Cuộc cách mạng số mang lại hiệu quả vượt trội cho nông dân, HTX ở xứ đệ nhất danh trà
Việc ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số ở các HTX, hộ nông dân tại Thái Nguyên đã và đang mang lại nhiều kết quả tích cực, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, phát triển du lịch và tạo nhiều việc làm cho người lao động.
Thái Nguyên là một trong những vùng sản xuất chè lớn nhất cả nước, với “tứ đại danh trà” gồm Tân Cương, La Bằng, Khe Cốc, Trại Cài. Bên cạnh đó, tỉnh còn có nhiều đặc sản nông nghiệp nổi tiếng như măng khô, miến, gạo bao thai Định Hóa, gạo nếp vải Phú Lương, “tương Úc Kỳ” Phú Bình…
Phát huy thế mạnh
Những sản phẩm nông nghiệp đặc sắc, cùng những di tích lịch sử giàu giá trị văn hóa, tâm linh, đi kèm diện tích rừng lớn, lưu giữ nhiều loại cây quý với thảm thực vật và các loại thảo dược rất phong phú... giúp tỉnh Thái nguyên có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch.
Dựa trên những thế mạnh sẵn có, trong những năm gần đây, các HTX tại Thái Nguyên đã tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, tạo điểm tựa để đưa nông sản đặc trưng lên các sàn thương mại điện tử, phát triển du lịch sinh thái.

Sản xuất giàu khoa học kỹ thuật giúp các HTX chè điển hình ở Thái Nguyên như La Bằng, Tâm Trà Thái, Hảo Đạt... nâng cao giá trị.
Điển hình, HTX Tâm Trà Thái, tọa lạc tại vùng chè nổi tiếng Tân Cương, thành phố Thái Nguyên, là một trong những mô hình tiêu biểu về việc ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh chè.
Đáng chú ý, nhận thức được vai trò của chuyển đổi số, HTX Tâm Trà Thái đã tích cực đưa sản phẩm lên các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, và đặc biệt là sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo để tiếp cận khách hàng rộng hơn.
Để quá trình “số hóa” nhanh hơn, HTX đã tham gia các lớp chuyển đổi số, giúp thành viên tự tin livestream bán hàng, sử dụng thành thạo các ứng dụng vận chuyển và quản lý đơn hàng. Khách hàng chỉ cần quét mã QR trên sản phẩm để kết nối trực tiếp với nhà sản xuất, đảm bảo thông tin minh bạch và hạn chế hàng giả.
Tương tự, HTX chè Hảo Đạt đã chuyển đổi từ sản xuất thủ công sang sử dụng các thiết bị hiện đại, tự động hóa trên 70% quy trình sản xuất, với công suất từ 4,0 - 4,5 tấn chè búp tươi/ngày. Điều này không chỉ tăng năng suất mà còn đảm bảo chất lượng đồng đều cho sản phẩm.
Bên cạnh hiện đại hóa quy trình sản xuất, HTX chè Hảo Đạt cũng không đứng ngoài “cuộc cách mạng 4.0” khi lần lượt triển khai bán hàng trên các nền tảng như Facebook, Zalo, Shopee, Lazada, giúp sản phẩm tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. Việc sử dụng mã QR để quản lý chất lượng sản phẩm cũng được HTX áp dụng, tăng cường niềm tin từ người tiêu dùng.
Hiệu quả vượt trội
Có thể thấy, các HTX, tổ hợp tác đang trở thành điểm tựa để các thành viên, nông dân liên kết ứng dụng khoa học công nghệ, đưa số hóa vào quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, từ đó nâng cao giá trị kinh tế, làm giàu bền vững.
Sự phát triển vượt bậc của các HTX đến từ sự đồng hành của các ban ngành địa phương, đặc biệt là sự hỗ trợ thiết thực của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên trong các vấn đề về nhân lực, xúc tiến thương mại, chuyển giao khoa học kỹ thuật…
Điển hình, Liên minh HTX Việt Nam, cùng với Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên, đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các HTX nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng quản trị, điều hành.
