Cuộc thanh tra đầu xuân

Ngày 25-1-1948, khi chỉ còn hơn mười ngày nữa là đến Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 119/SL thành lập Cục Tổng thanh tra Quân đội quốc gia Việt Nam (nay là Thanh tra Bộ Quốc phòng).

Dù đã là những ngày giáp Tết, bộn bề công việc nhưng Thiếu tướng-Tổng thanh tra quân đội Lê Thiết Hùng đã chỉ đạo các lực lượng khẩn trương vừa xây dựng tổ chức cơ quan vừa chuẩn bị kế hoạch tiến hành các cuộc hoạt động theo phân công nhiệm vụ.

Đợt nghỉ Tết Nguyên đán vừa kết thúc, vẫn trong những ngày đầu xuân, Bộ Tổng chỉ huy đã có mệnh lệnh cử phái đoàn đi thanh tra Khu 4 do Thiếu tướng Trần Tử Bình, Phó tổng thanh tra Quân đội kiêm Trưởng ban kiểm tra Tổng Quân ủy làm trưởng đoàn. Mệnh lệnh của Bộ Tổng chỉ huy giao quyền cho Thiếu tướng Trần Tử Bình được thay mặt Bộ Tổng chỉ huy giải quyết mọi vấn đề trong quá trình thanh tra và ra mệnh lệnh cho các cấp quân sự, Ủy viên quân sự, Ủy ban kháng chiến. Giúp việc Thiếu tướng Trần Tử Bình có một số cán bộ của Cục Tổng Thanh tra quân đội và một số cán bộ cơ quan Bộ Tổng chỉ huy.

 Chân dung Thiếu tướng Trần Tử Bình, trưởng đoàn thanh tra quân đội đầu tiên vào kiểm tra Khu 4.

Chân dung Thiếu tướng Trần Tử Bình, trưởng đoàn thanh tra quân đội đầu tiên vào kiểm tra Khu 4.

Khu 4 là một địa bàn rất quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Một số tỉnh phía Bắc Khu 4 là vùng tự do, là hậu phương của chiến trường Bắc Bộ nên rất có thể bị máy bay địch oanh tạc, phá hoại, cần được chuẩn bị chu đáo để đối phó với cuộc tấn công Thu Đông năm 1948 của địch. Để cuộc thanh tra đạt kết quả, đoàn thanh tra đã nghe báo cáo của lãnh đạo Khu 4 và hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, kiểm tra trực tiếp một số đơn vị, khu vực trọng điểm.

Qua thanh tra tại chỗ, đoàn đã phát hiện và giúp Khu 4 cũng như các tỉnh thấy được những thiếu sót, khuyết điểm trong việc chấp hành chính sách tiêu thổ kháng chiến như: Một số đoạn đường giao thông quan trọng chưa được phá bỏ triệt để; việc tản cư, tiến hành sơ tán nhân dân và cơ quan chưa thực hiện đầy đủ. Nhiều tụ điểm di chuyển sơ tán tập trung quá đông dễ bị máy bay địch oanh tạc, nhất là ở Thanh Hóa. Do chủ quan, coi thường địch nên thiếu kế hoạch cụ thể, việc kiểm tra đôn đốc không thường xuyên.

Điểm nổi lên trong cuộc thanh tra ở Khu 4 là đã phát hiện kịp thời sự thiếu thống nhất giữa Bí thư Khu ủy và Khu trưởng nên dẫn tới việc không nghiêm túc chấp hành chỉ thị của Trung ương Đảng và Bộ Tổng chỉ huy. Biểu hiện cụ thể là việc chi viện cho Trung đoàn 101 chiến đấu ở chiến trường Trị - Thiên không kịp thời và chu đáo. Trong khi lực lượng vũ trang ở Trị - Thiên gặp khó khăn, các cơ sở kháng chiến bị sa sút, có nơi tan vỡ thì Khu 4 chỉ tập trung tổ chức đại hội tập (luyện quân), không chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động của Mặt trận Trị - Thiên, mặc dù đã có chỉ thị của Tổng Quân ủy là phải sẵn sàng đối phó với các cuộc tấn công của địch và nhất là khi Pháp tấn công lên Việt Bắc, phải có chiến đấu phối hợp ở các chiến trường.

Cuộc thanh tra Khu 4 có nhiều khó khăn, phức tạp. Đặc biệt là đối với những khuyết điểm của Bí thư Khu ủy và Khu trưởng. Đoàn thanh tra đã báo cáo Tổng Quân ủy và Bộ Tổng chỉ huy để xin ý kiến chỉ đạo của Trung ương. Sau khi nghe báo cáo của Đoàn thanh tra, Tổng Bí thư Trường Chinh đã trực tiếp vào Khu 4 để giải quyết. Sau khi hoàn thành đợt kiểm tra, Thiếu tướng Trần Tử Bình đã hoàn thành kết quả báo cáo lên trên. Theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Khu trưởng Khu 4 được điều về Trung ương. Một số cán bộ cao cấp như: Hoàng Minh Thảo, Trần Quang Khánh, Lê Chưởng... đã được Trung ương điều động vào tăng cường cho Khu 4. Cơ quan lãnh đạo, chỉ huy Khu 4 được chấn chỉnh, kiện toàn và dần ổn định.

Cuộc thanh tra đầu xuân của Cục Tổng thanh tra Quân đội đạt được kết quả trên là nhờ sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời có sự đóng góp của Đoàn thanh tra quân đội mà trực tiếp là Thiếu tướng Trần Tử Bình chịu trách nhiệm làm trưởng đoàn. Sự kiện cuộc thanh tra đầu xuân hy hữu trên đã được Ban Nghiên cứu khoa học và Tổng kết lịch sử chúng tôi nghiên cứu, tổng kết đưa vào trong cuốn lịch sử ngành thanh tra Quân đội, trở thành bài học quý cho những người làm công việc đặc biệt này.

Đại tá TRỊNH VINH PHA, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu khoa học và Tổng kết lịch sử Thanh tra Bộ Quốc phòng.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/cuoc-thanh-tra-dau-xuan-812367
Zalo