Cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu vẫn sẽ gây tổn hại tới Nga
Nằm ngoài danh sách áp thuế thương mại của Tổng thống Donald Trump được công bố vào đầu tháng này, nhưng Nga cho biết nước này vẫn không miễn nhiễm với những dư chấn kinh tế có thể xảy ra trong một cuộc chiến thương mại toàn cầu tiềm tàng.

"Tất nhiên, sự bất ổn trong nền kinh tế toàn cầu không thể không ảnh hưởng đến Nga…Đồng thời, chúng tôi vẫn duy trì được sự ổn định kinh tế vĩ mô ngay cả khi phải đối mặt với nhiều lệnh trừng phạt", Dmitry Peskov, Thư ký báo chí Điện Kremlin cho biết.
Không giống như nhiều quốc gia đồng minh của Mỹ bị áp thuế thương mại trong thông báo đầu tháng 4 của Tổng thống Trump, Nga đã được miễn thuế nhập khẩu mới khi Tổng thống Trump công bố danh sách các loại thuế mới sẽ áp dụng đối với hàng nhập khẩu từ hơn 180 quốc gia.
Nhưng sự hỗn loạn của thị trường toàn cầu đã thúc đẩy Tổng thống Trump tạm thời hoãn áp dụng các mức thuế quan đối ứng với hầu hết các quốc gia (ngoại trừ Trung Quốc) trong 90 ngày. Liệu các cuộc đàm phán diễn ra với các đối tác thương mại khác nhau trong thời gian tạm thời có thể dẫn đến sự thỏa hiệp và cuối cùng là các thỏa thuận thương mại hay không vẫn còn rất không chắc chắn.
Tại sao Nga không bị Mỹ áp thuế quan?
Các nhà phân tích đã đặt câu hỏi tại sao Nga không phải chịu bất kỳ mức thuế nào và liệu việc loại trừ Nga có phải là một phần trong kế hoạch của Nhà Trắng nhằm cố gắng giành đòn bẩy đối với Nga trong bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào về Ukraine hay không.
“Nhà Trắng cho biết Nga không bị áp thuế vì không có hoạt động thương mại giữa hai nước do lệnh trừng phạt của phương Tây... Điều đó không hoàn toàn đúng”, Alexander Kolyandr, thành viên cấp cao tại Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu cho biết.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Nga sang Mỹ đã đạt mức thấp nhất trong 30 năm là khoảng 3 tỷ USD vào năm 2024 và Mỹ đã xuất khẩu 526 triệu USD hàng hóa sang Nga trong giai đoạn này.
“Đây là những con số nhỏ khi nói đến tổng thể thương mại của Mỹ, nhưng Lesotho, quốc gia châu Phi với dân số 2 triệu người, thậm chí còn bán ít hơn cho Mỹ với khoảng 2 tỷ USD hàng hóa mỗi năm, nhưng đã bị đánh thuế 50%”, ông Alexander Kolyandr cho biết.
Trong những năm trước xung đột Nga-Ukraine, Nga và Mỹ đã có được thương mại tương đối cân bằng. "Quy mô thương mại rất nhỏ và thậm chí trước khi cuộc xung đột Nga-Ukraine, Mỹ không phải là đối tác thương mại quan trọng của Nga so với những nơi như Liên minh châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc hoặc Ấn Độ", ông Alexander Kolyandr cho biết.
Nga không miễn nhiễm
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mới đây đã cảnh báo rằng triển vọng thương mại toàn cầu đã suy giảm mạnh sau chính sách thuế quan của Tổng thống Trump.
Theo WTO, dựa trên các mức thuế hiện hành và bao gồm cả việc tạm hoãn thuế quan đối ứng trong 90 ngày, khối lượng thương mại hàng hóa thế giới hiện dự kiến sẽ giảm 0,2% vào năm 2025. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp do khối lượng giao dịch toàn cầu giảm.
Ngay cả khi Nga không phải là mục tiêu trực tiếp, thì chắc chắn nước này vẫn sẽ phải chịu thiệt hại do thuế quan và một cuộc chiến thương mại tiềm tàng, trong đó sự sụt giảm về giá cả và nhu cầu đối với nguồn cung cấp dầu thô xuất khẩu toàn cầu chính của Nga là rủi ro kinh tế lớn.
Nga hiện đang phải đối mặt với lạm phát trong nước đáng kể (đạt mức 10,3% vào tháng 3) và ngân hàng trung ương Nga đã duy trì lãi suất cao 21% gần đây trong nỗ lực đối phó với áp lực giá do ảnh hưởng của cuộc xung đột.
“Nếu chiến tranh thương mại đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái, và đặc biệt là nếu thương mại nói chung đi xuống, nghĩa là ít hàng hóa được vận chuyển trên toàn cầu hơn, thì nhu cầu về dầu cũng sẽ giảm nếu suy thoái xảy ra, và điều đó gây ảnh hưởng tới Nga”, ông Alexander Kolyandr cho biết.
“Nhưng vấn đề của Nga không dừng lại ở dầu. Với sự bất ổn toàn cầu và lạm phát tăng đột biến, và có lẽ là sự sụt giảm doanh thu từ dầu mỏ, ngân hàng trung ương Nga sẽ thấy khó có thể bắt đầu nới lỏng lãi suất cơ bản. Điều này đang kìm hãm nền kinh tế Nga. Vì vậy, về cơ bản, khoảng 2/3 nền kinh tế quốc gia phải vay ở mức 21% thì không thể khỏe mạnh với mức lãi suất cao như vậy”, ông cho biết thêm.