Cuộc hành quân tri ân đồng đội

Hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 (1975 - 2025), một ngày giữa tháng 3/2025, tại TP. Vinh, tỉnh Nghệ An, hơn 200 cựu chiến binh (CCB) đại diện cho hàng nghìn CCB các thế hệ của Đại đoàn Đồng bằng - Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 (nay là Quân đoàn 34) bắt đầu xuất phát, hành quân về chiến trường xưa tri ân đồng đội. Dù đa phần tuổi đã cao, sức khỏe không còn tốt song các CCB vẫn hăng hái lên đường, đặt chân đến các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên rồi tiến về TP. Hồ Chí Minh, tái hiện lại những bước chân hào hùng ra trận năm xưa. Với họ, đây là hành trình mang nhiều ý nghĩa.

Các tướng lĩnh Sư đoàn 320 thắp nhang tri ân đồng đội - Ảnh: Đ.V

Các tướng lĩnh Sư đoàn 320 thắp nhang tri ân đồng đội - Ảnh: Đ.V

Hồi ức những trận đánh năm xưa

Trên hành trình tiến về miền Nam, Ban Liên lạc Đại đoàn Đồng bằng - Sư đoàn 320 đã tổ chức dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 để tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ. Trong một buổi sáng se lạnh, những nén nhang thơm của các CCB đã làm không gian thiêng liêng thêm ấm áp nghĩa tình đồng đội. Chỉ vài giờ lưu lại ở nghĩa trang, các tướng lĩnh và CCB đã kể về những trận đánh năm xưa mà họ tham gia trên chiến trường Quảng Trị.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Đác, nguyên Chính ủy Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320) và Phó Chính ủy Quân khu thủ đô xúc động thắp những nén nhang thơm lên đài tưởng niệm trung tâm Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 và thực hiện nghi thức chào đồng chí, đồng đội trong không khí trang nghiêm. Tranh thủ phút nghỉ ngơi dưới gốc cây xanh, thiếu tướng Đác bồi hồi kể về những trận đánh oai hùng năm xưa.

Đó là trận đánh quận lỵ Cam Lộ vào đêm 30, rạng sáng mồng 1 tết Mậu Thân 1968. Khi ấy, phía ta chuẩn bị chiến dịch rất kỹ, nhưng vẫn còn có những sai sót nên chưa thực hiện được mục tiêu, thậm chí bị tổn thất nhiều. Tiếp đó là trận đánh ở đồi 52, cầu Thiện Xuân đã tiêu diệt nhiều lính Mỹ - ngụy, hoàn thành được nhiệm vụ chặn quân địch chi viện lên Khe Sanh.

“Bên cạnh đó, đơn vị có những trận đánh trên bãi cát tại Cửa Việt, Cửa Tùng, Lại An... với xe tăng, thiết giáp và pháo dội vào từ Hạm đội 7 ngoài biển của Mỹ. Ở phía Dốc Miếu, Quán Ngang, địch bắn pháo tiếp ứng đắc lực cho khu vực diễn ra các trận đánh. Dù vậy, các trận đánh ta đều giành được thắng lợi. Trong đó, trận đánh Cửa Việt quân ta đã tiêu diệt được rất nhiều xe tăng và quân địch. Rồi trận đánh ở ngã tư Sòng cũng ác liệt không kém”, Thiếu tướng Đác nhớ lại.

Đoàn các tướng lĩnh, CCB Sư đoàn 320 đến Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 tri ân đồng đội - Ảnh: Đ.V

Đoàn các tướng lĩnh, CCB Sư đoàn 320 đến Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 tri ân đồng đội - Ảnh: Đ.V

Thiếu tướng Nguyễn Văn Đác (phía trước) thỉnh chuông tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 - Ảnh: Đ.V

Thiếu tướng Nguyễn Văn Đác (phía trước) thỉnh chuông tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 - Ảnh: Đ.V

Theo Thiếu tướng Đác, những trận đánh ở mặt trận Quảng Trị cũng chính là sự thử thách, tôi luyện cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 320.

