Cuộc thi ảnh 'Đất nước ngàn hoa': Còn 10 ngày đi tìm những tác phẩm sử liệu
Cuộc thi ảnh 'Đất nước ngàn hoa' do Báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP) và Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (VAPA) tổ chức đang đi đến chặng cuối, sẽ kết thúc nhận tác phẩm dự thi vào lúc 11 giờ 30 ngày 1-4-2025.
Tính đến ngày 21-3, sau hơn 6 tháng phát động và còn 10 ngày đóng cổng nhận tác phẩm dự thi tại địa chỉ https://thianh50nam.sggpnews.vn/, cuộc thi Đất nước ngàn hoa đã nhận hơn 2.300 bức ảnh dự thi. Mỗi một tác phẩm không chỉ làm tốt nhiệm vụ lột tả cung bậc cảm xúc của tác giả mà còn kể cho người xem chiều sâu câu chuyện.

Bức ảnh chụp khoảnh khắc lắp đặt thành công bánh xe công tác 72 tấn của tổ máy số 1 Thủy điện Trị An
Trong đó, phạm trù ảnh sử liệu (được chụp từ 11 giờ 30 ngày 30-4-1975 đến trước 11 giờ 30 ngày 1-4-2025) hứa hẹn mang đến cuộc thi nhiều câu chuyện thú vị, lan tỏa giá trị truyền cảm hứng.
Đó có thể là bức ảnh chụp khoảnh khắc lắp đặt thành công bánh xe công tác 72 tấn của tổ máy số 1 Thủy điện Trị An năm 1986, vừa lột tả mối quan hệ hợp tác kinh tế, tương trợ Liên Xô (cũ) và Việt Nam, vừa thể hiện cột mốc quan trọng của một công trình tầm vóc, góp phần giải quyết bài toán an ninh năng lượng cho đất nước khi đó.
Gây xúc động không kém là bức ảnh đen trắng được chụp ngày 22-9-1988 tại Bệnh viện Từ Dũ, khoảng 2 tuần trước ca đại phẫu tách song sinh Việt - Đức. Giai đoạn này, GS-TS-BS Trần Đông A, với vai trò là phẫu thuật viên chính, thường xuyên sang bệnh viện làm quen, vui chơi với anh em Việt - Đức. Ngày 4-10-1988, sau một năm chuẩn bị kỹ lưỡng với đội ngũ gần 70 bác sĩ hàng đầu của cả nước, ca tách song sinh Việt - Đức thành công, đánh dấu sự đột phá của ngành y tế Việt Nam.

Bức ảnh gây xúc động được chụp ngày 22-9-1988 tại Bệnh viện Từ Dũ, GS-TS-BS Trần Đông A làm quen, vui chơi với anh em Việt - Đức trước cuộc đại phẫu tách cặp song sinh dính liền
Những bức ảnh lịch sử tự khắc mang trong mình giá trị to lớn, không chỉ ghi lại những khoảnh khắc quan trọng mà còn lưu giữ những câu chuyện, cảm xúc và sự biến chuyển của thời đại. Mỗi tác phẩm là chứng nhân của từng sự kiện trọng đại, phản ánh chân thực những gian khó, niềm vui, hy vọng của con người, cuộc sống trong 50 năm qua trên mọi nẻo đường dải đất hình chữ S.
Đó còn là những thông điệp sống động, làm phong phú thêm hiểu biết về quá khứ, giúp chúng ta kết nối với lịch sử và nhận thức sâu sắc hơn về những giá trị đang gìn giữ. Nhờ đó, thế hệ mai sau có thể cảm nhận rõ ràng hơn về sự thay đổi, sự tiến bộ và những cuộc đấu tranh đầy cam go của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử.
Vì thế, ban tổ chức luôn trân quý khi bên cạnh những tác phẩm có tuổi đời trẻ trung, là những bức ảnh giá trị, kể những câu chuyện của thời cuộc. Rồi đây, những bức ảnh mang dấu ấn thời gian, những câu chuyện được kể qua ống kính sẽ trở thành tài sản vô giá mà nghệ thuật nhiếp ảnh lưu giữ cho lịch sử, góp phần bảo tồn và truyền tải những câu chuyện hậu bối.