Cuộc chiến bảo vệ bản quyền thời đại số
Sự việc chương trình Gặp nhau cuối năm - Táo Quân 2025 của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) bị vi phạm bản quyền, thậm chí bị khiếu nại 'ngược' trên nền tảng mạng xã hội, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng xâm phạm bản quyền ngày càng nghiêm trọng trong thời đại số.
Chỉ tính riêng VTV trong năm 2024 đã phải xử lý hơn 43.000 vụ vi phạm bản quyền nhưng vẫn không thể kiểm soát triệt để tình trạng này. Các hành vi cắt ghép, phát tán nội dung trái phép trên mạng xã hội đã gây thiệt hại lớn cho các đơn vị sản xuất, làm giảm giá trị thương mại của tác phẩm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sáng tạo. Nhưng vi phạm bản quyền không chỉ diễn ra trên không gian mạng, mà còn xuất hiện trực tiếp tại các chương trình biểu diễn, khi nhiều khán giả ngang nhiên quay phim, chụp hình bất chấp quy định cấm.
Nếu như việc phát tán các chương trình truyền hình lên mạng khiến nhà sản xuất thất thu, thì việc quay lén tại các buổi diễn cũng gây tổn thất không kém. Đằng sau mỗi chương trình là công sức của cả ê kíp nghệ sĩ, kỹ thuật viên, nhà sản xuất.
Một đoạn video bị chia sẻ trên mạng có thể làm giảm giá trị của buổi diễn, ảnh hưởng đến doanh thu bán vé và phá vỡ tính độc quyền của chương trình. Hơn nữa, ánh sáng từ màn hình điện thoại, tiếng ồn từ thiết bị và hành động giơ máy quay lên cao còn làm gián đoạn sự tập trung của nghệ sĩ và những khán giả khác, làm giảm trải nghiệm nghệ thuật trọn vẹn.
Giải quyết vấn đề này cũng cần có sự phối hợp của nhiều bên. Các nền tảng mạng xã hội như TikTok, YouTube, Facebook phải có cơ chế kiểm duyệt mạnh mẽ hơn, chủ động phát hiện và gỡ bỏ nội dung vi phạm, thay vì chỉ xử lý khi có khiếu nại.
Các cơ quan quản lý cần đưa ra chế tài nghiêm khắc, có thể phạt nặng hoặc xử lý hình sự đối với những hành vi vi phạm bản quyền nghiêm trọng. Đặc biệt, chính các đơn vị tổ chức sự kiện cũng cần siết chặt kiểm soát bằng cách sử dụng công nghệ nhận diện hình ảnh, tăng cường nhắc nhở và có biện pháp xử lý ngay tại chỗ đối với những trường hợp vi phạm.
Quan trọng hơn cả, mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức bảo vệ bản quyền. Không chỉ là việc “không quay phim” mà còn là “không chia sẻ, không tiếp tay” cho những nội dung vi phạm. Một môi trường sáng tạo lành mạnh chỉ có thể tồn tại khi có sự tôn trọng từ cả người làm nội dung lẫn khán giả. Nếu không có những hành động quyết liệt ngay từ bây giờ, tình trạng xâm phạm bản quyền sẽ tiếp tục leo thang, gây tổn hại không chỉ cho các nghệ sĩ mà còn cho chính nền văn hóa - nghệ thuật của chúng ta.