Cuộc 'đoàn tụ' sau hơn nửa thế kỷ chia xa
Tháng 4 lịch sử này đánh dấu kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Trong niềm vui chung của dân tộc, gia đình thiếu tá Nguyễn Thị Miến (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội) có một niềm xúc động thiêng liêng: cha bà - Liệt sĩ Nguyễn Văn Thưởng đã 'trở về' sau hơn nửa thế kỷ hy sinh.

Lễ tưởng niệm liệt sĩ Nguyễn Văn Thưởng tại Đài tưởng niệm Nghĩa trang Liệt sĩ Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội.
Ngày 15/4/2025, tại Nhà văn hóa tổ dân phố 22, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội, giữa làn khói hương thoảng bay và tiếng nhạc bài Hồn tử sĩ, liệt sĩ Nguyễn Văn Thưởng - người lính năm xưa hy sinh tại chiến trường Quảng Bình đã trở về với đất mẹ sau 54 năm nằm lại giữa đại ngàn. Đón ông trong vòng tay là người thân, đồng đội và bà con quê hương.
Ông Nguyễn Văn Thưởng sinh năm 1939, tại Hưng Yên. Tháng 9/1965, ông cùng em trai viết đơn tình nguyện nhập ngũ, được biên chế vào đơn vị Pháo cao xạ, Bộ Tư lệnh công binh, tham gia chiến đấu tại mặt trận phía Nam và hy sinh ngày 1/10/1971.
Thiếu tá Nguyễn Thị Miến, con gái duy nhất của liệt sĩ Nguyễn Văn Thưởng lặng người bên chiếc tiểu sành đựng di cốt của cha. Mái tóc bà đã điểm bạc. Bà từng chia sẻ rằng chỉ biết về cha qua lời mẹ kể. Lúc bảy tháng tuổi, bà được cha bế ẵm trong những ngày ông về phép thăm nhà. Rồi ông lên đường ra trận, hy sinh khi bà mới 2 tuổi. Năm năm sau, mẹ bà cũng qua đời. Bà lớn lên trong cảnh mồ côi, mang theo nỗi buồn sâu thẳm. Suốt cuộc đời chỉ có một mong ước: được gặp lại cha, dù hình hài hay chỉ là nắm đất.
Trong giấy báo tử, nơi hy sinh của liệt sĩ Nguyễn Văn Thưởng được ghi là “Mặt trận phía nam”. Suốt hơn 20 năm, bà Miến cùng chồng là thiếu tá Lê Văn Dương miệt mài đi tìm phần mộ cha nhưng không có kết quả.
Năm 2022, từ đề nghị cung cấp thông tin và hỗ trợ tìm kiếm mộ liệt sĩ của gia đình bà Miến, Binh chủng Công binh đã rà soát hồ sơ các liệt sĩ hy sinh năm 1971. Qua kiểm tra, Cục Chính trị-Binh chủng Công binh tìm thấy sơ đồ chôn cất của sáu liệt sĩ thuộc đơn vị C1-D1-E225, hy sinh ngày 1/10/1971. Trong trận đánh hôm đó, các chiến sĩ bị thương được đưa về tuyến sau điều trị nhưng không may bị địch ném bom khiến tất cả hy sinh. Thi hài các anh được an táng tại Km1+500, đường 14, khu vực xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
Danh sách sáu liệt sĩ gồm: Nguyễn Văn Cảnh, quê Yên Mỹ, Thạch Thất, Hà Nội; Hoàng Đức Chóng, quê Quảng Đại, Quảng Hòa, Cao Bằng; Nguyễn Văn Can, quê Lưu Hạ, Ứng Hòa, Hà Nội; Nguyễn Thiện Phước, quê Cẩm Lộc, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh; Nguyễn Văn Thưởng, quê Lam Sơn, Kim Động, Hưng Yên; Đào Trọng Huân, quê Cao Minh, Vĩnh Bảo, Hải Phòng.
