Cuộc chơi thép toàn cầu thay đổi: Ngành thép Việt Nam làm gì?
Làn sóng bảo hộ thương mại đang lan rộng trong ngành thép toàn cầu, khi các nền kinh tế lớn đồng loạt siết chặt hàng rào thuế quan, quy định chất lượng, và chính sách môi trường. Trước áp lực ngày càng lớn, ngành thép trong nước đang đứng trước quyết định buộc phải chuyển mình: Hoặc nâng cấp chuỗi giá trị và sản xuất theo hướng bền vững, hoặc tiếp tục tụt lại trong cuộc chơi toàn cầu.
Phụ thuộc nguồn cung khiến ngành thép Việt Nam dễ tổn thương
Ngành thép Việt Nam hiện vẫn còn phụ thuộc đáng kể vào nguồn cung nhập khẩu. Điều này khiến thị trường dễ bị ảnh hưởng trước những biến động từ các quốc gia cung ứng lớn, đặc biệt là Trung Quốc.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong năm 2024, sản lượng thép thành phẩm nhập khẩu vào Việt Nam đạt 17,7 triệu tấn, với kim ngạch lên tới 12,6 tỷ USD. Trong khi đó, sản lượng xuất khẩu chỉ ở mức 12,6 triệu tấn, tương ứng giá trị hơn 9 tỷ USD. Sự mất cân đối rõ nét về cả khối lượng và giá trị cho thấy Việt Nam vẫn đang là quốc gia nhập siêu thép.
Riêng Trung Quốc - thị trường lớn nhất đã chiếm tới 67% tổng lượng thép nhập khẩu trong năm ngoái với khối lượng gần 12 triệu tấn thép, trị giá 7,5 tỷ USD. Tiếp theo, Việt Nam còn nhập từ Nhật Bản 2,2 triệu tấn và Hàn Quốc 1,4 triệu tấn. Do đó, giá thép nội địa luôn biến động theo “sức khỏe” của nền kinh tế Trung Quốc và doanh nghiệp thì luôn ở thế bị động.

Không chỉ ở sản phẩm thép thành phẩm, Việt Nam còn phụ thuộc lớn vào các nguyên liệu thượng nguồn như quặng sắt, than cốc và phôi thép. Đặc biệt với thép cuộn cán nóng (HRC), nguyên liệu đầu vào thiết yếu trong sản xuất các sản phẩm thép phục vụ xây dựng, cơ khí và công nghiệp, Việt Nam mới chỉ có hai nhà sản xuất là Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh. Tuy nhiên sản lượng của 2 doanh nghiệp này vẫn chỉ đáp ứng được khoảng một nửa nhu cầu thị trường. Phần còn lại buộc phải nhập khẩu, trong đó riêng Trung Quốc đã chiếm tới 70% lượng HRC nhập về Việt Nam.
Năng lực sản xuất còn hạn chế, sản xuất thép thô mới cơ bản đáp ứng được nhu cầu trong nước nên sự phụ thuộc vào nhập khẩu đã khiến ngành thép trong nước dễ bị tác động bởi biến động từ thị trường thế giới. Khi giá nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí sản xuất bị đẩy lên cao. Ngược lại, khi nguồn cung từ bên ngoài giảm giá mạnh, doanh nghiệp trong nước cũng chịu áp lực phải điều chỉnh giá bán để duy trì sức cạnh tranh, dù chi phí sản xuất chưa thay đổi tương ứng.
Giai đoạn tháng 6 vừa qua là một ví dụ điển hình. Theo dữ liệu của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), khi nhu cầu thép tại Trung Quốc suy yếu kéo dài do thị trường bất động sản trầm lắng và chính sách tái cơ cấu ngành thông qua cắt giảm sản lượng, giá quặng sắt thế giới liên tục lao dốc. Vì vậy, giá quặng sắt niêm yết trên Sở Giao dịch hàng hóa Singapore (SGX) đã trải qua nhiều phiên giảm sâu và neo ở dưới mốc tâm lý 100 USD/tấn suốt gần hai tháng qua. Trong khi đó, vào đầu tháng 4 khi Mỹ và Trung Quốc liên tục đưa ra những cáo buộc và tuyên bố trả đũa thuế đối ứng đối với hàng hóa hai bên, làm đối đầu thương mại đẩy lên mức căng thẳng chưa từng có trong lịch sử. Giá mặt hàng quặng sắt SGX đã tăng lên mức kỷ lục trên 103 USD/tấn. Giá nguyên liệu chính cho sản xuất thép tăng kéo theo giá thép cũng tăng. Trên sàn giao dịch Thượng Hải, giá thép cây có thời điểm tăng lên 3.180 Nhân dân tệ/tấn. Các mặt hàng thép khác như thép cuộn cán nóng, thép không gỉ và thép dây cũng đồng loạt tăng từ 0,5% đến 1,46% vào giai đoạn cao điểm xây dựng "Golden March, Silver April" (tháng 3 vàng, tháng 4 bạc) của nước này.
Diễn biến đồng pha với giá thế giới và giá thép tại Trung Quốc, theo số liệu từ Bộ Xây dựng giá thép bình quân tháng 4 tăng từ 1,45 - 2% ở các khu vực so với tháng trước. Nguyên nhân biến động là do ảnh hưởng chi phí nhập khẩu nguyên liệu từ nguồn cung lớn nhất Trung Quốc.
Sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc không chỉ khiến ngành thép Việt Nam dễ tổn thương về giá mà còn dẫn đến nhiều rủi ro các doanh nghiệp Việt Nam rơi vào các vụ kiện chống bán phá giá từ Mỹ, Canada và Liên minh Châu Âu (EU). Các vụ điều tra phòng vệ thương mại có thể làm các doanh nghiệp Việt mất thị phần và ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của cả ngành thép.
Mỹ giáng đòn kép khi tăng thuế lên 50%
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu thép lớn thứ ba của Việt Nam, chiếm khoảng 13% tổng sản lượng xuất khẩu. Năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu sang Mỹ khoảng 1,7 triệu tấn thép, thu về kim ngạch lên tới 1,3 tỷ USD.
Tuy nhiên, từ đầu năm nay, việc Mỹ liên tục nâng thuế nhập khẩu thép, đầu tiên lên 25%, sau đó bất ngờ tăng vọt lên 50%, đã tác động đáng kể đến ngành thép Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Thị phần xuất khẩu đáng kể của thép Việt Nam tại Mỹ trong thời gian qua đã khiến không chỉ Mỹ mà một số nước xem xét về khả năng thép Trung Quốc “trung chuyển” qua Việt Nam để tránh thuế. Đây cũng là một trong những yếu tố khiến thép Việt Nam dễ nằm trong tầm ngắm của các cuộc điều tra phòng vệ thương mại.
Mỹ không phải là quốc gia duy nhất gia tăng các biện pháp bảo hộ thương mại. Trong bối cảnh lo ngại thép giá rẻ từ Trung Quốc tràn vào, nhiều nền kinh tế lớn đang đua nhau dựng rào cản với những hình thức đa dạng, từ thuế quan truyền thống cho đến quy định về phát thải môi trường.
Tại châu Âu, thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của thép Việt Nam với tỷ trọng gần 23%, cơ chế điều chỉnh carbon biên giới (CBAM) đang dần trở thành một rào cản lớn đối với hoạt động xuất khẩu thép. Bắt đầu từ năm 2026, EU sẽ áp thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước xuất khẩu.
Ở một thị trường tiêu thụ lớn khác của nước ta là Ấn Độ, nhằm bảo vệ ngành thép nội địa, cuối tháng 4, chính phủ nước này đã áp thuế tự vệ tạm thời 12% đối với thép cán phẳng hợp kim và không hợp kim nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc trong vòng 200 ngày. Đến tháng 6, nước này tiếp tục yêu cầu không chỉ những sản phẩm thép thành phẩm, bán thành phẩm, mà cả nguyên liệu đầu vào trong sản xuất những sản phẩm nói trên phải tuân thủ các tiêu chuẩn của Cục Tiêu chuẩn Ấn Độ (BIS).
Để bảo vệ uy tín cho ngành thép, chính Việt Nam cũng đang buộc phải dựng thêm hàng rào thương mại để phòng thủ. Đầu tháng 7, Bộ Công Thương đã công bố áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nóng từ Trung Quốc, với mức thuế từ 23,1% đến 27,83% trong thời hạn 5 năm.

