Cuộc bầu cử hé lộ sự chia rẽ Đông và Tây Đức, 30 năm sau thống nhất

Bất mãn trước những lời hứa vô nghĩa của các chính trị gia, người dân Đông Đức chuyển sang ủng hộ đảng cực hữu AfD và ngày càng mong muốn thể hiện bản sắc riêng của mình.

Ở rìa phía đông của nước Đức cũ, bác sĩ Thomas Jähn gặp bệnh nhân của mình năm ngày một tuần. Một số người đến để nói về sức khỏe của chính họ, những người khác nói về sức khỏe của nền dân chủ Đức.

Họ nói về bưu điện địa phương vừa đóng cửa, về tuyến tàu đến Berlin không bao giờ được xây dựng như đã hứa, về việc sản xuất than đang được loại bỏ gần đó và hàng nghìn công việc đi cùng với nó. Họ cũng nói về sự bất bình đẳng kéo dài giữa Đông và Tây ba thập kỷ sau khi Bức tường Berlin sụp đổ.

Ở Forst, miền Đông nước Đức, một trung tâm dệt may đã mất hàng nghìn việc làm và một nửa dân số sau khi Bức tường Berlin sụp đổ. Ảnh: New York Times.

Ở Forst, miền Đông nước Đức, một trung tâm dệt may đã mất hàng nghìn việc làm và một nửa dân số sau khi Bức tường Berlin sụp đổ. Ảnh: New York Times.

"Họ hỏi tôi 'Bầu cử để làm gì khi không ai lắng nghe?'", New York Times dẫn lời bác sĩ Jähn nói. Bác sĩ Jähn, một bác sĩ gia đình ở thị trấn nhỏ Forst, đã lắng nghe.

Ba tháng trước, ông được bầu vào hội đồng thị trấn cho đảng cực hữu Lựa chọn cho nước Đức (AfD), bên cạnh các nhân vật đáng kính khác trong cộng đồng: một lính cứu hỏa, một thợ sửa ống nước, một doanh nhân và một huấn luyện viên bóng đá.

Biểu trưng của nước Đức chia rẽ

Ở Tây Đức, phe cực hữu có thể bị lép vế, bị phe bảo thủ của Thủ tướng Angela Merkel bỏ xa và giành được chưa đầy một nửa sự ủng hộ so với đảng tự do mới nổi Greens.

Nhưng ở đây, ở miền Đông, Lựa chọn cho nước Đức, được biết đến với tên viết tắt tiếng Đức là AfD, đang cạnh tranh để trở thành số 1.

Theo New York Times, với lực lượng chính trị rộng khắp từ cấp cơ sở, đảng AfD đã trở thành biểu trưng cho một nước Đức bị chia rẽ giữa Đông và Tây hơn bất cứ lúc nào kể từ khi thống nhất đất nước.

Đó là lý do khiến các cuộc bầu cử bang ngày 1/9 ở Saxony và Brandenburg, 30 năm sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, có tầm quan trọng mang tính biểu tượng.

Một sự kiện chiến dịch bầu cử AfD. Ảnh: New York Times.

Một sự kiện chiến dịch bầu cử AfD. Ảnh: New York Times.

AfD đã xâm nhập vào sự chia rẽ Đông - Tây và làm cho nó trở nên trầm trọng hơn bằng cách tích cực biến mình thành một đảng bản sắc miền Đông.

"Bản sắc Đông Đức là một phần bản sắc của AfD. Có những người miền Tây và miền Đông, trải nghiệm của họ rất khác nhau", Norbert Kleinwächter, nhà lập pháp quốc gia của AfD, người đã vận động tranh cử ở Forst vào một buổi tối gần đây, nói với New York Times.

Những thông điệp như vậy được tiếp nhận tốt vào thời điểm các cử tri ở miền Đông cũ bắt đầu nói với những người thăm dò ý kiến rằng họ tự xác định là "người Đông Đức". Hơn 70% người Tây Đức chỉ đơn giản nhận thấy là "người Đức", theo một cuộc khảo sát gần đây của viện Allensbach. Ở miền Đông, điều đó chỉ đúng với 40%.

Tại Brandenburg và Saxony, hai bang bỏ phiếu vào cuối tuần này, các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy sự ủng hộ AfD lên tới 25%. Ngày 1/9, khi các cử tri bầu ra một cơ quan lập pháp khu vực mới, đảng này có thể đứng đầu ở một hoặc cả hai khu vực.

Lời hứa không thành

Ulrich Mäbert, một doanh nhân địa phương tại thị trấn Forst, chuyển sang bỏ phiếu cho AfD sau nhiều năm bỏ phiếu cho đảng bảo thủ của bà Merkel, đối tác liên minh của đảng bà Merkel - đảng dân chủ xã hội - và một lần cho Greens.

"Đây là khu vực công nghiệp của chúng tôi. Các chính trị gia hứa hẹn về đầu tư và việc làm nhưng không bao giờ thực hiện", ông nói một cách cay đắng, chỉ tay về những cánh đồng trống không.

