Cuộc sống ở khu tập thể quân nhân
Hằng ngày, hết giờ làm việc buổi chiều, Đại tá Lã Ngọc Tuân, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn Công binh 83 (Quân chủng Hải quân) thường dành thời gian dạo một vòng quanh khu tập thể quân nhân của đơn vị. Chứng kiến các cháu nhỏ tung tăng nô đùa ngoài sân, nghe tiếng bi bô học bài của con trẻ trong các gia đình của đồng chí, đồng đội, anh Tuân thấy thật ấm lòng.
Ánh nắng chiều khuất dần sau mỏm núi con Rùa trên bán đảo Sơn Trà (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), cũng là lúc các gia đình trong khu tập thể quân nhân Lữ đoàn Công binh 83 chuẩn bị bữa cơm tối. Tiếng trò chuyện vui vẻ của các cặp vợ chồng hòa cùng tiếng cười đùa giòn tan của trẻ nhỏ, khiến tổ ấm của những người lính công binh công trình càng thêm ấm cúng. Chứng kiến không gian bình yên, hạnh phúc ấy, Đại tá Lã Ngọc Tuân nở nụ cười hiền, rồi khoe với chúng tôi về khu tập thể quân nhân gồm hai dãy nhà, với gần 40 gia đình sinh sống.
Đây vốn là khu doanh trại cũ, được đơn vị trích nguồn quỹ vốn cải tạo, nâng cấp thành các phòng ở cho gia đình quân nhân. Mỗi căn hộ có diện tích khoảng 50m2, gồm phòng khách, phòng bếp và phòng ngủ. Để bảo đảm tính công bằng, khách quan trong xét duyệt, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát chặt chẽ thành phần được mượn nhà, trong đó ưu tiên những cán bộ, QNCN hoàn cảnh khó khăn, quê ở xa, chưa có nhà ở.
Ghé thăm gia đình Thượng úy Ngô Văn Dương, Trợ lý Tổ chức, Phòng Chính trị, Lữ đoàn Công binh 83, chúng tôi thấy vợ chồng anh người nhặt rau, vo gạo, người làm cá chuẩn bị bữa cơm tối... Hạnh phúc hiển hiện trên gương mặt cả hai. Anh Dương quê ở xã Quảng Nham (Quảng Xương, Thanh Hóa). Vợ anh là chị Nguyễn Thị Thùy Phương, quê ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam), hiện là giáo viên Trường Tiểu học Tiểu La, phường An Hải Bắc (Sơn Trà, Đà Nẵng). Trong căn phòng ấm cúng, chị Phương thổ lộ: “Từ ngày được đơn vị tạo điều kiện vào ở khu tập thể quân nhân, chúng tôi tiết kiệm được một khoản đáng kể từ việc thuê nhà, chi phí sinh hoạt, đi lại. Nhờ đó, việc chăm sóc con cái, học tập, công tác của vợ chồng cũng thuận lợi hơn”.
Bước vào tổ ấm của Thượng úy QNCN Nguyễn Đình Hùng, nhân viên lái xe Đại đội 6, Tiểu đoàn 886, Lữ đoàn Công binh 83, chúng tôi gặp chị Vũ Thị Duyên, vợ anh Hùng, đang dạy cô con gái đầu lòng học bài. “Chồng em đi công tác ngoài đảo Thổ Chu (Kiên Giang) hơn 4 tháng nay chưa về thăm nhà. Đơn vị đang nhiều việc, hơn nữa mỗi lần về thăm vợ con, chi phí đi lại bằng cả tháng lương nên anh ấy cũng hạn chế đi lại”, chị Duyên cho biết.
Chị Duyên quê ở xã Yên Trị (Ý Yên, Nam Định), hiện là giáo viên Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, phường Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng). Còn Thượng úy QNCN Nguyễn Đình Hùng quê ở xã Thanh Thịnh (Thanh Chương, Nghệ An). Sau khi xây dựng gia đình, chị Duyên quyết định theo chồng vào Đà Nẵng lập nghiệp. Về chung một nhà ngót 7 năm nay, nhưng thời gian anh chị được gần nhau chỉ tính bằng ngày, bởi anh Hùng thường xuyên phải bám sát nhiệm vụ đơn vị, cách nhà hàng nghìn cây số. Khó khăn, vất vả, thiệt thòi là thế, nhưng trên gương mặt cô giáo tiểu học Vũ Thị Duyên không gợn chút buồn phiền. Dường như chị đã quen với hoàn cảnh làm vợ bộ đội, quen với bao công to việc lớn của hai bên gia đình tự mình phải đứng ra gánh vác.
Nói về ngôi nhà chung của những người lính công binh, chị Vũ Thị Duyên tâm sự. “Trong khu tập thể này, các gia đình bộ đội coi nhau như anh em ruột thịt, sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau khi khó khăn, hoạn nạn. Đặc biệt, lãnh đạo, chỉ huy Lữ đoàn Công binh 83 thường xuyên động viên, chia sẻ, hỗ trợ kịp thời các gia đình có chồng công tác ngoài đảo xa, thực hiện nhiệm vụ dài ngày ở địa bàn khó khăn, phức tạp, ít có điều kiện về thăm nhà. Đơn vị còn cử quân y đến thăm khám, tư vấn sức khỏe cho chị em khi ốm đau, bệnh tật... Sự quan tâm, chăm lo thiết thực ấy khiến chúng tôi thực sự xúc động và biết ơn, sẵn sàng gánh vác công việc gia đình để chồng yên tâm công tác”.
Đội ngũ cán bộ, QNCN công tác ở đơn vị đa phần tuổi đời còn trẻ, quê ở xa. Một số đồng chí hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, phần lớn chưa có điều kiện mua đất, làm nhà. Do đó, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn Công binh 83 tạo điều kiện cao nhất về chỗ ở trong khu tập thể giúp các gia đình quân nhân ổn định cuộc sống, yên tâm công tác, gắn bó với đơn vị. Ngoài ra, theo Trung tá Vũ Đình Vinh, Phó chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn, cấp ủy, chỉ huy đơn vị cũng thường xuyên quan tâm, hỗ trợ kịp thời, tạo điều kiện tối đa cho các đồng chí cán bộ, QNCN có nhu cầu khám, chữa bệnh; các trường hợp ốm đau, nằm viện dài ngày... Dịp lễ, tết, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị đều có quà tặng các gia đình quân nhân; tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ vợ con cán bộ, QNCN thực hiện nhiệm vụ ngoài biển, đảo.