Ông Nguyễn Đức Dũng - Phó Tổng Giám đốc MXV cho biết việc phụ thuộc vào nguồn thép nhập khẩu, nhất là từ nguồn Trung Quốc đã không còn là một sự lựa chọn bền vững trong bối cảnh siết thặt thuế quan và nguồn gốc xuất xứ như hiện nay. Trong môi trường thương mại toàn cầu ngày càng khắt khe, việc giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu giá rẻ không còn là việc nên làm mà việc buộc phải làm nếu ngành thép muốn tránh thiệt hại nặng nề trong các cuộc điều tra phòng vệ thương mại và phát triển bền vững.

Ngoài ra, ông Dũng còn cho rằng một trong những hướng đi chiến lược là đầu tư vào công nghệ luyện thép bằng lò điện hồ quang (EAF) – công nghệ giúp giảm lượng khí phát thải ra môi trường. Tuy nhiên, nguồn phế liệu trong nước hiện nay không đủ đáp ứng, với 60% lượng phế liệu dùng trong luyện thép phải nhập khẩu, chủ yếu từ Nhật Bản, Mỹ, và Australia. Nếu không đồng thời đầu tư vào hoạt động thu gom phế liệu nội địa, ngành thép vẫn sẽ tiếp tục rơi vào vòng xoáy phụ thuộc.
Không dừng ở đó, việc xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chặt chẽ quy trình cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cần được xem là ưu tiên hàng đầu. Điều này giúp nâng cao độ tin cậy về xuất xứ hàng hóa, trong bối cảnh nhiều quốc gia đang siết chặt các biện pháp kiểm tra và xác minh đối với hàng hóa nhập khẩu.
Bên cạnh việc đa dạng hóa nguồn cung, tránh quá phụ thuộc vào một quốc gia cung ứng duy nhất, một chiến lược khác không thể thiếu là nâng cấp chuỗi giá trị. Doanh nghiệp thép Việt Nam cần thoát khỏi cái bẫy của thép giá rẻ bằng cách dịch chuyển lên chuỗi giá trị cao hơn đang được thị trường quốc tế ngày càng săn đón. Để sản xuất được những sản phẩm như thép cán nguội hay thép hợp kim vốn đòi hỏi độ chính xác và chất lượng kỹ thuật cao, các doanh nghiệp cần đầu tư vào công nghệ hiện đại, cải tiến quy trình luyện - cán thép, cũng như hệ thống kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt.