Cuộc chiến trường kỳ và khát vọng thống nhất: Chính nghĩa không thể im lặng

Cuộc chiến tranh xâm lược do Mỹ thực hiện ở Việt Nam đã tạo phong trào phản chiến ngay trong lòng nước Mỹ và bùng nổ trên toàn thế giới, thu hút hàng triệu người tham gia, có ảnh hưởng sâu rộng đến dư luận quốc tế, góp phần tạo áp lực buộc Mỹ phải rút quân và chấm dứt chiến tranh.

Cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam là cuộc chiến dài ngày nhất, tốn kém nhất và để lại nhiều hậu quả nhất trong lịch sử nước Mỹ. Chỉ tính riêng trong 9 năm trực tiếp tham chiến tại Việt Nam, bình quân mỗi ngày, nước Mỹ phải tiêu tốn 800 triệu USD.

Cuộc chiến tranh phi nghĩa này cũng đã cướp đi sinh mạng của hơn 58 nghìn binh lính Mỹ. Cũng vì cuộc chiến tranh phi nghĩa này mà giới cầm quyền Nhà Trắng bị nhân loại yêu chuộng hòa bình và những người dân Mỹ phản đối dữ dội. Đã có những hành động tự thiêu, đốt thẻ quân dịch, biểu tình, đập phá Nhà Trắng để yêu cầu Chính phủ Mỹ phải chấm dứt chiến tranh. Đó là sự đồng cảm, là khát vọng công lý và hòa bình, là sức mạnh của lương tri loài người trước bom đạn chiến tranh.

Người Mỹ tự thiêu để phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa

Ngày 10/3/1965, khi Tổng thống Mỹ Johnson quyết định đưa 3 nghìn lính Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, tại Trường Đại học Michigan, hơn 3.500 sinh viên đã tổ chức cuộc hội thảo lên án hành động leo thang chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Ngay sau đó, hơn 120 trường đại học, cao đẳng trên toàn nước Mỹ đã lên tiếng phản đối quyết định của Nhà Trắng.

Cùng với các hoạt động chống chiến tranh của học sinh, sinh viên, những người Mỹ da đen gốc Phi đã tổ chức hàng trăm cuộc biểu tình kêu gọi người da đen không đi chiến đấu cho quyền lợi của người da trắng. Điển hình nhất là sự kiện ngày 2/11/1965, khi hàng nghìn người đang biểu tình trước Nhà Trắng, công dân Mỹ Norman Morrison, 32 tuổi, đã tự thiêu. Trước đó, anh đã bế đứa con nhỏ 1 tuổi của mình đến đặt trước Lầu Năm Góc. Chính Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara đã coi cái chết của Morrison là lời phản đối rõ ràng nhất trước hành động hủy diệt cuộc sống người dân Việt Nam và nhiều binh sĩ Mỹ trong cuộc chiến tranh mà Mỹ đã gây nên.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng cho rằng: Cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam đã làm cho lương tri loài người thức tỉnh. Họ không thể im lặng. Và họ đã dũng cảm đứng lên phản đối chiến tranh.

“Trước đây, trong kháng chiến chống Pháp, chúng ta có những người công dân Pháp như: Henry Martin, Raymond Dean. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, chúng ta cũng có những tấm gương công dân Mỹ như là Morrison. Morrison là người điển hình, còn nhiều thanh niên Mỹ cũng đốt thẻ quân dịch, phản đối cuộc chiến tranh trên chiến trường Việt Nam, tạo làn sóng phản đối ngay trong nước Mỹ. Cuộc đấu tranh chính nghĩa của chúng ta đã thức tỉnh lương tri nhân loại, thức tỉnh lương tri thời đại là như thế” - Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân nhận xét.

Cuối thập niên 60, phong trào đốt thẻ quân dịch lan rộng, bùng phát trên toàn nước Mỹ. Cuối năm 1965 đã có 380 thanh niên Mỹ chống quân dịch. Các cựu binh Mỹ trở về từ Việt Nam cũng tổ chức phản chiến. Tháng 4/1971, hơn 1000 cựu binh Mỹ tập trung tại Thủ đô Washington biểu tình chống chiến tranh. Họ đạp lên hàng rào thép gai xung quanh Nhà Trắng, lật đổ tường rào, vứt huy chương được trao tặng trong cuộc chiến tại Việt Nam và viết lên tường Nhà Trắng những cảnh báo về cuộc chiến tranh phi nghĩa tại Việt Nam.

Đặc biệt, phong trào phản chiến còn lan rộng sang cả binh lính Mỹ ở Việt Nam. Nhiều binh lính Mỹ đeo băng đen để ủng hộ phong trào phản chiến trong nước. Nhiều người bỏ trốn, đảo ngũ, số khác tìm đến ma túy, số khác tìm cách hãm hại chỉ huy.

Giáo sư, Tiến sĩ Sử học Phạm Hồng Tung.

Giáo sư, Tiến sĩ Sử học Phạm Hồng Tung.

Giáo sư, Tiến sĩ Sử học Phạm Hồng Tung cho biết: “Lúc đầu người dân Mỹ đấu tranh vì hòa bình, chống kỳ thị xã hội, nhất là đối với những người da màu ở Mỹ. Sau đó, họ dần dần nhận thấy cuộc chiến tranh Mỹ tiến hành ở Việt Nam nhân danh nước Mỹ đã làm ô nhục nước Mỹ. Vì thực chất đấy là cái cách để chính quyền Mỹ tống con em người da màu, người nghèo sang Việt Nam làm bia đỡ đạn, chết một cách vô nghĩa ở chiến trường Việt Nam. Chính quyền Mỹ biến con em người ta thành những cỗ máy giết người, giết những người dân Việt Nam vô tội. Cho nên, cuộc đấu tranh đó chuyển sang đòi chính quyền Mỹ trả về cho họ những cái chàng trai trong sáng, lương thiện”.

Thanh niên Mỹ đốt thẻ quân dịch từ chối lệnh điều động sang Việt Nam tham chiến. (6/1/1965) Nguồn: TTXVN

Thanh niên Mỹ đốt thẻ quân dịch từ chối lệnh điều động sang Việt Nam tham chiến. (6/1/1965) Nguồn: TTXVN

Phong trào phản chiến bùng nổ trên phạm vi toàn thế giới

Phong trào phản chiến ngay trong lòng nước Mỹ đã bùng nổ trên phạm vi toàn thế giới, thu hút hàng triệu người tham gia và có ảnh hưởng sâu rộng đến dư luận quốc tế, góp phần tạo áp lực buộc Mỹ phải rút quân và chấm dứt chiến tranh. Không những vậy, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của dân tộc Việt Nam còn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của bạn bè quốc tế như Liên Xô, Trung Quốc và Cuba. Câu nói bất hủ của Chủ tịch Cuba, Fidel Castro giữa chiến trường Quảng Trị khói lửa đã minh chứng cho điều đó.

“Ngay sau khi Quảng Trị giải phóng, tháng 9/1973, vị nguyên thủ nước ngoài đầu tiên là Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã đến đây. Hình ảnh lãnh thụ Cuba Fidel Castro đứng trên cao điểm ngổn ngang xác xe tăng, đạn pháo và phất cao lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam cùng với câu nói nổi tiếng: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dân cả máu của mình” đã trở thành biểu tượng thiêng liêng, không chỉ của quan hệ Việt Nam - Cuba, mà còn củng cố niềm tin vững chắc vào thắng lợi của hòa bình và chính nghĩa”, bà Nguyễn Phương Nga, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhận định.

Điều gì đã khiến cho nhân dân tiến bộ, trong đó có những công dân Mỹ và cả những công dân thuộc chế độ ngụy quyền, đồng minh của Mỹ như Hòa thượng Thích Quảng Đức biến thân mình thành ngọn đuốc sống giữa đô thành Sài Gòn để phản đối chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm do Mỹ hậu thuẫn. Có nhiều điều để lý giải nhưng trước hết, đó là họ đã nhận thức, phân biệt được phải trái, đúng sai trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Đặc biệt, họ đã nhận rõ được tính chất chính nghĩa của dân tộc Việt Nam và tính chất phi nghĩa, tàn bạo của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh này.

Thiếu tướng Hoàng Văn Phai, Phó Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Thiếu tướng Hoàng Văn Phai, Phó Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Thiếu tướng Hoàng Văn Phai, Phó Giám đốc Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) lý giải, mặc dù hệ thống truyền thông đồ sộ với thủ đoạn tinh vi của Mỹ và phương Tây đã bưng bít, dẫn dắt dư luận, che đậy bản chất của cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa, nhưng những hình ảnh đau thương của cuộc chiến tranh, từ bom đạn, chết chóc đến sự hủy diện môi trường đã khiến không chỉ người dân Mỹ mà cả thế giới bị chấn động. Bức ảnh "Em bé Napalm" của Nick Út ghi lại cảnh một cô bé hoảng loạn bỏ chạy cùng một số đứa trẻ khác bởi bom Napalm càng thổi bùng lên ngọn lửa chống chiến tranh của người dân nước Mỹ và cả nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Bức ảnh "Em bé Napalm" của Nick Út tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ.

Bức ảnh "Em bé Napalm" của Nick Út tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ.

Đại tá Nguyễn Thanh Hải, cán bộ nghiên cứu Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn quân sự cho biết, trong cuốn sách “Cuộc chiến bịp bợp của Mỹ” của tác giả Evin Kloh đã viết:“Mỹ thất bại thật đắng cay nhưng là kết cục đúng cho cuộc chiến lừa bịp vô nhân đạo của họ. Dẫu rằng tội ác, cuộc chiến tranh còn đang bị bưng bít, đang bị lảng tránh, nhưng lịch sử sẽ phán xét những kẻ đã gây ra cuộc chiến tranh tội nỗi này - nguyên nhân cái chết của gần 60.000 lính Mỹ và gấp nhiều lần số đó là những người Việt Nam vô tội”.

Mục sư người Mỹ da đen, Martin Luther King, người được nhận giải Nobel Hòa bình năm 1964 đã khẳng định: Phong trào phản chiến tại Mỹ cho thấy, nước Mỹ không còn là là biểu tượng của tự do, dân chủ mà là biểu tượng của bạo lực và chủ nghĩa quân phiệt. Như vậy, có thể khẳng định, phong trào phản chiến tại Mỹ đã góp phần cùng nhân loại tiến bộ thế giới vạch trần âm mưu và tội ác của đế quốc Mỹ tại Việt Nam. Phong trào phản chiến của chính những người dân Mỹ là lời bênh vực trung thực nhất cho dân tộc Việt Nam đang bị chủ nghĩa đế quốc chà đạp lên lương tâm và phẩm giá; là câu trả lời đúng nhất cho câu hỏi vì sao dân tộc Việt Nam lại phải đứng lên cầm súng đánh Mỹ. Và phong trào phản chiến này, đã gúp cho nhân dân Việt Nam có thêm sức mạnh tinh thần để vượt qua khó khăn, quyết tâm chiến đấu giành độc lập, tự do, thống nhất.

Trường Giang/VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/cuoc-chien-truong-ky-va-khat-vong-thong-nhat-chinh-nghia-khong-the-im-lang-post1193042.vov
Zalo