Cuộc đời giản dị của Giáo hoàng Francis

Giáo hoàng Francis, vị Giáo hoàng được tín đồ Công giáo trên khắp thế giới tôn kính, đã sống một cuộc đời giản dị, hết lòng bảo vệ người nghèo và đấu tranh vì hòa bình trước khi qua đời ở tuổi 88.

Giáo hoàng Francis. Ảnh: IRNA/TTXVN

Giáo hoàng Francis. Ảnh: IRNA/TTXVN

Theo tờ The Guardian ngày 21/4, Hồng y Kevin Ferrell, Hồng y Nhiếp chính Tòa Thánh, thông báo: “Vào lúc 7 giờ 35 sáng nay, Giáo hoàng Francis đã trở về cõi vĩnh hằng bên Chúa. Cả cuộc đời ngài đã được dâng hiến cho phục vụ Chúa và Giáo hội của ngài”.

Giáo hoàng Francis, người mắc bệnh phổi mãn tính và đã cắt một phần phổi khi còn trẻ, đã nhập viện tại bệnh viện Gemelli ở Rome vào ngày 14/2 vì cơn suy hô hấp dẫn đến viêm hai lá phổi. Ngài đã trải qua 38 ngày tại đây, thời gian nằm viện lâu nhất trong suốt 12 năm làm Giáo hoàng của ngài.

Giáo hoàng đã xuất viện vào ngày 23/3 và đã có lần xuất hiện công khai cuối cùng vào ngày 20/4, khi ngài phát biểu ngắn gọn với các tín đồ tại Quảng trường Thánh Phêrô để tham dự thánh lễ Phục Sinh.

Mặc dù một phần phổi của ngài đã được cắt bỏ sau một lần nhiễm trùng khi còn là thiếu niên, nhưng Giáo hoàng vẫn có sức khỏe đáng kể cho đến những năm gần đây. Tuy nhiên, ngài vẫn duy trì lịch trình bận rộn và vào tháng 9/2024, ngài đã thực hiện chuyến đi dài nhất trong sự nghiệp của mình đến Đông Nam Á.

Vào tháng 7/2021, ngài đã phẫu thuật để cắt bỏ 33 cm ruột già, trải qua 10 ngày tại bệnh viện sau ca phẫu thuật. Giáo hoàng Francis tiếp tục trải qua một ca phẫu thuật ruột khác vào tháng 6/2023, gần ba tháng sau khi nhập viện tại bệnh viện Gemelli ở Rome vì bệnh viêm phế quản.

Trong những tuần gần đây, ngài đã rời khỏi nhà ở Casa Santa Marta vào một số dịp khác, trong đó có chuyến thăm các tù nhân tại nhà tù Regina Coeli ở Rome vào ngày 17/4 và thực hiện một chuyến thăm bất ngờ tới Vương cung thánh đường Thánh Phêrô một tuần trước đó trong trang phục giản dị.

Được nhiều tín đồ Công giáo yêu mến vì sự khiêm nhường, Giáo hoàng Francis đã đơn giản hóa các nghi thức tang lễ Giáo hoàng vào năm 2024 và trước đó đã nói rằng ngài đã lên kế hoạch cho ngôi mộ của mình tại Vương cung Thánh đường Santa Maria Maggiore ở khu Esquilino (Rome), nơi ngài thường đến cầu nguyện trước và sau các chuyến đi ra nước ngoài. Các Giáo hoàng thường được chôn cất với nghi lễ long trọng trong các hầm mộ dưới Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô tại Vatican.

Trong suốt 12 năm làm Giáo hoàng, Giáo hoàng Francis – Giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên – đã là người bảo vệ mạnh mẽ cho những người nghèo, những người khốn cùng và thiệt thòi trên thế giới. Giáo hoàng cũng chỉ trích thẳng thắn về lòng tham của các tập đoàn và tình trạng bất bình đẳng xã hội và kinh tế. Trong Tòa Thánh, ngài đã chỉ trích sự xa hoa và đặc quyền, kêu gọi các nhà lãnh đạo Giáo hội thể hiện sự khiêm nhường. Lòng từ bi và nhân văn của Giáo hoàng đã khiến hàng triệu người trên khắp thế giới yêu mến.

Giáo hoàng Francis, sinh ra với tên gọi Jorge Mario Bergoglio tại Buenos Aires (Argentina) vào năm 1936, được bầu làm Giáo hoàng vào tháng 3/2013. Ngài ngay lập tức thể hiện phong cách lãnh đạo giản dị khi đi xe buýt thay vì xe Giáo hoàng tới khách sạn. Tại đây, ngài thanh toán hóa đơn trước khi chuyển vào nhà khách Vatican, tránh xa các căn hộ Giáo hoàng xa hoa. Trong lần xuất hiện truyền thông đầu tiên, ngài bày tỏ mong muốn về một “Giáo hội nghèo và Giáo hội của người nghèo”.