“Chúng tôi cho rằng, Quảng Trị là mặt trận ác liệt nhất trong phạm vi chiến trường toàn miền Nam, kể cả Tây Nguyên - những nơi chúng tôi đã đi qua thời bấy giờ. Chính vì vậy, khi đã kinh qua ở chiến trường Quảng Trị, Sư đoàn 320 không e ngại bất cứ chiến trường nào. Chúng tôi vào Tây Nguyên, chiến đấu trận nào cũng thắng lợi”, Thiếu tướng Đác kể.

Về thời gian chiến đấu ở Quảng Trị, năm 1968 khi tham gia chiến dịch Mậu Thân, Sư đoàn 320 có nhiệm vụ tiêu diệt quân địch trên Đường 9 và các đồn bốt từ Cửa Việt lên đến Đầu Mầu (huyện Cam Lộ), không cho quân Mỹ cơ động chi viện bằng đường bộ lên chiến trường Khe Sanh. Từ đó quân ta vây tiêu diệt quân Mỹ - ngụy ở Khe Sanh. Khe Sanh bấy giờ được ví như một “Điện Biên Phủ” thời đánh Mỹ”. Bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh, Sư đoàn 320 có nhiệm vụ cắt đường số 7 và đường 14 tiêu diệt quân địch từ Pleiku xuống, không cho chúng cứu viện Buôn Mê Thuột. Thời điểm đó cách đây tròn 50 năm, theo Thiếu tướng Đác thì Sư đoàn 320 đang đánh địch ở Cheo Reo. Địch mắc sai lầm không cứu vãn được Buôn Mê Thuột nên quyết định rút khỏi Tây Nguyên và chạy về đúng vào con đường mà quân Sư đoàn 320 đang phục kích.

Sau chiến thắng quan trọng ở Phú Yên - đường số 7 trong chiến dịch Tây Nguyên, Sư đoàn 320 tiếp tục tiến về Dầu Tiếng, Bến Cát, Củ Chi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh với Quân đoàn 3. Về kỷ niệm lớn nhất trong chiến dịch Hồ Chí Minh, chúng tôi được lệnh đánh vào thành phố nhưng phải giữ được thành phố, vì lúc ấy địch đã ở trong thế quá suy yếu. Do đó yêu cầu tất cả các loại súng lớn đều không được bắn để tránh gây phá vỡ thành phố. Đồng thời, vào thời điểm đó người dân ở thành phố do bị địch tuyên truyền nên rất sợ quân giải phóng. Nhưng sau đó qua tiếp xúc, nhận thấy cách bộ đội ăn ở, đi lại, ứng xử hiền hòa, có văn hóa nên dần dần đã thuyết phục được họ”, Thiếu tướng Đác chia sẻ.

Hai nấm mồ tập thể ở nghĩa trang Đường 9

Tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 hiện có hai nấm mồ tập thể liệt sĩ Trung đoàn 64 và Trung đoàn 48, Sư đoàn 320 được chăm sóc, nhang khói ấm áp. Ghé đến thắp nhang tưởng nhớ đồng chí, đồng đội tại đây, các CCB ai cũng rưng rưng xúc động.

Đại tá Nguyễn Thế Tân, nguyên Sư đoàn trưởng, Trưởng ban liên lạc Sư đoàn 320 kể về sự hình thành của hai nấm mồ chung này. Theo đó, vào năm 2005, ngôi mộ liệt sĩ Trung đoàn 48 đã được tiếp nhận các hài cốt từ đội quy tập hài cốt liệt sĩ thuộc Tỉnh đội Quảng Trị tìm ra. Ngôi mộ này có 108 sọ, 6 chiếc bi đông và 120 chiếc dép. Những liệt sĩ này hy sinh trong trận đánh địch vào mồng 1 tết Mậu Thân 1968. Còn ngôi mộ tập thể Trung đoàn 64 có 103 liệt sĩ được quy tập ở cao điểm 241. Đại tá Tân cho biết rất cảm kích với tấm lòng của chính quyền, Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã kịp thời xây dựng trang trọng 2 ngôi mộ tập thể này để an táng, chăm sóc nhang khói chu đáo cho các liệt sĩ Trung đoàn 48 và Trung đoàn 64.

