Cuộc chiến thương mại của hoa hậu thời 4.0

Danh xưng hoa hậu cần được trả về đúng với mục đích, bản chất ban đầu của nó.

BÀI TOÁN KINH TẾ ĐẦY TRIỂN VỌNG

Trong những năm gần đây, các cuộc thi hoa hậu gần như nở rộ và trở thành một cuộc chiến thương mại của rất nhiều doanh nghiệp tham gia đấu thầu tổ chức. Đặc biệt, với những quy định tại Nghị định 144 đã gần như "cởi trói" cho khâu tổ chức, tạo sự gia tăng cả số lượng cuộc thi lẫn thí sinh.

Thứ nhất, Nghị định không bắt buộc thí sinh dự thi phải là nữ và có vẻ đẹp tự nhiên, điều này giúp nhiều người đẹp chuyển giới, đã phẫu thuật thẩm mỹ có điều kiện tham gia.

Thứ hai, không giới hạn cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người mẫu trong một năm. Đây được xem là sự "mở cửa" cho các cá nhân, tổ chức. Ở Việt Nam, nếu chỉ tính riêng cuộc thi mang thông điệp bảo vệ môi trường, biển đảo đã có Hoa hậu Biển Việt Nam, Hoa hậu Miền Biển Việt Nam, Hoa hậu Môi Trường Việt Nam, Hoa hậu Trái Đất Việt Nam, Hoa hậu Biển Việt Nam Toàn Cầu, Hoa hậu Đại Dương... Ấy vậy, năm 2022 Hoa hậu Biển Đảo Việt Nam tiếp tục ra đời.

Hàng loạt cuộc thi hoa hậu ồ ạt được tổ chức trong thời gian vừa qua.

Hàng loạt cuộc thi hoa hậu ồ ạt được tổ chức trong thời gian vừa qua.

Chưa bao giờ trong tiền lệ lịch sử khi nhiều cuộc thi hoa hậu được tổ chức tại Việt Nam, thí sinh và ban giám khảo là người Việt nhưng cuộc thi lại không có tên Việt hóa. Miss Peace Vietnam vẫn mãi mãi là một dấu hỏi lớn khi được dịch là Hoa hậu Hòa bình Việt Nam? Hay mới đây nhất là sự nhập nhằng về câu chuyện bản quyền giữa Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam Miss Universe Vietnam. Bùi Quỳnh Hoa không phải là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam mặc dù cô đường đường chính chính lên đường tham dự cuộc thi mẹ. Ngay sau khi mất bản quyền, Ngọc Châu - Khánh Vân đồng loạt bị đổi tên Miss Cosmo Vietnam nhằm hợp tình trước sau.

Thứ ba, cho phép công dân Việt Nam dự thi nhan sắc quốc tế mà không cần Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép.

30 cuộc thi hoa hậu diễn ra trong năm 2022, Cục biểu diễn Văn hóa nghệ thuật không quản lý giấy phép tổ chức mà bàn giao cho các địa phương trực tiếp chỉ đạo. Nếu như trước đây, Hà Nội và TP.HCM là hai địa phương có nhiều hoa hậu lên ngôi, bây giờ các tỉnh như Bình Định, Phan Thiết, Lâm Đồng, Vũng Tàu lại là vùng đất màu mỡ cho các tổ chức hoa hậu. Thực tế, những địa phương này giúp việc cấp phép biểu diễn dễ thở hơn, tạo cơ hội khai thác kinh doanh tại các cuộc thi nhan sắc. Tiêu biểu khi Ý Nhi đăng quang Miss World Vietnam 2023 trên sân nhà, Bùi Xuân Hạnh lên ngôi Miss Cosmo Vietnam 2023 giữa thời tiết giá lạnh ở Đà Lạt.

Mất dần niềm tin vào những cuộc thi sắc đẹp, vì cơ bản người chiến thắng là một dấu hỏi lớn chưa có câu trả lời.

Mất dần niềm tin vào những cuộc thi sắc đẹp, vì cơ bản người chiến thắng là một dấu hỏi lớn chưa có câu trả lời.

