng 145% xuống còn 30% đối với hàng Trung Quốc vào Mỹ và từ 125% xuống 10% đối với hàng Mỹ vào Trung Quốc trong thời hạn 90 ngày.
Thỏa thuận này đang kích hoạt một làn sóng vận chuyển hàng hóa xuyên Thái Bình Dương trong vài tuần tới. Theo nhà phân tích Kenneth Loh của Bloomberg Intelligence (BI), các hãng vận tải biển khổng lồ như Cosco, Maersk và Mitsui OSK Lines sẽ hưởng lợi lớn từ xu hướng này.
Ngay sau Bắc Kinh và Washington thông báo thỏa thuận, Maersk ghi nhận lượng đặt chỗ tăng vọt. Đó là tín hiệu tích cực sau khi hãng vận tải biển Đan Mạch cắt giảm dự báo lợi nhuận năm 2025 vào đầu tháng này.
Ngành vận tải biển như "ngồi trên đống lửa" khi lượng hàng từ Trung Quốc sang Mỹ sụt giảm 20% hồi tháng Tư do căng thẳng thương mại leo thang. Giờ đây, triển vọng kinh doanh đang sáng sủa trở lại.
Hapag-Lloyd (Đức), hãng vận chuyển container lớn thứ 5 thế giới, báo cáo khối lượng vận chuyển tăng vọt trong tuần này, tăng hơn 50% so với các tuần trước, đặc biệt là các đơn đặt chỗ vận chuyển từ Trung Quốc sang Mỹ.
Tương tự, Rodolphe Saadé, CEO CMA CGM (Pháp), hãng vận tải container lớn thứ 3 thế giới, gọi thỏa thuận đình chiến thuế Mỹ-Trung là “tin tuyệt vời” trong một phiên điều trần tại Thượng viện Pháp. Ông tiết lộ, lượng hàng vận chuyển sang Mỹ kể từ khi cuộc chiến thương mại bắt đầu giảm đến 50%.
“Chúng ta có thể chứng kiến một đợt vận chuyển hàng sớm mới khi các nhà xuất khẩu và nhập khẩu ở cả Trung Quốc và Mỹ tranh thủ tận dụng mức thuế giảm mạnh trong 90 ngày tạm hoãn này”, nhà phân tích nhà phân tích Kenneth Loh của BI nói.
Làn sóng nhu cầu bị dồn nén đang đẩy giá cước vận chuyển container tăng trở lại sau khi liên tục lao dốc từ đầu năm, mang lại nguồn thu lớn cho các hãng vận tải biển.
Nhu cầu có thể còn tăng mạnh hơn khi thời hạn 90 ngày giảm thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc trùng với mùa cao điểm của ngành rơi vào giữa tháng Tám, thời điểm Trung Quốc chiếm khoảng 40% lượng container nhập khẩu vào Mỹ, theo các nhà phân tích của ngân hàng Citigroup.
Giá cước vận chuyển một container loại 40 feet (FEU) từ Thượng Hải đến Los Angeles (Mỹ) tăng lên 3.136 đô la Mỹ, tăng 16% so với tuần trước và đánh dấu mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 12-2024. Trong khi đó, giá cước vận chuyển từ Thượng Hải đến New York vọt lên 19%, chạm mốc 4.350 đô la/FEU, theo Drewry World Container Index.
Tuy nhiên, làn sóng hàng hóa từ Trung Quốc cũng đe dọa gây ùn tắc tại các cảng, tương tự như những gì từng xảy ra trong đại dịch Covid-19, theo cảnh báo của các nhà phân tích ở ngân hàng HSBC.
Các công ty điều hành của Trung Quốc như China Merchants Port Holdings, Cosco Shipping Ports và Shanghai International Port Group có thể tận dụng cơ hội để gia tăng thị phần, thu hẹp khoảng cách chi phí với các trung tâm xuất khẩu và tuyến đường xuất khẩu cạnh tranh khác, theo nhà phân tích Denise Wong của BI.
“Thỏa thuận hoãn áp thuế cũng cho phép các nhà xuất khẩu Trung Quốc có thêm thời gian tìm cách thích ứng, giúp duy trì khối lượng hàng hóa xuất đi từ các cảng Trung Quốc”, bà nói.
Axel Styrman, nhà phân tích của Kepler Cheuvreux cho rằng, làn sóng vận chuyển hàng từ châu Á sang Mỹ hiện nay thể có thể không nhất thiết đẩy tăng mạnh thu nhập quí 2 của các hãng vận tải biển.
“Quan điểm dài hạn của chúng tôi về triển vọng kinh doanh của ngành vận tải container vẫn thận trọng vì chúng tôi cho rằng sẽ có tình trạng dư thừa nguồn cung năng lực vận chuyển đáng kể”, Andy Chu, nhà phân tích của ngân hàng Deutsche Bank viết trong một báo cáo.
Ông nhận định, sự phục hồi nhu cầu vận chuyển hàng từ Trung Quốc sang Mỹ có thể chỉ là nhất thời và cảnh báo, triển vọng giá cước trong nửa cuối năm 2025 khá yếu, với dự báo nhu cầu sẽ giảm mạnh.
Theo Bloomberg