Cuộc đời và sự nghiệp danh tướng Vũ Văn Dũng quê Hải Dương. Bài 1: Những chứng cứ xác thực

LTS: Báo Hải Dương khởi đăng loạt bài ''Cuộc đời và sự nghiệp danh tướng Vũ Văn Dũng quê Hải Dương'' của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Quốc Văn. Tác phẩm được trích đăng từ một bài khảo cứu trong cuốn sách ''200 năm các ông quan đầu trấn, đầu tỉnh Bắc Kỳ (1745-1945)'' của tác giả.

Nhà thờ họ Vũ Đình ở thôn Đan Giáp, xã Thanh Giang (Thanh Miện) đang lưu giữ 3 bản sao sắc phong của danh tướng Vũ Văn Dũng. Ảnh: ĐỖ QUYẾT

Nhà thờ họ Vũ Đình ở thôn Đan Giáp, xã Thanh Giang (Thanh Miện) đang lưu giữ 3 bản sao sắc phong của danh tướng Vũ Văn Dũng. Ảnh: ĐỖ QUYẾT

Theo nghiên cứu của chúng tôi, danh tướng thời Tây Sơn Vũ Văn Dũng tự Vĩnh Thành, thụy là Chiêu Viễn Vương Đại tướng quân, sinh năm 1744 tại làng Đan Giáp, tổng Mi Động, huyện Thanh Miện (nay là thôn Đan Giáp, xã Thanh Giang, huyện Thanh Miện, Hải Dương). Ông là hậu duệ đời thứ tám cao thượng tổ Vũ Đình, thân phụ ông là Vũ Vĩnh Long. Ông là cháu nội Vũ Vĩnh Lâm - một dòng họ đông dân, chiếm đến quá nửa miệng ăn trong xã. Thời niên thiếu, Vũ Văn Dũng có sức khỏe hơn người, lại thêm võ nghệ tinh thông.

Một hôm đang ngồi chẻ tre ở gốc đa đầu làng, có Chánh Định người Phủ Cừ cùng một số tùy tùng đi theo tới đầu làng nghỉ chân. Đoạn Chánh Định hất hàm sai ông đi bê điếu. Tức giận vì hành động kẻ cả nên sẵn có thanh tre trong tay, ông quật Chánh Định một nhát chết ngay.

Việc dẫn đến khổ sai, mãn hạn ông đi ngao du thiên hạ, gặp thời nghĩa quân Tây Sơn nổi dậy, khiến ông tìm đến chủ soái Trần Quang Diệu. Hai người có giao tranh vài trận không phân thắng bại, ấy là kế Quang Diệu có ý thử tài ông. Khi nghe tin, Nguyễn Huệ dụ cho dung nạp vào nghĩa quân Tây Sơn và giao việc tuyển mộ nghĩa dũng, bổ cho mặt trận giải phóng Bắc Hà lần thứ nhất. Ông được phong Chiêu Viễn Hầu.

Năm 1789, ông được giao chức Hải Dương Đô Đốc tước Quận công. Theo Việt sử thông giám cương mục tập XX quyển thủ trang 46-47 Càn Long năm thứ 53, vua sai đem quân từ Hải Dương đi đánh Phủ thành Thái Bình và Tiên Hưng. Cuộc kháng chiến chống Thanh xâm lược thành công, Lê Chiêu Thống đầu hàng theo giặc chạy đi Yên Kinh.

Bản sao sắc phong của Đại Tư đồ Vũ Quốc Công tại nhà thờ họ Vũ Đình ở thôn Đan Giáp, xã Thanh Giang (Thanh Miện). Ảnh: Đỗ Quyết

Bản sao sắc phong của Đại Tư đồ Vũ Quốc Công tại nhà thờ họ Vũ Đình ở thôn Đan Giáp, xã Thanh Giang (Thanh Miện). Ảnh: Đỗ Quyết

Năm 1790, ông được cử làm Chánh sứ đi nhà Thanh, lúc lên đường Hoàng đế đinh ninh dặn rằng: “Đông, Tây, Lưỡng Quảng luôn có âm mưu dòm ngó, không thể lấy bực mình mà đánh được. Khanh phải cẩn thận, hãy cầu lấy một vị công chúa để chờ công việc xem sao đã”. Công lĩnh mệnh lên đường hơn một tháng đến Thiên triều bái tạ đầy đủ, hôm sau đem việc tâu trình và được vua Thanh mời yến tiệc và có thơ tặng. Khi về ông mang theo bộ đòn rồng (hai rồng mẹ tám rồng con) về tặng làng Đan Giáp. Năm 1951, đình làng Đan Giáp bị giặc Pháp đốt cháy, bộ đòn rồng ấy không còn.