"Thời tôi tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam chỉ có mục đích là tôn vinh cái đẹp của người phụ nữ Việt Nam, là ngày hội văn hóa hấp dẫn, lý thú và bổ ích để định hướng cái đẹp cho tuổi trẻ, chứ không nghĩ đến việc kiếm tiền.

Tôi thấy hiện nay, nhiều cuộc thi không rõ mục đích và quy mô tổ chức nhưng vẫn dùng danh xưng hoa hậu. Điều này đã làm mất đi tính chất nghiêm túc của những cuộc thi và gây ra những hiểu lầm với công chúng" - trước thời kỳ "nở rộ" các cuộc thi hoa hậu, ông Dương Kỳ Anh - cha đẻ cuộc thi Hoa hậu Việt Nam tỏ ra ngán ngẫm.

Thời gian vừa qua, chúng ta đã chứng kiến câu chuyện cô gái 7 lần đi thi hoa hậu vẫn ngậm ngùi rớt Top 10 Miss Grand Vietnam, là sao hạng A như Kỳ Duyên vẫn chấp nhận trào lưu hoa hậu đi thi lại hoa hậu, đội vương miện xong phải khóa trang cá nhân vì bị tấn công... Đó là hàng loạt hệ lụy khiến nhiều người cần định nghĩa lại danh xưng hoa hậu trong thời điểm hiện nay.

Chưa cần đề cập tới các cuộc thi hoa khôi, người đẹp vùng miền, Huỳnh Thị Thanh Thủy vốn dĩ mang danh hiệu 'chánh cung cao quý' nhưng vẫn ngậm ngùi đi thi cuộc thi Miss International, điều mà trước đó vốn dĩ cơ hội tham dự Miss World luôn thuộc về Hoa hậu Việt Nam. Và kể từ lúc đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2022 tới nay, mọi hoạt động của Thanh Thủy đều nhạt nhòa. Người ta biết đến Thanh Thủy chỉ đơn giản vì cô là Hoa hậu Việt Nam đầu tiên công khai PTTM sau mấy tháng đăng quang.

Kể cả Hoàng Thị Nhung, tưởng chừng như danh hiệu Á hậu 1 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2023 sẽ thay đổi cuộc đời cô, nhưng "mức độ nhận diện" của nàng Á hậu vẫn đang bị cầm chừng. Nông Thúy Hằng nhiều năm lặn lội thi sắc đẹp, thế mà danh hiệu Hoa hậu các dân tộc Việt Nam vẫn không thể tạo ra điểm nhấn.

Qua các ồn ào, fan sắc đẹp đặt câu hỏi: Liệu việc chọn một cô gái đăng quang có sự "can thiệp" của ban tổ chức? Tiêu chí nào đánh giá một cô gái phù hợp và đồng hành cùng chiến lược trong tương lai? Cơ bản, hoa hậu phải là gương mặt thu lại được lợi nhuận, kêu gọi nhà đầu tư và chịu khoảng kinh phí trang trải trong cuộc thi. Ông Trần Việt Bảo Hoàng từng tuyên bố: "Chúng tôi ước tính đã chi không dưới 50 tỷ đồng để tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2023". Mức độ đầu tư khủng này cần sự hỗ trợ từ các nhà tài trợ vàng, kim cương đến từ các doanh nghiệp lớn. Ngay sau đó, hoa hậu cũng tổ chức hoạt động cá nhân, nhanh chóng "chốt" hợp đồng gương mặt đại diện cho các doanh nghiệp này.

Còn nhớ sau khi Ngọc Châu, H’Hen Niê đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, hoạt động đầu tiên của các nàng hậu là trở thành đại sứ truyền thông, quảng bá chương trình, chiến lược trong hệ thống của Ngân hàng Nam Á. Không đâu xa, Tiểu Vy, Đỗ Hà và Huỳnh Thị Thanh Thủy cũng nhanh chóng có được hợp đồng đại sứ của TMV Thu Cúc, vì đây là nơi tài trợ địa điểm làm đẹp cho họ thời điểm còn là thí sinh.

