Cuộc chiến trường kỳ và khát vọng thống nhất: Quyết định lịch sử
Sau 3 năm trực tiếp tham chiến ở miền Nam Việt Nam, quân Mỹ và đồng minh vẫn không tiêu diệt được Quân giải phóng mà còn làm cho nước Mỹ ngày càng sa lầy vào 'con đường hầm không có lối thoát'.
Để chuyển cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam sang một thời kỳ mới, giành thắng lợi quyết định, làm thay đổi cục diện chiến tranh, Đảng ta đã quyết định động viên những nỗ lực cao nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đánh thẳng vào các đô thị, cơ quan đầu não của địch bằng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa. Cũng từ đây, cục diện trên chiến trường miền Nam liên tục xoay chuyển theo chiều hướng có lợi cho ta, mở ra những thời cơ để Bộ Chính trị hạ quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Toàn miền Nam rung chuyển khiến Mỹ - ngụy bàng hoàng

Quân giải phóng tấn công sân bay Tân Sơn Nhất trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu
Đêm giao thừa Tết Mậu Thân năm 1968, 4 thành phố lớn, 37 thị xã và hơn 100 thị trấn, chi khu quân sự do Mỹ - ngụy chiếm đóng đồng loạt bị tấn công. Toàn miền Nam rung chuyển, tiếng súng, pháo và chớp lửa xuất hiện khắp nơi. Đài Phát thanh Sài Gòn, Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn và Tòa Đại sứ Mỹ, những nơi được cho là tuyệt mật, bất khả xâm phạm bị đánh phá. Các cơ quan đầu não của Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn rung lên liên hồi. Sự kiện này đã gây chấn động thế giới. Quân viễn chinh Mỹ và quân đội, chính quyền tay sai Sài Gòn hoang mang cực độ. Nhà Trắng, Lầu Năm Góc bàng hoàng, sửng sốt. Chúng ta đã giáng một đòn sét đánh cực mạnh và bất ngờ vào thẳng đô thị. Sự kiện này khiến người Mỹ bừng tỉnh nhận ra rằng, họ không còn giữ được thế thượng phong của một siêu cường nữa.
Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhận định: Đòn tiến công vào Tết Mậu Thân 1968 là một quyết định lịch sử, mang tính quyết định, mở đường cho cuộc đàm phán hòa bình tại Hội nghị Paris: “Tết Mậu Thân là một mốc rất quan trọng với đất nước ta. Ý nghĩa chiến lược là rất lớn, nó làm thay đổi cục diện chiến tranh. Bác Hồ từng nói, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải quyết giành cho được độc lập, tự do. Trung ương Đảng quyết định là phải có một cuộc tấn công lớn, toàn diện để đánh bại ý chí xâm lược của Mỹ, làm cho nước Mỹ phải rúng động, từ đó mới có Hiệp định Paris về Việt Nam”.
Sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, Mỹ vẫn tiếp tục ngấm ngầm gia tăng ngân sách viện trợ, đưa thêm nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh vào miền Nam. Mặc dù vậy cũng chẳng thể nào cứu vãn được thế hoang mang, sụp đổ của ngụy quyền Sài Gòn. Những thắng lợi của ta liên tiếp trên chiến trường cuối năm 1973 và nửa đầu năm 1974 đã chứng minh cho thấy, dù đã rất cố gắng đầu tư về mọi mặt, nhưng quân đội ngụy Sài Gòn vẫn không đủ sức đương đầu với Quân giải phóng.
Tháng 10/1974, Bộ Chính trị xác định quyết tâm chiến lược: Phải chuẩn bị thật khẩn trương, tạo điều kiện và cơ sở vật chất đầy đủ nhất để đánh mạnh, đánh nhanh, thắng gọn và thắng triệt để trong 2 năm 1975 - 1976. Đúng lúc đó, quân và dân ta đã giành thắng lợi trong Chiến dịch tiến công Đường 14 - Phước Long. Đây là cơ sở vững chắc để Bộ Chính trị thông qua quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975 - 1976. Đồng thời dự kiến, nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam năm 1975.

Đại tá Phạm Hồng Phong, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Nghệ thuật quân sự.
Đại tá Phạm Hồng Phong, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Nghệ thuật quân sự phân tích: “Chiến thắng Phước Long đã tạo ra thế và lực cho ta ở chiến trường B2, đẩy nhanh tiến trình hiện thực hóa quyết tâm giải phóng miền Nam của Đảng ta. Chiến thắng Phước Long có giá trị là một trận trinh sát chiến lược. Nó chứng minh bằng thực tiễn sống động, quân ngụy Sài Gòn không còn khả năng giành lại một địa bàn chiến lược xung yếu trên tuyến phòng thủ bắc Sài Gòn. Đồng thời, Chiến thắng Phước Long thăm dò phản ứng của Mỹ và chứng minh quân Mỹ rất khó có khả năng, thậm chí là không thể đưa quân can thiệp trở lại miền Nam khi quân ngụy bị ta đánh lớn, thua nặng hoặc thất bại hoàn toàn”.
Chọn Tây Nguyên làm hướng tiến công chiến lược
Sau Chiến thắng Phước Long, ngày 4/3/1975, ta mở Chiến dịch Tây Nguyên và giành thắng lợi. Giữa lúc ta đang truy kích địch rút chạy trên Đường số 7 thì ngày 25/3/1975, Bộ Chính trị họp và nhận định: Với Chiến dịch Tây Nguyên đại thắng, cuộc Tổng tiến công chiến lược của ta đã bắt đầu. Thời cơ chiến lược đã tới. Trong 20 năm chống Mỹ chưa bao giờ thuận lợi bằng lúc này. Do đó cần phải nắm vững thời cơ chiến lược mới, tranh thủ thời gian cao độ, nhanh chóng tập trung lực lượng, hành động táo bạo, bất ngờ làm cho địch không kịp trở tay, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền Nam càng sớm càng tốt.

