Cuộc đua giành 'miếng bánh' cơm trưa ở khu đắt đỏ bậc nhất TP.HCM

Để thu hút khách hàng trong bối cảnh cạnh tranh, hàng quán trong khu đô thị Sala chọn tập trung vào món ăn đặc sắc, tung chương trình khuyến mãi hoặc dùng mô hình kết hợp.

Từ khi chuyển sang làm việc tại văn phòng ở khu đô thị Sala (TP Thủ Đức) vào năm 2022, Tuyết Vy (27 tuổi) chỉ có vài lần ghé các hàng quán trong khu vực để ăn cơm trưa. "Từ đầu năm đến nay, tôi chỉ ăn ở quán 1-2 lần, vì giá cả đồ ăn ở đây rất đắt".

Nếu ăn ở hàng quán, Vy cho biết cô phải tiêu ít nhất 60.000 đồng/phần ăn. Để tiết kiệm chi phí ăn uống, Vy chọn dậy sớm, tự nấu cơm mang đi làm. Vài tháng trở lại đây, cô và đồng nghiệp thường rủ nhau đặt cơm trưa từ các quán ăn bên ngoài Sala.

Trong buổi sáng, quán cơm này sẽ gửi menu cho từng thành viên trong nhóm của Vy để "chốt đơn" trước 10h. "Chỗ chúng tôi thường đặt cơm trưa có giá 35.000 đồng/phần, nếu đặt một phần cũng được freeship. Rẻ hơn nhiều so với ăn ở hàng quán, đôi khi còn rẻ hơn cả tự nấu ăn".

Tuy nhiên, theo Vy, đồ ăn ở những nơi này chỉ ở mức tạm chấp nhận được. Vì vận chuyện từ xa tới nên món ăn không còn nóng hổi, hấp dẫn. "Với mức giá như vậy, ở khu vực này cũng không thể kỳ vọng đồ ăn chất lượng hơn", Vy nói.

 Vy đặt ship đồ ăn từ xa để tiết kiệm tiền nhưng chất lượng chỉ ở mức tạm chấp nhận, không còn nóng hổi.

Vy đặt ship đồ ăn từ xa để tiết kiệm tiền nhưng chất lượng chỉ ở mức tạm chấp nhận, không còn nóng hổi.

Phải cân bằng giữa tiền bạc, thời gian với đảm bảo chất lượng đồ ăn trưa cũng là "bài toán" mà nhiều dân văn phòng tại khu đô thị Sala phải tìm cách giải.

Trái ngược với Tuyết Vy, nhiều người khác chấp nhận chi nhiều tiền hơn cho một bữa trưa tại quán ăn gần công ty để được thưởng thức món ăn ngon, nóng hổi và phục vụ nhanh chóng.

Theo khảo sát của Tri Thức - Znews, sau đại dịch, khi nhân viên đồng loạt trở lại văn phòng, sự cạnh tranh để giành "miếng bánh bữa cơm trưa" ở khu đô thị Sala đã tăng mạnh.

Nhiều quán bar, quán rượu, tiệm cà phê hay trà sữa đều bán thêm suất ăn trưa để đáp ứng nhu cầu này. Để thu hút khách hàng văn phòng, nhiều quán chọn tập trung vào món ăn đặc sắc, trong khi nhiều quán tung chương trình khuyến mãi hoặc mô hình kết hợp.

Khách than giá cao nhưng quán nói không thể giảm

Nếu cách đây 4-5 năm, dân văn phòng Sala phải "đỏ mắt" chọn nơi ăn trưa hoặc đặt ship từ xa vì số quán chỉ đếm trên đầu ngón tay thì hiện tại trên trục đường Nguyễn Cơ Thạch đã có khoảng 20 địa điểm bán đồ ăn.

Mở cửa từ tháng 3/2022, Half n Half - mô hình quán cà phê kết hợp bán đồ ăn - là một trong những cửa hàng thu hút đông dân văn phòng tại Sala.