Để tri ơn công lao to lớn của ông với xã tắc, ngày nay Đảng bộ, chính quyền, MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã quyết định dành một con đường đặt tên ông tại quận Đống Đa. Ngoài ra, có nhiều tỉnh, thành phố lớn trong cả nước cùng dành những con phố trang trọng để đặt tên ông, đặc biệt là TP Hải Dương.

Năm 1802, Tây Sơn bại vong. Nguyễn Ánh lên ngôi xưng đế hiệu Gia Long rồi đem quân thu lại Bắc Hà, sau lại mở cuộc trả thù các đình thần Tây Sơn khiến Vũ Văn Dũng cùng bà thứ thiếp Lê Thị Vi (người làng La Chử, Huế) cùng bị hành quyết.

Từ đó họ Vũ làng Đan Giáp phải đổi sang họ Vũ Đình, mộ tổ họ Vũ phải san bằng để tránh bị khai quật.

Cổng làng Đan Giáp, xã Thanh Giang (Thanh Miện) - quê hương của danh tướng Vũ Văn Dũng. Ảnh: Đỗ Quyết

Cổng làng Đan Giáp, xã Thanh Giang (Thanh Miện) - quê hương của danh tướng Vũ Văn Dũng. Ảnh: Đỗ Quyết

Ngoài những chứng cứ nêu trên, còn bằng chứng thứ hai cho rằng ông là người quê tỉnh Hải Dương. Đó là bài viết: “Phải chăng vua Càn Long nhà Thanh đã bằng lòng trả cho vua Quang Trung tỉnh Quảng Đông - Quảng Tây làm nơi đóng đô và gả cho công chúa”… (Tuần báo Trung Bắc chủ nhật, số Tết Quý Tỵ 1943 trang 20-21-28). Theo bài này thì gia phả họ Vũ do Vũ Vĩnh Thứ, cháu ba đời của Vũ Văn Đăng soạn năm 1846 có đoạn chép như sau:

"Vào ngày rằm tháng 4 năm Quang Trung thứ 4 Tân Hợi (1791) nhà vua có phái người đi từ Phượng Hoàng Trung đô ở Nghệ An, đem sắc mệnh ra cho Đại đô đốc Vũ Quốc Công Vũ Văn Dũng trong khi đang nghỉ giả hạn ở nhà thì nhận được sắc. Cụ thể, phiên âm:Sắc Hải Dương Chiêu Viễn vương Đô đốc Đại tướng quân Dực vận công thần, Vũ Quốc Công tiến ra lĩnh Bắc sứ, Chính sứ kiêm toàn ứng tấu thỉnh Đông Tây lưỡng Quảng, dĩ khuy kì tâm công chúa nhất vị dĩ, khích kì nộ hận chi, thận chi, kì dụng binh hình thế tận tại thử hành. Tha nhật tiền phong khanh kì nhân dã khâm sai sắc mệnh. Quang Trung tứ niên, tứ nguyệt ngũ nhật''. Tạm dịch:"Sắc sai Hải Dương Chiêu viễn Đại đô đốc Đại tướng quân Dực vận công thần, Vũ Quốc Công được tiến phong làm chức chánh sứ đi qua tàu kiêm toàn quyền trong việc tâu thưa, xin lại hai tỉnh Quảng Đông - Quảng Tây, để dò ý và cầu hôn một vị công chúa, để chọc giận cẩn thận đấy! Cẩn thận đấy! Hình thế dùng binh đều do nơi chuyến đi này cả. Một ngày kia người làm tiên phong chính là khanh đó, kính thay lời sắc sai này. Ngày 5 tháng 4 năm Quang Trung thứ 4 Tân Hợi (tức 17 tháng 5 năm 1791)''.

Trên đây là một trong ba sắc chỉ thời Quang Trung khẳng định Vũ Văn Dũng là người chính gốc ở Hải Dương. Căn cứ nguồn tư liệu xác minh gần đây của dòng họ Vũ ở huyện Ninh Giang (Hải Dương) cùng chi họ Vũ tại TP Thanh Hóa có những căn cứ xác minh cho thấy Vũ Văn Dũng chính gốc người Hải Dương. Ngoài ra, một số tài liệu khác cũng xác định quê quán Chiêu Viễn Vũ Quốc Công là ở Hải Dương.

Kỳ sau: Anh hùng đa nạn

NGUYỄN QUỐC VĂN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/cuoc-doi-va-su-nghiep-danh-tuong-vu-van-dung-que-hai-duong-bai-1-nhung-chung-cu-xac-thuc-392877.html
Zalo