Cuộc chiến ngầm mùa phim Tết và trò seeding bẩn để thao túng dư luận

Mùa phim Tết Nguyên đán năm nay chứng kiến cuộc cạnh tranh khốc liệt không chỉ tại phòng vé mà còn trên mặt trận truyền thông. Khi chất lượng phim không còn là yếu tố quyết định, chiêu trò 'seeding bẩn' lại trở thành vũ khí ngầm để thao túng dư luận và dẫn dắt khán giả.

Cuộc đấu phim Tết Nguyên đán năm nay đang trở nên khó đoán hơn bao giờ hết. Thay vì chỉ có một ngựa chiến, đường đua chứng kiến những cú twist bất ngờ tại phòng vé. Ngôi vị đầu bảng liên tục thay đổi, từ Bộ tứ báo thủ của Trấn Thành đến Nụ hôn bạc tỷcủa Thu Trang, rồi lại có thêm sự xuất hiện của phim kinh dịĐèn âm hồn.

Tuy nhiên, một số tác phẩm hạ gục đối thủ không phải nhờ chất lượng nội dung mà nhờ chiến dịch quảng bá rầm rộ. Thậm chí, có ê-kíp lợi dụng chiêu trò, seeding bẩn để thao túng dư luận và tạo hiệu ứng giả trên mạng xã hội.

Khen chê hỗn loạn

Trong suốt những ngày Tết, mạng xã hội xuất hiện hàng loạt bình luận trái ngược về chất lượng các phim Việt phát hành. Phải nói rằng chưa bao giờ các dự án nội địa lại khiến khán giả bức xúc đến thế.

Nổi bật là Bộ tứ báo thủ của Trấn Thành, liên tục nhận nhiều lời chê bai thậm tệ như: “Đừng xem phim Trấn Thành”, “dở kinh hồn bạt vía”, “phim chiếu rạp mà như phim trên YouTube”, “không nên bỏ tiền xem phim của Trấn Thành” …

Thậm chí, nhiều bình luận đòi “tẩy chay phim Trấn Thành”, có ý kiến cho rằng xem Bộ tứ báo thủ là phí thời gian và yêu cầu ê-kíp phải trả lại tiền vé vì nội dung nhạt nhẽo, kịch bản thiếu sáng tạo và không đáp ứng kỳ vọng của khán giả.

Bộ tứ báo thủ nhận hàng loạt lời chê thậm tệ.

Bộ tứ báo thủ nhận hàng loạt lời chê thậm tệ.

Ở chiều trái ngược, Nụ hôn bạc tỷ lại nhận được nhiều lời khen ngợi lên mây: “Phim Việt hay nhất mùa Tết”, “bất ngờ lớn của năm nay”, “xứng đáng bỏ tiền vé, “phim của Thu Trang quá xuất sắc”, “trên cả tuyệt vời”…

Các bình luận nêu trên xuất hiện nhan nhản ở khắp mọi nơi trên các mạng xã hội, từ các fanpage, hội nhóm thảo luận phim đến các diễn đàn trực tuyến, tạo nên luồng ý kiến trái chiều sôi nổi.

Đáng chú ý, nhiều người dùng mạng xã hội không ngại khen Nụ hôn bạc tỷ ngay dưới bài đăng có nội dung về Bộ tứ báo thủ, cho rằng phim của Thu Trang hay hơn phim đồng nghiệp.

Một số người nổi tiếng đăng bài chia sẻ về Bộ tứ báo thủ trên trang cá nhân cũng bị hàng loạt nick ảo tấn công, như diễn viên Lê Giang hay ca sĩ Anh Tú.

Thực tế, Nụ hôn bạc tỷ không phải là phim tốt, chất lượng chỉ ở mức trung bình. Dự án đầu tay của Thu Trang còn nhiều hạn chế vì lạm dụng các mảng miếng hài nhảm, diễn xuất yếu, kịch bản khiên cưỡng và thông điệp truyền tải cũng thiếu sức nặng.