Khi có được bản quyền Miss Universe Vietnam nhưng tiềm lực chưa đủ mạnh, ban tổ chức sẽ chào mời các nhà sản xuất. Và cú bắt tay Hương Giang - DST Tiến là một ví dụ. Họ tạo ra rất nhiều tiêu chí, điều khoản nếu đăng quang hoa hậu phải xây được bao nhiêu trường học trong nhiệm kỳ của mình. Tất cả là vì mục đích kinh doanh dựa trên câu chuyện, sức ảnh hưởng của các cô gái như Kỳ Duyên, Hà Kino đang tham vọng giấc mơ Hoàn vũ.

Đã đến lúc phải đi định nghĩa lại danh xưng.

Đã đến lúc phải đi định nghĩa lại danh xưng.

Và cho dù có đăng quang đương kim hoa hậu Big 5, trọng trách của các cô gái vẫn phải trả tài trợ. Họ vẫn xuất hiện thật lộng lẫy và được truyền thông tung hô với những hashtag mỹ miều như truyền cảm hứng, hoa hậu của dự án nhân ái, làm việc không mệt mỏi... Tìm ra hoa hậu là để làm đẹp cho cuộc đời, đi tới đâu là mang niềm vui, hạnh phúc cho xã hội và hơn hết họ là đại diện cho hình ảnh phụ nữ Việt Nam, tự hào của dân tộc ra đấu trường quốc tế. Vậy vì sao biết chắc chắn nếu xướng tên Quế Anh hay Bùi Quỳnh Hoa hay Khánh Vân đăng quang sẽ bị "bash" mà ban tổ chức vẫn phải làm?

Đơn giản vì kinh doanh và vì thương mại!

Nhưng cái sai của BTC chính là đính chính quá nhiều và đưa ra giải thích không đúng thời điểm. Giữa tâm bão Lệ Nam, Bùi Lý Thiên Hương có động thái "hờn trách" và muốn đòi lại công bằng thì trên trang chủ Miss Grand Vietnam lại phân bua. Họ tuyên bố không có chuyện "dọn đường đăng quang" cho Quế Anh. Chưa kể, lời biện minh của ông Hoàng Nhật Nam cũng bị fan công kích và phải khóa bình luận.

Thực tế ở nước ngoài, cuộc thi hoa hậu, sắc đẹp được xem như một sự kiện giải trí. Chúng ta cũng nên đưa các cuộc thi sắc đẹp về đúng chỗ, không nên tâng bốc hoặc kỳ vọng rằng người đẹp sau đăng quang phải có trách nhiệm lớn với xã hội. Còn nhớ, tại một chương trình truyền hình thực tế, siêu mẫu Hà Anh đã từng nói: "Các cuộc thi, các gameshow truyền hình thực tế ở Việt Nam không đơn thuần là đi tìm kiếm talent".

"Tôi cho rằng một năm cả nước chỉ nên diễn ra hai, ba cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia để chọn những người đẹp nhất dự thi thế giới. Và các cuộc thi đó do nhà nước, những cơ quan có uy tín đứng ra quản lý, tổ chức, không nên để doanh nghiệp tư nhân tiến hành", đây là nhận định của Giáo sư tiến sĩ mỹ học Nguyễn Thế Hùng sau khi chứng kiến tình cảnh "loạn hoa hậu".

"Gà nhà" đuối sức

"Khi tuyên bố top 10 là tôi đứng hình. Tôi thấy có những bạn trong Top 10 yếu, nhìn mặt không có đặc biệt mà trả lời ứng xử cũng không hay. Tôi mới thắc mắc và nhắn tin dì Dung hỏi liền tại sao Thiên Hương và Nam Anh rớt Top 10. Sau đó dì Dung có dắt tôi ra ngoài và giải thích nhưng cũng không nói gì nhiều, tôi ấm ức lắm nên cũng không quan tâm Top 5, Hoa hậu, Á hậu là ai luôn. Nếu đúng như Top 5 mà tôi dự đoán là ngon rồi", câu nói này của bà Hoàng Thanh Nga - nhà tài trợ vương miện MGVN 2024, đã phần nào chứng minh được tính thiếu thuyết phục về kết quả cuộc thi.

