Cuộc đời xoay vần quanh một chữ 'tình' của nhạc sĩ Y Vân
Y Vân là nhạc sĩ nổi tiếng tại Việt Nam với ca khúc 'Lòng mẹ'. Nhạc của ông mang âm hưởng nhẹ nhàng, sâu lắng, thấm đẫm tình cảm. Có lẽ những ca khúc giống như cuộc đời của ông tràn ngập tình yêu thương.
Tình yêu mở lối vào âm nhạc
Nhạc sĩ Y Vân có tên khai sinh là Trần Tấn Hậu, ông được sinh ra tại Hà Nội, nhưng có quê gốc ở Thanh Hóa. Ông mồ côi cha từ tấm bé, cùng ba người em sống với mẹ trong một căn nhà lụp xụp, nhỏ bé ở ngõ chợ Khâm Thiên (Hà Nội). Cậu bé Trần Tấn Hậu là con cả, nên chứng kiến và vô cùng thương người mẹ tần tảo, vất vả nuôi bốn anh em.
Từ thuở nhỏ, ông đã có năng khiếu âm nhạc. Ông từng theo học nhạc GS Tạ Phước - Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Âm nhạc Việt Nam - nay là Nhạc viện Quốc gia Việt Nam (NVQGVN). Lớn lên, ông đi đánh đàn thuê cho các tiệm nhảy, nhà hàng để kiếm tiền giúp mẹ nuôi hai em. Sau này, ông cùng mẹ và các em vào mưu sinh ở Sài Gòn.
Phải nói rằng, cuộc đời nhạc sĩ Y Vân gắn liền với tình yêu, tình yêu gia đình, tình yêu lứa đôi, tình yêu cuộc sống. Nhờ tình yêu, cánh cửa đến với âm nhạc của ông đã được mở ra. Cụ thể, vào khoảng năm 1953, ông tình cờ bắt gặp một thiếu nữ mặc áo dài vàng trên đường. Say mê bóng dáng thướt tha, yểu điệu, ông đã ghi tạc dáng hình ấy trong tim, dù có một vài lần bắt gặp “nàng”, nhưng ông không dám buông lời tán tỉnh. Chỉ đến khi tình cờ một người bạn giới thiệu ông đến làm gia sư dạy nhạc cho một gia đình giàu có thì ông mới gặp lại người con gái ấy.
Cô gái mang cái tên rất hay Tường Vân, hai người nhanh chóng nảy sinh tình cảm. Tuy nhiên, gia đình của Tường Vân phản đối mối duyên của con gái với chàng nhạc sĩ nghèo. Họ quyết tâm đưa Tường Vân sang Pháp du học. Người thiếu nữ đành phải nghe lời gia đình, bỏ lại sau lưng trái tim tan nát của chàng trai Trần Tấn Hậu khi đó.
Đau buồn vì mối tình dang dở, chàng trai Trần Tấn Hậu đã sáng tác nên rất nhiều ca khúc hay thời bấy giờ như “Tình ta nảy giữa mùa đông”; “Đò nghèo”; “Nhạt nắng”... Ông lấy nghệ danh là Y Vân, có nghĩa là “yêu Vân” như một cách để khắc ghi mối tình si của mình thuở thiếu thời.
Sau này, nhạc sĩ Y Vân cũng không có thêm một mối tình nào nữa. Ông tập trung chủ yếu vào công việc sáng tác nhạc và đi biểu diễn ở nhiều nơi. Đến năm 26 tuổi, ông kết hôn với người vợ đầu mang tên Như Hường thông qua mai mối. Cuộc hôn nhân của ông và vợ diễn ra bình lặng, họ có 4 người con xinh đẹp, khỏe mạnh. Những năm tháng này, ông sáng tác một số ca khúc dành sự thương mến cho người vợ dịu dàng, đảm đang của mình như “Người vợ hiền”.
Cuộc hôn thứ hai của ông với người vợ Minh Lâm, bà là em họ của Như Hường. Bà đến với nhạc sĩ Y Vân và được người vợ đầu của ông chúc phúc, vun vén. Hai ông bà sống với nhau hơn 20 năm. Bà rất yêu chồng, từng chia sẻ với truyền thông như sau: “Anh rất nghiêm túc. Sống với nhau 23 năm tôi chưa thấy anh có một bóng hồng nào hết”. Bà cũng rõ ngọn ngành bút danh và “bóng hồng” trong quá khứ của chồng: “Khi đó anh 19 tuổi, cô Vân mới 16 tuổi. Mối tình của họ kéo dài được mấy năm thì chia cắt do gia đình bên kia không cho cô lấy nhạc sĩ vì sợ nghèo. Sau này, anh vào Nam, cô Vân có gửi thư nhưng vì bận, anh không trả lời, đưa tôi giữ đến tận bây giờ. Mối tình đó tôi rất tôn trọng”.
Những bài hát lay động hàng triệu trái tim
Phải nói rằng nhạc sĩ Y Vân có tâm hồn nhạy cảm, bay bổng, tràn ngập tình yêu thương. Nhạc sĩ Y Vũ (em trai của nhạc sĩ Y Vân) từng có đôi lời nhận xét về anh trai mình là một người hiền lành, nhân hậu, hết mực yêu thương gia đình, mẹ già, vợ con và các em trong nhà. Cả cuộc đời nhạc sĩ Y Vân bình lặng, dành trọn tình cảm cho người thân và nghệ thuật.