Ông Mäbert nhớ lại sự hưng phấn cách đây 30 năm, khi người thầy và người tiền nhiệm của bà Merkel, Helmut Kohl, hứa với người miền Đông về phép màu kinh tế ở một nước Đức thống nhất.

"Vào những ngày đó, áp phích bầu cử đã hứa với chúng tôi 'Những cánh đồng nở hoa'. Và tất cả chúng tôi đều tin vào điều đó. Giờ không ai còn tin nữa", ông nói.

Đông Đức cũng có các cơ sở than lớn, như mỏ và nhà máy điện này tại Jänschwalde, ở một quốc gia đang tìm cách bắt đầu loại bỏ nhiên liệu hóa thạch. Ảnh: New York Times.

Đông Đức cũng có các cơ sở than lớn, như mỏ và nhà máy điện này tại Jänschwalde, ở một quốc gia đang tìm cách bắt đầu loại bỏ nhiên liệu hóa thạch. Ảnh: New York Times.

Mọi thứ đã dần được cải thiện kể từ những năm 1990, khi chỉ trong vài năm, toàn bộ ngành dệt may sụp đổ và thất nghiệp gia tăng.

Ngày nay, ngân sách của chính phủ đã giúp cải thiện đường và các tòa nhà công cộng trong thị trấn. Forst có một bể bơi được cải tạo gần đây. Một nửa dân số thị trấn sống trong những ngôi nhà của chính họ.

Bây giờ chính phủ đã quyết định ngừng sản xuất than, hàng tỷ USD nữa sẽ đổ vào để giúp bù đắp cho những mất mát trong công việc.

Nhưng, như Carola Friebel, một chủ cửa hàng địa phương, đã nói: "Người dân không muốn tiền, họ muốn có tương lai".

Cửa hàng văn phòng phẩm của bà Friebel là một trong số ít cửa hàng còn sót lại trong tòa nhà từ thế kỷ 19. Cũng như nhiều người khác, các con của bà chuyển đi để tìm việc làm khi trưởng thành.

35% dân số trên 60 tuổi. Thị trưởng Taubenek cho biết họ đã mất hai thế hệ. Nhưng kinh tế chỉ là một lý do khiến người dân Forst nổi loạn chống lại các đảng cánh tả và cánh hữu truyền thống. Nguyên nhân khác là họ bất mãn nhận thấy mọi thứ đã được định đoạt và họ không có quyền lên tiếng.

"Chính trị chỉ để trưng bày. Đồng tiền thống trị", Diana Sonntag, một chủ nhà hàng, cho biết.

Thất vọng và bất mãn

Trước đây, các doanh nghiệp địa phương bị chiếm đoạt. Sau ngày thống nhất, nạn thất nghiệp gia tăng và chỉ sau một đêm, bằng cấp của người dân trở nên vô nghĩa.

Margrid Schmidt, giáo viên mẫu giáo 76 tuổi đã nghỉ hưu, đã tham dự một cuộc biểu tình của AfD vào tuần trước. Bà nhớ rõ khi người ta nói rằng bằng cấp của bà không còn đủ điều kiện để có thể làm việc trong nhà trẻ, sau khi nước Đức thống nhất.

Bà phải được đào tạo lại. "Một trăm giờ để học cách làm công việc tôi đã làm trong 20 năm", bà nói.

Steffen Kubitzki (giữa) tại một sự kiện họp mặt của đảng AfD. Ảnh: New York Times.

Steffen Kubitzki (giữa) tại một sự kiện họp mặt của đảng AfD. Ảnh: New York Times.

Cảm giác bất công ngày càng in sâu. Với sự xuất hiện của hơn một triệu người di cư ở Đức vào năm 2015, nó càng trở nên sâu sắc hơn.

Mặc dù Forst có ít người di cư, nhiều người phàn nàn rằng chính phủ đang đối xử với người nước ngoài hào phóng hơn so với người Đức đang gặp khó khăn.

"Bố mẹ tôi khoảng 50 tuổi khi bức tường sụp đổ", ông Mario Fitzke, một thợ sửa xe địa phương, cho biết.

"Họ từng hy vọng để rồi thất vọng và nhục nhã. Rồi họ thấy những gì người tị nạn nhận được - tất cả những thứ mà chúng tôi không có. Điều đó khiến họ giận dữ", ông nói.

Jörg Rakete, một nhà dân chủ xã hội và thị trưởng của một ngôi làng gần đó, cho biết các đảng truyền thống cần thể hiện sự khiêm nhường.

Tại làng của ông, bốn trong số 10 người bỏ phiếu cho AfD. "Ở cấp độ nhà nước và quốc gia, họ là những kẻ cực đoan. Ở cấp độ địa phương, họ thường là những công dân không còn cảm thấy được đại diện nữa", ông nói.

Tuyết Mai
Theo New York Times

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/cuoc-bau-cu-he-lo-su-chia-re-dong-va-tay-duc-30-nam-sau-thong-nhat-post985308.html
Zalo