Rõ ràng ồn ào của Miss Grand Vietnam 2024 đang dần đánh mất đi thương hiệu của Sen Vàng. Đúng như hoa hậu Đỗ Mỹ Linh từng nói: "Danh hiệu hoa hậu sẽ mang đến cho chúng ta nhiều cơ hội, còn biến nó thành điều gì là nằm ở khả năng của mỗi người". Dù mỗi cuộc thi đều có tiêu chí riêng, các cô gái đăng quang luôn gắn sứ mệnh cao cả, nhưng khi nghĩ về hoạt động của các người đẹp sau đăng quang, khán giả chỉ nhớ được chuyện đi từ thiện đến thăm và tặng quà, tặng tiền cho các gia đình khó khăn.

Trước Quế Anh cũng có rất nhiều cô gái từng lao đao sau giây phút đăng quang. Bùi Quỳnh Hoa bị khui ra hàng loạt scandal trong quá khứ. Thậm chí, nhiều người còn tự đi chất vấn lại tại sao một người mẫu có tiếng, một huấn luyện viên các cuộc thi sắc đẹp trong nước và có sự nghiệp kinh doanh ổn định như Quỳnh Hoa mà vẫn đi thi hoa hậu. Về cơ bản, cô gái gốc Hà Thành đã đánh mất đi hình ảnh bao nhiêu năm xây dựng chỉ vì cuộc thi.

Ngoài hình ảnh đẹp lung linh được đăng tải trên truyền thông, khán giả không rõ lắm về hiệu quả thực sự của các hoạt động cộng đồng. Còn nhớ kể từ khi kết thúc dự án "Tiếng nước reo", Trần Tiểu Vy vẫn chưa quay về với bản Nịu để nâng cấp dự án của mình, Huỳnh Nguyễn Mai Phương sau khi kết thúc Miss World lần thứ 71 cũng đã tuyên bố dừng hoạt động Yako by Maiphuong, Thanh Thủy phải "hạ mình" để đi thi Miss International...

Khánh Vân từng rất đau đáu về câu chuyện OBV - nơi cô từng cống hiến, tốn nhiều công sức để đi giải cứu các trẻ em bị xâm hại. Cô từng nói: "Trái tim em bây giờ tràn ngập yêu thương, cho dù chỉ cứu được một em bé, Vân cũng sẽ làm bằng tất cả sự cống gắng". Nhưng sau Miss Universe 2020 kết thúc, rất hiếm khi thấy cô đề cập tới ngôi làng này.

Chiếc vương miện Miss Grand Vietnam có phải là 'chiếc áo quá rộng' với Quế Anh thì cần thời gian sẽ trả lời.

Chiếc vương miện Miss Grand Vietnam có phải là 'chiếc áo quá rộng' với Quế Anh thì cần thời gian sẽ trả lời.

Ngọc Châu từng vào Top 10 Miss Supranational 2019, nhưng cô bị lao đao về học vấn, can thiệp PTTM vòng eo. Có vẻ ngôi vị á hậu 2 Miss Earth 2023 chưa đủ để Lan Anh có chỗ đứng vững vàng ở showbiz Việt.

Quế Anh đang là hoa hậu gây tranh cãi nhất hiện nay khi không nhận được sự ủng hộ của người hâm mộ sắc đẹp. Thực tế thì Sen Vàng đang luẩn quẩn không chỉ trong khâu tổ chức mà cả khi chọn tân hoa hậu, trước cái bóng thành công quá lớn từ Thùy Tiên. TNA Entertainment cũng vướng vào lùm xùm kiện tụng, kể cả UniMedia khi mất đi bản quyền Hoàn vũ đã tạo nên một nỗi đau... Vậy thì còn đâu cơ hội cho các công ty tổ chức hoa hậu nhỏ lẻ, họ lấy đâu ra sức hút, uy tín để vươn mình khẳng định tên tuổi.