Thành công của Nụ hôn bạc tỷ chủ yếu nhờ chiến lược quảng bá rầm rộ và yếu tố “thiên thời, địa lợi”. Khi phim Trấn Thành bị chê quá mức, khán giả buộc phải tìm đến các phim Việt khác như một lựa chọn an toàn để giải trí.

Nhưng đằng sau đó, rất có thể là những chiến dịch truyền thông ngầm, lợi dụng làn sóng chỉ trích đối thủ để tạo hiệu ứng tích cực cho dự án cá nhân.

Nụ hôn bạc tỷ được khen lên mây dù chất lượng phim chỉ ở mức trung bình.

Nụ hôn bạc tỷ được khen lên mây dù chất lượng phim chỉ ở mức trung bình.

“Seeding bẩn”

"Seeding bẩn" trong ngành phim là khái niệm dùng để chỉ những chiêu trò quảng bá không lành mạnh, định hướng dư luận về một bộ phim theo hướng thiên lệch.

Ê-kíp có thể tạo ra những bài review, đánh giá tích cực với nội dung dựng sẵn để nâng cao danh tiếng cho phim. Hoặc ngược lại, họ sẽ dùng các đánh giá tiêu cực nhằm làm giảm giá trị và hạ bệ phim đối thủ.

Chiến lược seeding vẫn có thể thành công nếu áp dụng đúng thời điểm, giúp tác phẩm gia tăng độ nhận diện, thu hút khán giả và cải thiện doanh thu phòng vé.

Nhưng “seeding bẩn” cũng là con dao hai lưỡi. Khi khán giả phát hiện bị thao túng, niềm tin vào dự án và nhà sản xuất sẽ sụt giảm nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến làn sóng tẩy chay gây tổn hại lâu dài cho ê-kíp.

Việc khen chê hỗn loạn trên mạng xã hội còn có thể mang đến nhiều tác động tiêu cực đến thị trường phim. Khán giả khó phân biệt được đâu là đánh giá thật, đâu là ý kiến seeding có chủ đích, dẫn đến hiểu sai về chất lượng thực sự của phim.

Trên thế giới, “seeding bẩn” cũng là một vấn nạn và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành công nghiệp điện ảnh.

Nhiều nền tảng nổi tiếng như IMDb, Rotten Tomatoes đã phải áp dụng các biện pháp kiểm soát review giả để bảo vệ tính công bằng trong đánh giá, giúp khán giả có cái nhìn khách quan hơn về bộ phim.

Chiêu trò seeding bẩn không chỉ diễn ra ở mùa phim Tết năm nay.

Chiêu trò seeding bẩn không chỉ diễn ra ở mùa phim Tết năm nay.

Thực tế cho thấy các chiêu trò truyền thông, seeding “bẩn” không phải mới xuất hiện ở nước ta mà đã tồn tại từ lâu. Nhiều phim Việt có chất lượng không tốt nhưng được khen ngợi một cách thái quá mỗi khi phát hành, nhờ đó thu lợi tại phòng vé.

Ở thời điểm Tết Nguyên đán, khán giả thường có tâm lý dễ dãi, ít có thời gian để nghiên cứu kỹ về một bộ phim khi ra rạp. Do đó, họ dễ bị tác động bởi những chiến dịch truyền thông và các chiêu trò seeding, dẫn đến việc lựa chọn phim dựa trên hiệu ứng đám đông thay vì chất lượng.

Nhưng đó cũng là cơ hội, tạo điều kiện để ê-kíp tạo ra một “cuộc chiến ngầm" về truyền thông, nơi các chiêu trò seeding bị lạm dụng.

Điều đó khiến khán giả đặt kỳ vọng cao nhưng lại nhanh chóng thất vọng. Sau khi bỏ tiền ra rạp để trải nghiệm thực tế, nhiều người chắc chắn sẽ thấy hụt hẫng vì chất lượng phim khác xa so với những lời khen ngợi “có cánh” trên mạng xã hội, dần dần sẽ dẫn đến việc mất niềm tin và quay lưng với thị trường nội địa.

Minh Nhật

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cuoc-chien-ngam-mua-phim-tet-va-tro-seeding-ban-de-thao-tung-du-luan-post1716067.tpo
Zalo