Chẳng hạn, HTX Chè Tâm Trà Thái đã tham gia các khóa đào tạo về chuyển đổi số, giúp cải thiện hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử; HTX Dịch vụ Nông nghiệp Phú Lương được hỗ trợ đào tạo về kỹ thuật canh tác và các chuẩn mực chất lượng quốc gia như VietGAP, hữu cơ.
Cùng với sự đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh và các địa phương, nhiều HTX đã được hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi hoặc hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị. Như HTX Chè Hảo Đạt được hỗ trợ đầu tư máy sao, sấy chè tự động, giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tự Nhiên nhận hỗ trợ 50% chi phí xây dựng hầm bảo quản nông sản…

Nhiều HTX chè ở Thái Nguyên đang đẩy mạnh sản xuất xanh kết hợp du lịch trải nghiệm.
Bên cạnh đó, Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki để đưa sản phẩm HTX lên bán trực tuyến. Hỗ trợ quảng bá, kết nối HTX với hệ thống siêu thị, nhà phân phối lớn, giúp tăng cơ hội tiêu thụ.
Chính những chính sách hỗ trợ kịp thời, cùng sự nỗ lực tự thân không ngừng nghỉ, các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên ngày càng khẳng định vai trò trong quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp tại các địa phương theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng.
Đáng chú ý, cùng với nỗ lực phát triển sản xuất, không ít HTX ở Thái Nguyên đang kết hợp thành công mảng du lịch sinh thái, trải nghiệm, thu hút hàng vạn du khách mỗi năm, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho thành viên, hộ liên kết.
Hướng tới nông nghiệp xanh
Có thể kể ngay đến HTX Du lịch cộng đồng Ghềnh Chè, xóm Tiền Tiến, xã Bình Sơn (TP. Sông Công) đang thu hút hơn 30 thành viên và hộ liên kết, phát triển các nhóm dịch vụ chính như điều hành tour du lịch, cơ sở lưu trú, bán đồ lưu niệm…
Giám đốc HTX Ghềnh Chè Lê Văn Hiệp cho biết, phát huy lợi thế nước mặt rộng lớn của hồ Ghềnh Chè, HTX đã liên kết với các hộ dân trong khu vực đầu tư 30 lồng nuôi cá với tổng diện tích 10.000m2, vừa để phục vụ nhu cầu ăn uống của du khách vừa để mọi người chiêm ngưỡng khi đến tham quan.
Ngoài ra, HTX Ghềnh Chè cũng liên kết với HTX trà Cao Sơn (xóm Khe Lim, xã Bình Sơn) tổ chức cho du khách tham gia các hoạt động thăm trải nghiệm thực tế thu hái, chế biến, thưởng thức chè…
Nhờ kết hợp hiệu quả giữa sản xuất và du lịch, thu nhập của thành viên, hộ liên kết của HTX ngày càng được nâng lên. Đến nay, 100% thành viên HTX có thu nhập khá, bình quân 100-300 triệu đồng/hộ/năm. HTX cũng là địa chỉ quen thuộc để nông dân địa phương đến học hỏi kinh nghiệm.
Trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do công nghiệp hóa, hiện đại hóa, việc lựa chọn phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái là hướng đi hiệu quả, cần được chú trọng khai thác để nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn.
Với những thành công đang có, thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên dự kiến tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ thiết thực hơn, trong đó phát huy tốt vai trò cầu nối, dẫn dắt của các HTX trong phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch trải nghiệm, tạo cơ chế hình thành chuỗi liên kết giữa HTX và doanh nghiệp lữ hành để thu hút nhiều du khách cả trong và ngoài nước, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân, hướng tới phát triển nền nông nghiệp hiện đại theo hướng an toàn sinh thái, nâng cao giá trị gia tăng.