Với tinh thần tri ân đồng đội, Binh chủng Công binh đã phối hợp Đội Quy tập 589 (Bộ Chỉ huy quân sự Quảng Bình) và chính quyền xã Kim Thủy tổ chức khảo sát khu vực nghi có mộ chôn cất. Do thời gian quá lâu, địa hình thay đổi và do nhân chứng không còn cho nên việc tìm kiếm gặp rất nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, sau gần một năm nỗ lực cùng sự hỗ trợ tích cực của các nhóm tình nguyện viên, Đội Quy tập 589 đã xác định được vị trí chôn cất các liệt sĩ tại bản Rum Ho, gần bìa rừng Khu dự trữ Thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong.
Qua hai đợt quy tập, đội đã tìm được đầy đủ sáu hài cốt liệt sĩ. Sau đó, Ban Chỉ đạo 515 tỉnh Quảng Bình phối hợp Binh chủng Công binh tổ chức lễ truy điệu. Các liệt sĩ được an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
Đầu năm 2023, theo nguyện vọng của thân nhân, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam phối hợp Viện Pháp y Quân đội tiến hành giám định ADN để xác định danh tính các liệt sĩ. Toàn bộ kinh phí giám định được hội hỗ trợ. Kết quả, hai hài cốt được xác định chính xác danh tính là các liệt sĩ Nguyễn Văn Thưởng và Đào Trọng Huân.
Hiện nay vẫn còn gần 500.000 liệt sĩ chưa được tìm thấy và chưa được “gọi đúng tên mình” trên những tấm bia mộ. Tìm kiếm hài cốt liệt sĩ và trả lại tên cho các anh không chỉ là nhiệm vụ chính sách, mà là mệnh lệnh từ trái tim. Chúng tôi sẽ còn tiếp tục công việc cao cả này cho đến khi liệt sĩ cuối cùng được trở về.
Trung tướng Hoàng Khánh Hưng - Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam
Ngày 5/3/2025, hội chính thức công bố kết quả giám định ADN. Cầm tờ giám định trong tay, bà Miến nghẹn ngào khóc.
Thiếu tá Lê Văn Dương, con rể liệt sĩ Thưởng xúc động chia sẻ: “Để có được kết quả như hôm nay là nhờ sự chung tay, hỗ trợ của rất nhiều cơ quan, tổ chức, gia đình tôi vô cùng biết ơn. Nguyện vọng lớn nhất của gia đình là sớm hoàn tất các thủ tục, đưa bố tôi về an nghỉ tại nghĩa trang gần gia đình để con cháu hương khói thường xuyên, giữ ấm mộ phần người đã khuất”.
Sự trở về của liệt sĩ Nguyễn Văn Thưởng không chỉ là cuộc hội ngộ của một gia đình sau 54 năm khắc khoải nhớ thương, mà còn là nghĩa cử thiêng liêng dành cho người đã ngã xuống vì Tổ quốc.
Trong suốt 15 năm qua, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã góp phần đưa hàng trăm liệt sĩ trở về bằng phương pháp giám định ADN và bằng cả tấm lòng tri ân sâu sắc.
Trung tướng Hoàng Khánh Hưng - Chủ tịch hội chia sẻ: “Hiện nay vẫn còn gần 500.000 liệt sĩ chưa được tìm thấy và chưa được “gọi đúng tên mình” trên những tấm bia mộ. Tìm kiếm hài cốt liệt sĩ và trả lại tên cho các anh không chỉ là nhiệm vụ chính sách, mà là mệnh lệnh từ trái tim. Chúng tôi sẽ còn tiếp tục công việc cao cả này cho đến khi liệt sĩ cuối cùng được trở về”.
Ngày liệt sĩ Nguyễn Văn Thưởng trở về, lá cờ Tổ quốc phủ lên di cốt ông như vòng tay của quê hương đón người con về với đất mẹ. Sau 54 năm nằm lại giữa rừng Trường Sơn, người lính ấy cuối cùng cũng được “đoàn tụ” cùng gia đình.