Nhạc sĩ Y Vân có rất nhiều bài hát hay, như bài “60 năm cuộc đời” với giai điệu sôi động, gấp gáp như muốn ôm trọn hết tất cả điều đẹp đẽ nhất của cuộc sống này. Cho đến nay, hầu hết người Việt Nam đều quen thuộc với lời ca “Em ơi có bao nhiêu/Sáu mươi năm cuộc đời…”. Đây là khúc ca được coi là vận vào cuộc đời của nhạc sĩ Y Vân khi ông qua đời ở tuổi 60, để lại gần 500 bài hát và niềm tiếc thương của rất nhiều khán giả.
“Ảo ảnh” là một bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Y Vân. Em trai của nhạc sĩ đã từng xác nhận, ông rất thích ca khúc “Ảo ảnh”. Đây là một tình khúc mà từ ca từ, giai điệu đến ý tứ đều rất đặc biệt. Cả ca khúc viết về tình yêu đau thương tuyệt vọng, với ca từ trong sáng, có phần lả lướt của một người trải qua mối tình u sầu, đẫm lệ. Được biết, “nàng thơ” trong bài hát này có lẽ là cô Tường Vân. Mối tình đầu đầy tiếc nuối của nhạc sĩ Y Vân.
Sau này, ông cũng chia sẻ với con trai và vợ, cô Tường Vân vẫn quyết định sống cuộc đời cô độc không kết hôn. Bản thân cô cũng viết một số bức thư cho Y Vân, nhưng khi đó ông đã có gia đình. Không muốn Tường Vân bị tổn thương, ông không gặp cô bất kể một lần nào nữa trong cuộc đời. Ông luôn mong muốn cô được hạnh phúc.
Dù không phải là người miền Nam chính gốc, nhưng nhạc sĩ Y Vân lại dành tình cảm thương mến cho mảnh đất này. Một trong những ca khúc của ông được cả khán giả trong và ngoài nước yêu thích là ca khúc “Sài Gòn đẹp lắm”. Ông từng chia sẻ, ông muốn dùng lời ca vẽ nên một Sài Gòn (TP HCM) xinh đẹp, hoa lệ, trẻ trung. Ông rất mong muốn thành phố này sẽ ngày càng phát triển, vươn mình đi lên cùng đất nước Việt Nam. “Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai/Đường xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay/Nếp sống vui tươi nối chân nhau đến nơi đây/Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi...”. Nữ ca sĩ người Singapore có tên Trương Tiểu Anh (Zhang Xiao Ying) từng hát “Sài Gòn” bằng tiếng Hoa giúp ca khúc được khán giả Singapore yêu thích một thời.
Mặc dù có rất nhiều bài hát nổi tiếng, được khán giả nhiều thế hệ nhớ đến. Nhưng ca khúc “Lòng mẹ” chính là bản nhạc thành công nhất của nhạc sĩ Y Vân. Cứ đến mỗi dịp Vu lan báo hiếu, ngày của mẹ, ca từ bài hát “Lòng mẹ” lại vang lên khiến triệu con tim thổn thức.
Bài hát “Lòng mẹ” thực chất chính là tiếng thổn thức trong trái tim của Y Vân dành cho người mẹ tần tảo, vất vả. Phần lớn những người yêu nhạc của Y Vân đều biết ông mất bố từ sớm, từ nhỏ đã sống bên người mẹ hiền. Mẹ của ông một mình vất vả chăm lo bốn đứa con nên người. Là con trai cả trong nhà, nhạc sĩ rất thấu hiểu và dành tình yêu thương, kính trọng to lớn cho mẹ của mình.
Vào cuối thập niên 1950, Y Vân là nhạc công chơi cho các nhà hàng ở Sài Gòn. Hàng đêm, mẹ ở nhà giặt quần áo ở máy nước công cộng, có lần giặt đến 2 giờ sáng thì bị cảnh sát đến nhắc nhở vì quá giờ giới nghiêm. Đến sáng, anh tôi về nhà, biết chuyện đã khóc và viết ra “Lòng mẹ”.
Người đầu tiên trình bày “Lòng mẹ” chính là nhạc sĩ Y Vân. Ông hát cho mẹ mình nghe, bà lắng nghe và rơm rớm nước mắt. Y Vân ra đi năm 1992, ở tuổi 60. Bên quan tài con trai, người mẹ nghẹn ngào nói lời tiễn biệt: “Con đi trước mẹ nhưng khi còn sống con đã viết bài “Lòng mẹ” cho mẹ thì con đã báo hiếu lớn lao rồi”. Nhạc sĩ Y Vũ tiết lộ người mẹ bình thường mà vĩ đại của anh em ông là người phụ nữ gốc Hà Đông. Bà làm thơ rất hay. Nhưng cả Y Vân, Y Vũ đều chưa từng phổ thơ của mẹ.
Nhạc sĩ Y Vân là người có tài trong lĩnh vực âm nhạc, ông không chỉ tiên phong trong công cuộc hội nhập với nhạc nhẹ, Y Vân vẫn thường nặng lòng cùng cổ nhạc. Công trình nghệ thuật “Dân ca ba miền” ông làm cùng nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông với việc phát hành băng đĩa “Continental 6”, có cả ấn bản tiếng Anh “Vietnamese traditional songs” đã gây tiếng vang lớn trên thế giới từ 1974. Sau ngày đất nước thống nhất, ông vẫn tiếp tục nghiệp nhạc ông viết nhạc phim, nhạc sân khấu. Trong nhạc phim, Y Vân lại thành công bất ngờ với một ca khúc thiếu nhi “Như bầy sơn ca” viết cho phim “Sơn ca trong thành phố” của nhà văn Nguyễn Khắc Phục: “Khi đi tung tăng với bạn bè - Khi đi trên phố với người thân…”.