Đã đến lúc nghĩ tới giải pháp: Cởi trói nhưng đừng buông thả

Trước tình trạng hiện tại của các cuộc thi hoa hậu, những chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực giải trí cũng bày tỏ quan điểm rất riêng. Ông Phạm Duy Khánh - CEO tại Five6 Entertainment cho biết: "Câu chuyện sắc đẹp và các hoa hậu nó là một bức tranh, những tập phim không bao giờ có tập cuối. Với quan điểm riêng của tôi là một đạo diễn, một đơn vị đang tổ chức các cuộc thi sắc đẹp, ở Việt Nam chỉ duy nhất một cuộc thi lớn nhất và ý nghĩa nhất về sắc đẹp và tri thức đó là Hoa Hậu Việt Nam vì đó là cuộc thi lâu đời nhất.

Còn tất cả các cuộc thi sắc đẹp khác ngoài tiêu chí sắc đẹp bên cạnh đó đều có tính chất thương mại, vì nó đều đi theo một tiêu chí riêng của mỗi cuộc thi chứ không mang một chủ trương nhất định. Nên đơn vị nào giữ được phong độ và chuẩn mực của một cuộc thi sắc đẹp đơn vị đó sẽ tồn tại lâu. Chính vì vậy phải có sự cạnh tranh và phải cạnh tranh một cách lành mạnh thì mọi thứ sẽ tốt về mặt hình ảnh và giá trị rồi mới đến kinh tế".

 Ông Phạm Duy Khánh - CEO tại Five6 Entertainment chia sẻ thẳng thắn về quy trình tổ chức các cuộc thi hoa hậu hiện nay.

Ông Phạm Duy Khánh - CEO tại Five6 Entertainment chia sẻ thẳng thắn về quy trình tổ chức các cuộc thi hoa hậu hiện nay.

Nguyên Thứ trưởng Bộ VH-TT và DL Lê Tiến Thọ từng khẳng định: "Một số cuộc thi hoa hậu được tổ chức là một hình thức làm kinh tế khi ban tổ chức kêu gọi doanh nghiệp, công ty quảng cáo để kiếm tiền, không chú trọng đến chất lượng cuộc thi, nếu lạm dụng sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường.

Một khi những cuộc thi sắc đẹp được tổ chức chỉ để đáp ứng quy luật cung - cầu như một số người nhận định thì rõ ràng cuộc thi đã bị biến tướng và trở thành hoạt động thương mại chứ không chỉ là hoạt động văn hóa thông thường".

Với bài toán thương mai hóa, trong tương lai không chỉ các cuộc thi dành cho các cô gái trẻ mà hoa hậu nhí, hoa hậu thanh thiếu niên, hoa hậu quý bà, thậm chí là nam vương cũng sẽ nở rộ. Thực tế đã trong năm 2024 có tới 3 cuộc thi cho phái mạnh ở Việt Nam: Mister World Vietnam - The Next Gentelmen - Mister Vietnam. Năm 2022, cuộc thi Hoa hậu Thiếu niên Việt Nam dành cho các thí sinh từ 13 đến 19 tuổi cũng bị tuỵt còi vì chưa được cấp phép.

Để trả lại thương hiệu cũng như nâng cao chất lượng các cuộc thi sắc đẹp, phải chăng cần siết chặt hơn về số lượng cuộc thi, lựa chọn chặt chẽ chất lượng thí sinh. Đồng thời nhằm giảm tải tình trạng bùng phát hoa hậu, người đẹp, các đơn vị cần tuân thủ theo quy định, gắn trách nhiệm với hoạt động xã hội.

Từ đó, đưa các cuộc thi hoa hậu về đúng ý nghĩa ban đầu, tìm ra những người thực sự xứng đáng với sức nặng vương miện.

Lục Sa

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/giai-tri/cuoc-chien-thuong-mai-cua-hoa-hau-thoi-4-0-202408210922406836.html
Zalo