Sư đoàn 320 được thành lập ngày 16/1/1951 tại Đình Mống Lá, xã Yên Quang, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, cùng với các đại đoàn chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tên là Sư đoàn 320 nhưng phiên hiệu là Đại đoàn Đồng bằng vì Sư đoàn 320 thời kháng chiến chống Pháp, sau khi thành lập chủ yếu đánh địch, diệt đồn, phá tề, giải phóng đất đai ở đồng bằng Bắc Bộ tại các tỉnh như Sơn Tây, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, để ngăn chặn sự tiếp viện của quân Pháp lên chiến trường Điện Biên Phủ. Vì vậy, Bác Hồ đã tặng Sư đoàn 320 danh hiệu là Đại đoàn Đồng bằng.

Tham gia chiến dịch bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc cũng như làm nhiệm vụ quốc tế, giúp Nhân dân Campuchia thoát nạn diệt chủng Pôn Pốt - Yêng Xari, Sư đoàn 320 đạt được nhiều thành tích nổi bật. Đơn vị vinh dự được Đảng, Nhà nước hai lần phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 2 Huân chương Hồ Chí Minh; 11 Huân chương Quân công và nhiều phần thưởng cao quý khác. Nhà nước Campuchia tặng thưởng Huân chương Ăng Co cho Sư đoàn 320. Năm 2021, Sư đoàn được Nhà nước tặng Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Ba.

“Sư đoàn của chúng tôi có 3 trung đoàn (gồm Trung đoàn 64, Trung đoàn 48 và Trung đoàn 52) đều tham gia ở chiến trường Quảng Trị vào những năm 1968, 1969. Nguyện vọng của chúng tôi là sớm tìm được liệt sĩ và xây dựng ngôi mộ chung cho liệt sĩ Trung đoàn 52 tại đây, để liệt sĩ của 3 trung đoàn về đầy đủ với nhau.

Dù tìm được 1 liệt sĩ chúng tôi cũng quyết tâm xây khu mộ để tri ân. Đó là điều tôi luôn trăn trở, mong muốn nhất”, Đại tá Tân xúc động nói. Mỗi khi đi qua địa bàn Quảng Trị, dù thời gian ít hay nhiều, Đại tá Tân và nhiều CCB Sư đoàn 320 đều ghé đến thắp nhang tại các ngôi mộ chung ở Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9. “Khi thắp được nén nhang cho đồng đội, chúng tôi cảm thấy rất thoải mái, an lòng. Đó cũng là sự tưởng nhớ, tri ân dành cho các anh đã chiến đấu, hy sinh để có được hòa bình hôm nay”, Đại tá Tân nói thêm.

Đến từ tỉnh Cao Bằng, CCB Mông Văn Ơn, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320, kính cẩn thắp nhang tưởng nhớ đồng chí, đồng đội. Ông Ơn kể, trong chiến tranh ông cùng Sư đoàn trực tiếp chiến đấu hầu hết các trận đánh ở chiến trường Tây Nguyên. Sau khi chiến dịch Hồ Chí Minh thắng lợi, ông và đơn vị rời ra Tuy Hòa, Phú Yên xây dựng doanh trại dưỡng quân, sau đó được điều vào mặt trận Tây Nam. Lúc đang ở Campuchia thì đơn vị ông được lệnh điều ra mặt trận biên giới phía Bắc...

“Chiến trường ác liệt nhưng may mắn tôi vẫn còn sống đến giờ. Chiến tranh kết thúc, tôi về công tác ở Tỉnh đội Cao Lạng và về hưu năm 1992. Hằng năm tôi và 7 CCB khác thường tổ chức đi vào Tây Nguyên thắp nhang viếng đồng đội. Lần này đến Quảng Trị, biết có nhiều đồng đội, đồng chí trung đoàn của mình an nghỉ tại đây, tôi vô cùng xúc động. Mong các đồng chí an nghỉ nơi vĩnh hằng”, ông Ơn bày tỏ.

Đức Việt

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/cuoc-hanh-quan-tri-an-dong-doi-192576.htm
Zalo