Half n Half có combo mua đồ ăn được giảm giá nước hoặc tặng nước miễn phí để thu hút khách.

Half n Half có combo mua đồ ăn được giảm giá nước hoặc tặng nước miễn phí để thu hút khách.

Gia Bảo, quán lý quán, cho biết do mặt bằng đắt đỏ, giá bán của quán tại chi nhánh Sala có cao hơn tại chi nhánh ở quận 9, nhưng vẫn là mức vừa phải trong khu đô thị này. Để tối ưu chi phí, quản lý này cũng đảm nhận việc tự đi chợ thay vì thuê người để tiết kiệm hơn.

"Là người mua nguyên liệu, tôi nắm được việc giá cả đầu vào đã tăng nhiều so với hơn hai năm trước. Bởi vậy, giảm giá bán là rất khó. Tôi biết có một số quán trong khu vực chọn nhập món ăn từ bếp bên ngoài về bán để giảm chi phí, nhưng như vậy rất khó quản lý chất lượng đồ ăn", cô chia sẻ.

Hiện tại, Half n Half có giá đồ uống dao động 35.000-89.000 đồng, đồ ăn là 59.000-79.000 đồng.

Gia Bảo cho biết lợi thế cạnh tranh của cửa hàng nằm ở sự đa dạng lựa chọn và các combo khuyến mãi.

"Ở đây có cả nước và đồ ăn, khách hàng có nhiều lựa chọn. Chúng tôi cũng kết hợp các combo khuyến mại như gọi đồ ăn sẽ được mua nước với giá rẻ hơn, thuận tiện để khách dùng cả hai dịch vụ", Gia Bảo nói.

Khánh Ngân, nhân viên quán Cơm niêu Thiên Lý trên đường Nguyễn Cơ Thạch - chi nhánh có tới 80% khách là dân văn phòng trong khu Sala - cũng đồng ý rằng quán có giá bán khá cao nên khó tiếp cận với khách đi một mình khi phần lớn món trong menu có giá trên 70.000 đồng.

Tuy nhiên, quán đặc biệt thu hút các nhóm dân văn phòng bởi khi đi nhiều người, họ có thể gọi nhiều món với chi phí chia đều sẽ tiết kiệm hơn.

"Đây cũng là điểm mạnh của quán khi phục vụ các món như một mâm cơm gia đình, rất phù hợp với tệp khách hàng đi theo nhóm. Tuy nhiên, khách đi một mình sẽ có hạn chế vì mức giá khá cao so với trung bình", Ngân chia sẻ.

Cả đại diện Half n Half và Cơm niêu Thiên Lý đều đồng ý rằng việc hạ giá bán là rất khó nếu muốn giữ được chất lượng món ăn như hiện tại.

“Tôi biết có quán trong khu này nhập suất ăn bên ngoài về bán để tiết kiệm chi phí đầu bếp nhưng như vậy cũng rất khó kiểm soát chất lượng. Khách văn phòng ở đây vừa dễ nhưng cũng rất kỹ tính. Nếu đồ ăn và chất lượng phục vụ không tốt, quán chúng tôi sẽ mất khách”, Gia Bảo nói.

Chạy đua phục vụ trong một tiếng ăn trưa

Được ăn ngon và phục vụ nhanh chóng để tiết kiệm thời gian cầu chung của khách văn phòng giờ trưa. Bởi vậy, các quán đều "chạy đua" để đáp ứng điều này để không mất khách vào tay đối thủ.

12h trưa, Lê Châu (27 tuổi, nhân viên văn phòng) và đồng nghiệp tới ăn tại Half n Half. Cả thời gian gọi món và chờ đồ ăn ra chỉ mất 5-10 phút.

 Nhiều nhân viên văn phòng chọn đi ăn ở các quán gần công ty để tiết kiệm thời gian nghỉ trưa.