Ngài đã tập trung chú ý vào vấn đề nghèo đói và bất bình đẳng, chỉ trích chủ nghĩa tư bản không bị kiểm soát. Hai năm sau khi lên ngôi, ngài đã phát hành một tông huấn dài 180 trang về môi trường, yêu cầu các quốc gia giàu có nhất trên thế giới trả món “nợ xã hội nghiêm trọng” đối với người nghèo. Giáo hoàng nói rằng cuộc khủng hoảng khí hậu là một trong những thách thức chính mà nhân loại phải đối mặt trong thời đại hiện nay.

Giáo hoàng Francis (giữa) phát biểu tại Vương cung thánh đường Thánh Peter ở Vatican ngày 25/12/2024. Ảnh: AA/TTXVN

Giáo hoàng Francis (giữa) phát biểu tại Vương cung thánh đường Thánh Peter ở Vatican ngày 25/12/2024. Ảnh: AA/TTXVN

Ngài kêu gọi lòng từ bi và sự rộng lượng đối với người tị nạn, nói rằng họ không nên bị đối xử như “quân cờ trên bàn cờ của nhân loại”. Sau khi thăm đảo Lesbos của Hy Lạp, ngài đã cấp nơi tị nạn cho 12 người Syria tại Vatican. Các tù nhân và nạn nhân nô lệ hiện đại và nạn buôn người cũng được nhấn mạnh trong những lời kêu gọi thường xuyên của ngài về lòng thương xót và hành động xã hội. Trong thời gian gần đây tại bệnh viện, ngài vẫn tiếp tục gọi điện cho nhà thờ Holy Family ở Gaza, một thói quen hàng đêm kể từ ngày 9/10/2023.

Ngày 25/12/2024, trong thông điệp truyền thống nhân dịp Giáng sinh, Giáo hoàng Francis đã kêu gọi thế giới ngừng sử dụng vũ khí và thúc đẩy hòa bình ở Trung Đông, Ukraine và Sudan. Phát biểu trước đám đông hàng nghìn người tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô ở Vatican, Giáo hoàng Francis nhấn mạnh tình trạng nhân đạo nghiêm trọng do xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza, kêu gọi các bên ngừng bắn và trả tự do cho các con tin.

Ngài cũng kêu gọi thúc đẩy hòa bình ở Sudan, quốc gia Đông Phi đang chìm trong nội chiến kéo dài 20 tháng qua và khủng hoảng nhân đạo trầm trọng ảnh hưởng đến hàng triệu người. Liên quan đến xung đột Nga - Ukraine, Giáo hoàng Francis kêu gọi các bên đàm phán vì một nền hòa bình công bằng.

Giáo hoàng cũng bày tỏ mong muốn hòa bình được thiết lập trên toàn cầu, với hy vọng rằng những cuộc xung đột tàn khốc hiện nay sẽ chấm dứt và thế giới sẽ tràn ngập yêu thương và sự đồng cảm. Giáo hoàng cũng kêu gọi tất cả mọi người ở mọi quốc gia tìm kiếm lòng can đảm trong Năm Thánh 2025 để làm im tiếng súng và vượt qua chia rẽ.

Giáo hoàng Francis còn kêu gọi các quốc gia phát triển giảm bớt gánh nặng nợ nần cho các quốc gia nghèo, đồng thời nhấn mạnh cam kết đối với hòa bình và bảo vệ Trái đất.

Trong nhiệm kỳ của mình, Giáo hoàng Francis đã phải đáp trả những hành động khủng bố và bức hại lặp đi lặp lại. Ngài đã nỗ lực nhấn mạnh rằng bạo lực không có chỗ trong thực hành tôn giáo đích thực, rằng mọi người không nên đồng nhất các hành động khủng bố với Hồi giáo. Ngài nói sau vụ giết hại một linh mục Công giáo ở Pháp vào năm 2016: “Tôi nghĩ rằng không đúng khi đồng nhất Hồi giáo với bạo lực. Tôi nghĩ rằng trong hầu hết các tôn giáo luôn có một nhóm cực đoan nhỏ. Công giáo cũng có những người như vậy”.

Với lòng từ bi, Giáo hoàng Francis đã lên tiếng về các vấn đề giới tính, về gia đình và vai trò của phụ nữ trong xã hội, trong khi vẫn tuân thủ giáo lý Công giáo truyền thống về hôn nhân, tránh thai và phá thai.

Trong những chuyến đi nước ngoài, Giáo hoàng Francis được đón chào nhiệt liệt, với hàng trăm nghìn, đôi khi là hàng triệu người chờ đợi hàng giờ chỉ để được nhìn thấy hình bóng nhỏ bé, mặc áo trắng của ngài trong chiếc xe giáo hoàng.

Sức hấp dẫn của ngài đặc biệt mạnh mẽ với giới trẻ, những người mà ngài thường xuyên kêu gọi từ bỏ chủ nghĩa vật chất và sự phụ thuộc quá mức vào công nghệ. Ngài nói với giới trẻ Công giáo vào tháng 4/2016: “Hạnh phúc … không phải là một ứng dụng mà ta có thể tải xuống trên điện thoại của mình”. Giáo hoàng Francis có gần 19 triệu người theo dõi trên tài khoản Twitter tiếng Anh.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ho-so/cuoc-doi-gian-di-cua-giao-hoang-francis-20250421170001181.htm
Zalo