Cuộc 'khủng hoảng tài chính ngầm' đã gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đô la trên thế giới

Theo CNN, một báo cáo mới đây đã phát hiện rằng tổng thiệt hại kinh tế do biến đổi khí hậu và thiên tai đã tăng lên hàng nghìn tỷ đô la.

Tổn thất do bão Helene và Milton

Những cơn bão khủng khiếp như Helen và Milton đã gây ra thiệt hại rất lớn cho người dân Mỹ. Theo các chuyên gia, hai cơn bão này có thể được xếp ngang hàng với những cơn bão khét tiếng từng gây thiệt hại nghiêm trọng cho nước Mỹ như Katrina, Sandy và Harvey.

Ước tính 95% mức thiệt hại do bão Helen gây ra không được bảo hiểm, khiến nhiều nạn nhân của trận bão rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính.

Trong bức ảnh chụp từ trên không, một chiếc xe đã chạy qua con phố ngập sau cơn bão Milton ở Siesta Key, bang Florida trong tháng 10/2024. Ảnh: Chandan Khanna/AFP/Getty Images

Trong bức ảnh chụp từ trên không, một chiếc xe đã chạy qua con phố ngập sau cơn bão Milton ở Siesta Key, bang Florida trong tháng 10/2024. Ảnh: Chandan Khanna/AFP/Getty Images

Theo thống kê của CoreLogic, vào tháng trước, hai cơn bão lớn - Helene và Milton - đã gây ra tổng thiệt hại về tài sản từ 51,5 tỷ đến 81,5 tỷ đô la, chủ yếu là ở các tiểu bang Đông Nam Mỹ.

Trong 45 năm qua, Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) đã ghi nhận 396 thảm họa thời tiết gây thiệt hại từ 1 tỷ USD, 63 trong số này là bão hoặc bão nhiệt đới.

Bão quái vật Milton và Helene cho thấy rõ rằng, biến đổi khí hậu nhanh chóng là mối đe dọa có thể gây ra thiệt hại lớn hơn nhiều cho cuộc sống của người dân Mỹ so với các tác nhân truyền thống như khủng bố.

Lầu Năm Góc đã nói rõ ràng rằng, biến đổi khí hậu là vấn đề, và "nâng cao" danh sách các mối đe dọa mà Mỹ phải đối mặt. Đây là con số thiệt hại lớn, nhưng chỉ là một phần nhỏ trong số những gì biến đổi khí hậu đã gây ra cho con người trên khắp thế giới.

Trong bối cảnh Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc bắt đầu tại Azerbaijan vào tuần này, Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) đã báo cáo tổng chi phí thiệt hại do các sự kiện thời tiết khắc nghiệt liên quan đến khí hậu trên toàn cầu là khoảng 2 nghìn tỷ đô la từ năm 2014 đến năm 2023 – tương đương với thiệt hại kinh tế của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008.

ICC - tổ chức kinh doanh đại diện lớn nhất và tiêu biểu nhất thế giới - cũng thúc đẩy các chương trình thương mại và đầu tư quốc tế. Trong báo cáo được công bố vào ngày 10/11, tổ chức này bày tỏ mong muốn chính phủ và doanh nghiệp sẽ đẩy nhanh các chính sách nhằm giảm phát thải khí nhà kính, góp phần trực tiếp vào biến đổi khí hậu toàn cầu.

"Cũng giống như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã được các nhà lãnh đạo thế giới phản ứng nhanh chóng và đồng bộ, chúng ta cũng cần chính phủ các nước hiểu rằng tác động kinh tế do biến đổi khí hậu đòi hỏi phải có phản ứng nhanh chóng và quyết đoán tương tự", ông John W.H. Denton AO, Tổng thư ký của ICC, cho biết trong một tuyên bố.

4.000 sự kiện thời tiết khắc nghiệt trên 6 châu lục trong thập kỷ qua

Báo cáo của ICC được công bố chưa đầy một tuần sau khi ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ. Tổng thống đắc cử Donald Trump hứa sẽ bãi bỏ các quy định về khí hậu trong nước, bao gồm cả việc bãi bỏ mức hạn chế ô nhiễm đối với ống xả và nhà máy điện. Trong nhiệm kỳ trước, ông Trump cũng đã quyết định đưa Mỹ ra khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris, với lý do rằng thỏa thuận gây ra gánh nặng kinh tế không công bằng cho người dân Mỹ.

Báo cáo của ICC đã ghi nhận khoảng 4.000 sự kiện thời tiết khắc nghiệt trên 6 châu lục trong thập kỷ qua, gây thiệt hại nặng nề từ việc phá hủy nhà cửa, doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng đến năng suất lao động của con người.

Báo cáo phát hiện có khoảng 1,6 tỷ người bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết này và cho biết số người thiệt mạng sẽ chỉ tăng lên theo thời gian. Theo ICC, tổng số thảm họa liên quan đến khí hậu tăng từ giai đoạn 1980–1999 đến giai đoạn 2000–2019 đã tăng 83%.

Trong năm 2022 và 2023, thiệt hại kinh tế lên tới 451 tỷ đô la, tăng 19% so với mức trung bình hàng năm của cách đây 8 năm.

"Rõ ràng, dữ liệu từ thập kỷ qua đã chứng minh biến đổi khí hậu không phải là vấn đề của tương lai: tình trạng mất năng suất do các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đang được nền kinh tế thực sự cảm nhận ngay tại đây và ngay lúc này", ông Denton nhấn mạnh.

Vào tuần trước, dữ liệu do Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của Châu Âu cũng công bố cũng xác nhận thế giới có khả năng sẽ vượt qua một cột mốc ảm đạm trong năm nay: năm 2024 có khả năng là năm nóng nhất được ghi nhận.

"Trái Đất gần như chắc chắn sẽ nóng nhất từ trước đến nay. Và lần đầu tiên, năm 2024, nhiệt độ toàn cầu cao hơn 1,5 độ C (2,7 độ F) so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp. Tôi nghĩ rằng bản chất không ngừng của sự nóng lên này là điều đáng lo ngại", ông Carlo Buontempo, Giám đốc của Copernicus cho biết.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/cuoc-khung-hoang-tai-chinh-ngam-da-gay-thiet-hai-hang-nghin-ty-do-la-tren-the-gioi-20241111112239052.htm
Zalo