Nhiều nhân viên văn phòng chọn đi ăn ở các quán gần công ty để tiết kiệm thời gian nghỉ trưa.

Châu kể trước đây cô thường nấu cơm mang đi làm. Tuy nhiên, từ ngày chuyển chỗ ở, nấu nướng bất tiện hơn nên cô chuyển sang ăn ngoài. Những hôm trời mưa hoặc quá nắng, cô sẽ ăn trong siêu thị nằm trong tòa văn phòng. Hôm nào trời mát mẻ hơn, cô cùng vài đồng nghiệp đi bộ khoảng 500 m đến quán cơm gần công ty.

"Ăn trong siêu thị thì rẻ nhưng ăn nhiều dễ ngán. Còn ăn ở bên ngoài, đồ ăn ngon hơn nhưng khá đắt, 59.000-69.000/phần ăn".

Châu ít khi đặt đồ ăn bên ngoài vì muốn xử lý bữa trưa nhanh gọn, để có thêm thời gian nghỉ ngơi trước khi trở lại làm việc lúc 13h. "Tôi chỉ có khoảng 1 tiếng nghỉ trưa nên ăn uống cũng cần tranh thủ".

Gia Bảo cho biết đặc trưng của khách văn phòng là tập trung đi ăn trong khoảng hơn một tiếng buổi trưa nên yêu cầu tốc độ nhanh để trở lại làm việc. Vì vậy, buổi trưa quán có số nhân viên gần gấp đôi buổi sáng. Gia Bảo cho biết đây cũng là khó khăn lớn nhất, đòi hỏi nhân viên phải làm nhanh và chỉn chu hơn.

Nắm bắt hành vi và tâm lý khách hàng là điều quan trọng để quán ăn này có thể phục vụ tốt hơn. Nếu khách hàng chỉ gọi đồ ăn, quán cũng sẽ tặng thêm một phần nước uống như trà tắc, chanh dây, nước ép… để họ có trải nghiệm vui vẻ và tăng tỷ lệ khách trở lại.

 Khách tập trung trong một tiếng buổi trưa và không có thời gian chờ đợi đòi hỏi các quán phải phục vụ nhanh.

Khách tập trung trong một tiếng buổi trưa và không có thời gian chờ đợi đòi hỏi các quán phải phục vụ nhanh.

Quá tải vào khung giờ trưa cũng là vấn đề mà Cơm niêu Thiên Lý gặp phải. Có công suất tối đa 130 khách, 8-9 nhân viên ca trưa và đội bếp 5 người song cũng có một số lần khách hàng không thể chờ và bỏ sang quán khác.

Khánh Ngân, nhân viên quán Cơm niêu Thiên Lý, cho biết các nhân viên và quản lý luôn ghi nhận phản ánh từ khách hàng về chất lượng món ăn cũng như thái độ phục vụ để liên tục điều chỉnh cho phù hợp.

"May mắn, những phản hồi từ khách hàng về món ăn khá tích cực, đa số khách khen món ăn ngon".

Nữ nhân viên cho biết thời gian đầu chưa có nhiều quán bán đồ ăn, nhưng hiện tại có thêm rất nhiều khi những tiệm cà phê, quán rượu, quán bar cũng mở bán cơm trưa để tận dụng nhu cầu của khách văn phòng khiến cho sự cạnh tranh tăng lên. Điều này cũng ảnh hưởng trực tiếp tới doanh số của quán.

"Trong vài tháng trở lại đây, doanh số của quán có sự sụt giảm, chưa đạt được doanh số so với trước, lượng khách giảm nhiều. Về vấn đề này, quản lý sẽ báo cáo lên công ty để có kế hoạch cho cửa hàng thực hiện nhằm thúc đẩy số khách", Khánh Ngân cho biết.

Lê Vy - Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/cuoc-dua-gianh-mieng-banh-com-trua-o-khu-dat-do-bac-nhat-tphcm-post1486933.html
Zalo