Hành quân về giải phóng Phước Long. Ảnh tư liệu.
Thượng tướng Trần Việt Khoa, Giám đốc Học viện Quốc phòng cho rằng: Quyết định mở Chiến dịch Tây Nguyên và lựa chọn Tây Nguyên làm hướng tiến công chiến lược là một quyết định lịch sử, tạo ra những chuyển biến có lợi, đẩy nhanh hơn thời gian giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
“Địa bàn Tây Nguyên là một mục tiêu có rất nhiều sơ hở. Mục tiêu vừa hiểm lại vừa yếu. Sau khi ta tiến công, ngày 10/3, địch tiến hành tổ chức phản kích. Địch phản kích thất bại buộc phải đưa ra một quyết định hết sức sai lầm về chiến lược là rút toàn bộ lực lượng của Quân đoàn 2, Quân khu 2 khỏi Tây Nguyên. Đây là quyết định sai lầm của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu để lùi về đồng bằng duyên hải miền Trung dẫn đến thiệt hại thảm bại trên đường số 7. Từ chiến dịch Tây Nguyên, ta giành thắng lợi, làm chủ các tỉnh Tây Nguyên, mở ra cơ hội mới để giải phóng miền Nam trong thời gian sớm hơn” - Thượng tướng Trần Việt Khoa nhận định.

Thượng tướng Trần Việt Khoa, Giám đốc Học viện Quốc phòng
Trung tướng Phan Anh Việt, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục 2 (Bộ Quốc phòng) nhận định, ta chọn Buôn Ma Thuột là trận then chốt mở bàn chiến dịch là quyết định chính xác, một đòn đánh hiểm nhằm vào chỗ sơ hở, hiểm yếu của địch. Ta làm chủ Buôn Ma Thuột, làm tê liệt hệ thống phòng thủ của địch ở Tây Nguyên. Địch bị thất thủ rút chạy, tạo thời cơ thuận lợi cho ta tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam.
"Tiếp đà chiến thắng, ta mở Chiến dịch tiến công Huế và Đà Nẵng. Chỉ sau 5 ngày, ta đã giải phóng hai thành phố, hai căn cứ quân sự trọng yếu thuộc diện mạnh nhất của địch. Đà Nẵng thất thủ, ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn rơi vào thế hoang mang cực độ. Lúc này, các hãng tin phương Tây đã bình luận “Đà Nẵng thất thủ, kể từ đây sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn chỉ tính bằng ngày, bằng giờ” - Trung tướng Phan Anh Việt phân tích.

Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Tiến sĩ Sử học Phạm Minh Thế lý giải rõ hơn về điều này: "Đà Nẵng là một căn cứ quân sự liên hợp hải lục không quân hiện đại và mạnh vào bậc nhất ở miền Nam của chính quyền tay sai Việt Nam Cộng hòa lúc bây giờ. Lực lượng của địch ở chiến trường khoảng 75.000 tên, là một lực lượng rất mạnh. Đây là cơ sở để Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố tử thủ Đà Nẵng bằng mọi giá. Vì Nguyễn Văn Thiệu cho rằng, sau khi ta giải phóng Huế, nếu muốn tiến công Đà Nẵng thì phải mất ít nhất 1 tháng để có sự chuẩn bị. Do đó khi mặt trận Đà Nẵng thất thủ thì sự sụp đổ của chính quyền tay sai Sài Gòn chỉ còn được tính bằng ngày, bằng giờ. Bởi vì sự thất thủ ở Đà Nẵng đã làm cho tinh thần chiến đấu và phản kháng của quân đội tay sai Việt Nam Cộng hòa trên toàn miền Nam bị rệu rã, hoang mang đến cực độ".
Với nhịp độ “một ngày bằng 20 năm”, ngày 1/4/1975, Bộ Chính trị đã chỉ thị: Nắm vững thời cơ chiến lược, với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, có quyết tâm lớn thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4, không thể chậm. Như vậy, từ quyết tâm giải phóng miền Nam trong 2 năm, 1975 hoặc 1976, đến quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975, và cuối cùng là trước mùa mưa năm 1975 đã cho thấy sự linh hoạt và quyết đoán cao của Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương khi thời cơ đến, để dốc sức, dồn mọi điều kiện thuận lợi nhanh nhất, tốt nhất, hợp lý nhất và khoa học để kết thúc chiến tranh, giành độc lập. Lúc này, cả dân tộc đang chuẩn bị bước vào trận quyết chiến cuối cùng với quân thù.