Cuộc chiến giữa các hiệu sách Pháp và đế chế quyền lực Hachette
Nhiều hiệu sách tại Pháp đang phản đối sức ảnh hưởng của tỷ phú sở hữu Hachette bằng cách hạn chế đơn đặt hàng của công ty này, theo The Guardian.
Hàng chục hiệu sách độc lập tại Pháp đang cố gắng chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Vincent Bollore, người sở hữu đế chế truyền thông rộng lớn bao gồm truyền hình, phát thanh, tờ báo chủ nhật Le Journal du Dimanche và thêm tập đoàn xuất bản, phân phối sách lớn nhất tại Pháp Hachette Livre kể từ năm 2023.

Đế chế truyền thông lớn của Bollore. Ảnh: altermidi.org.
Phản ánh sự chia rẽ
Bollore gần đây trở nên nổi tiếng ở Pháp vì tập đoàn của ông sở hữu CNews, kênh tin tức được xem nhiều nhất trên TV tại Pháp. Kênh này đang bị nhiều nhân vật cánh tả chỉ trích vì là diễn đàn cho những tiếng nói ủng hộ phe cực hữu. Cựu Bộ trưởng Giáo dục Pap Ndiaye từng mô tả Bollore "rất gần với phe cực hữu cấp tiến".
Trong phiên điều trần tại Thượng viện Pháp năm 2022, Bollore phủ nhận bất kỳ ý định chính trị nào, nói rằng mục đích của ông trong việc mua lại CNews hoàn toàn là về lợi nhuận và muốn xây dựng đế chế văn hóa để thúc đẩy quyền lực mềm của Pháp. Ông cho biết tập đoàn của ông rất lớn và các đơn vị truyền thông bao trùm mọi quan điểm chính trị.
Tuy nhiên, một số hiệu sách độc lập cho rằng thật nguy hiểm khi một tập đoàn có ảnh hưởng quá lớn đến các sản phẩm văn hóa. Hachette Livre, trực thuộc tập đoàn Lagardere, đã được nhà xuất bản Vivendi của Bollore mua lại vào năm 2023. Hiện Hachette Livre là nhà xuất bản và phân phối sách số một tại Pháp.
Ngành sách Pháp hành động tập thể
Thibaut Willems, chủ sở hữu hiệu sách độc lập Le Pied a Terre ở quận 18 của Paris là một trong những người bày tỏ phản đối bằng cách hạn chế đơn đặt hàng sách Hachette Livre và đặt chúng ở các kệ thấp hơn. Ông chia sẻ: "Ngành sách rất quan trọng".
Các nhóm phản đối cũng phối hợp với động thái này bằng cách bỏ các thanh đánh dấu trang có dòng chữ "tẩy chay Hachette" và nêu chi tiết về quy mô của đế chế Bollore trong các cuốn sách.
Những cuốn sách thường được chọn là hồi ký của cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson, được Hachette xuất bản tại Pháp hay sách của Jordan Bardella, lãnh đạo trẻ của đảng cực hữu National Rally. Ông này có tác phẩm Ce que je cherche (What I'm Looking For) đã bán được hơn 150.000 bản nhờ sức mạnh của cỗ máy quảng cáo do Bollore đứng sau.
Tại Lyon, Martin Beddeleem, chủ hiệu sách độc lập La Virevolte cho biết: “Trong thế giới sách, chúng tôi lâu nay đã lo lắng về sự tập trung quyền sở hữu quá mức từ khâu biên tập sách đến xuất bản và phân phối”. Trong bối cảnh chính trị phân cực hiện tại ở Pháp, ông cảm thấy rằng sách có thể trở thành “vũ khí”.
Beddeleem cho biết việc ngừng mua sách từ một gã khổng lồ như Hachette là điều không thể và sẽ “giết chết hiệu sách của chúng tôi”. Vì vậy thay vào đó, những bước đi nhỏ, bao gồm không đặt mua loạt truyện tranh thiếu nhi, giảm mua sách khoa học xã hội của Hachette và thay vào đó chọn các nhà xuất bản khác.
“Một hiệu sách nhỏ như chúng tôi làm điều này sẽ không gây ra thiệt hại gì nhiều [cho Hachette], nhưng ít nhất thì chúng tôi cảm thấy điều đó có ý nghĩa”, ông cho biết. Hiệu sách của ông sẽ tổ chức một cuộc tranh luận công khai về vấn đề này vào tháng 6.
Tiểu thuyết gia người Pháp đoạt giải Nobel Annie Ernaux cũng từng lên tiếng rằng sẽ từ chối xuất bản sách với tập đoàn này.
Tuần này, đơn vị đại diện cho lực lượng lao động tại Hachette Livre cũng đã bày tỏ lo ngại về điều họ gọi là đường lối biên tập thiên về lập trường cực hữu trong các đơn vị truyền thông và truyền hình trực thuộc sự lãnh đạo của Bollore.
Jean-Yves Mollier, một nhà sử học về xuất bản tiếng Pháp và là giáo sư tại Đại học Versailles-Saint-Quentin-en-Yvelines, cho biết quá trình mở rộng sức ảnh hưởng của Bollore đã đưa thêm "một tập đoàn xuất bản khổng lồ" vào thế lực của một đế chế truyền thông.
Mollier ví điều này giống như sự lớn mạnh của ông trùm truyền thông Rupert Murdoch sang lĩnh vực xuất bản sách tại Mỹ. Ông cho biết: "Tôi nghĩ rằng đối với quyền tự do biểu đạt và chủ nghĩa đa nguyên thì xu hướng này có thể gây ra rủi ro".