Cung ứng lao động cho thị trường 'khó tính'

Thời gian qua, nhiều đối tác trong và ngoài nước đã đến Đại học Huế để hợp tác trong đào tạo, tiến đến cung ứng lao động.

 Sinh viên Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - Đại học Huế thực tập tại doanh nghiệp

Sinh viên Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - Đại học Huế thực tập tại doanh nghiệp

Lựa chọn Đại học Huế

Những ngày cuối tháng 6/2024, Đại học Huế có buổi làm việc với Công ty TNHH LG Innotek Việt Nam Hải Phòng về kế hoạch hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu và tuyển dụng sinh viên Đại học Huế. Trước mắt trong năm 2024, hai bên xúc tiến các chương trình thực tập dành cho sinh viên Đại học Huế tại LG Innotek. Theo đó, 100 sinh viên đầu tiên của Đại học Huế sẽ đến LG Innotek thực tập được trả lương trong tháng 7/2024. Về lâu dài, hai bên sẽ cùng xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của LG Innotek; phối hợp xây dựng phòng nghiên cứu, phát triển công nghệ giữa giảng viên của Đại học Huế và LG Innotek.

Trước đó khoảng 10 ngày, Đại học Huế cũng đã ký biên bản ghi nhớ thúc đẩy hợp tác với Công ty CP Nisso Kosan, Nhật Bản trong đào tạo và tuyển dụng nguồn nhân lực. Theo đó, Đại học Huế sẽ phối hợp cùng Công ty CP Nisso Kosan và Tập đoàn Meisei Nhật Bản tổ chức các chương trình hội thảo tư vấn và định hướng nghề nghiệp cho sinh viên; mở các lớp đào tạo tiếng Nhật, đào tạo kỹ năng văn hóa Nhật Bản, nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ kỹ sư cho thị trường Nhật Bản trong tương lai.

Đại diện Công ty CP Nisso Kosan cho hay, dân số Nhật Bản đang ngày càng già hóa, dẫn đến thiếu hụt nghiêm trọng nguồn lao động ở trên nhiều lĩnh vực. Vì vậy, rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản phải tìm kiếm thị trường lao động nước ngoài để duy trì sản xuất. Vì sự quan trọng đó, Công ty CP Nisso Kosan cùng Tập đoàn Meisei Nhật Bản trao tặng khóa học miễn phí tiếng Nhật trình độ sơ cấp đến trung cấp, cùng khoản tài trợ học bổng 5.000 USD/mỗi năm trong vòng 5 năm đối với sinh viên Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - Đại học Huế khi đăng ký tham gia chương trình đào tạo do hai đơn vị phối hợp tổ chức.

Cũng trong tháng 6/2024, nhằm đáp ứng nhu cầu về nhân lực của tổng công ty tại Nhật Bản và nguồn nhân lực cho kế hoạch mở rộng chi nhánh tại Việt Nam trong giai đoạn tới, Công ty Flint, thuộc Tập đoàn FCC Nhật Bản đã có cái “bắt tay” chính thức với Trường đại học Khoa học, Đại học Huế về đào tạo cung ứng lao động cho công ty. Flint Nhật Bản chú trọng chương trình đào tạo của sinh viên ngành công nghệ thông tin, về lập trình phần mềm, website, C/C++… của Trường đại học Khoa học, nên hai bên thống nhất đào tạo các ngành và chương trình học phù hợp; phối hợp thực tập, thực tế cho sinh viên và cơ hội việc làm sau khi ra trường.

 Doanh nghiệp tham gia góp ý chương trình đào tạo tại Đại học Huế

Doanh nghiệp tham gia góp ý chương trình đào tạo tại Đại học Huế

Làm hài lòng thị trường “khó tính”

Theo đánh giá của Đại học Huế, những đối tác đến hợp tác để cung ứng nguồn lao động thời gian qua là những doanh nghiệp hàng đầu ở các lĩnh vực. Đây là thị trường lao động có độ “khó tính” cao, đòi hỏi chuyên môn và cũng có thu nhập cao, áp lực công việc lớn. Việc cung ứng được nguồn lao động đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp đòi hỏi Đại học Huế phải có những giải pháp, thay đổi trong chương trình đào tạo. Việc đáp ứng được nhu cầu cũng là cơ hội để Đại học Huế khẳng định được chất lượng, vị thế đào tạo ở các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ cao hiện nay…

Ông Yun Yeungjoon, Phó Tổng Giám đốc LG Innotek Việt Nam Hải Phòng nhấn mạnh, hiện nay, nhu cầu nhân lực của LG Innotek đang rất lớn, nhất là đội ngũ nhân lực kỹ sư liên quan đến điện, điện tử, công nghệ thông tin… Để chủ động nguồn nhân lực cho tương lai, doanh nghiệp không thể chờ đợi sinh viên tự tìm đến mà phải chủ động tìm kiếm nhân lực trước. Qua hợp tác với Đại học Huế lần này, công ty không chỉ muốn tiếp nhận sinh viên thực tập, mà xa hơn là tham gia vào đào tạo thực tế cho sinh viên. Để sau khi sinh viên ra trường có thể đáp ứng được nhu cầu công việc tại công ty. Ngoài ra, công ty luôn sẵn sàng chào đón sinh viên của Đại học Huế đến làm việc.

PGS.TS. Nguyễn Quang Lịch, Khoa trưởng Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - Đại học Huế cho biết, để đáp ứng nhu cầu việc làm của các doanh nghiệp, thời gian qua khoa triển khai mô hình đào tạo theo hình thức “4 – 4 – 2”. Lâu nay, thời gian thực tập của sinh viên tại doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 10% - 20% trong tổng thời gian học tập. Hiện, khoa thay đổi chương trình, tăng đến 40% thời gian học tập tại doanh nghiệp, giúp sinh viên tăng những kỹ năng cơ bản mà doanh nghiệp cần. Quá trình thực tập, nhiều sinh viên còn được trả lương theo từng mức độ khác nhau. Điều này càng khơi dậy tinh thần học tập của sinh viên, kích thích sự tìm tòi và sáng tạo. Đến nay, khoa đã hợp tác với hơn 80 doanh nghiệp để áp dụng mô hình đào tạo này.

PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế nhận định, tính hội nhập sẽ ngày càng được mở rộng. Nguồn nhân lực được đào tạo ra phải có đủ những năng lực và kỹ năng để có thể làm việc ở bất kỳ thị trường nào. Tính hội nhập đó đang được thể hiện rất rõ khi các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm sớm nguồn lao động. Đây chính là cơ hội cho Đại học Huế triển khai đồng bộ các giải pháp để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu đó. Như vừa qua, Đại học Huế đã kịp thời mở các ngành đào tạo mới để đáp ứng xu hướng. Cùng với đó là kết nối với doanh nghiệp, để chính các doanh nghiệp cùng tham gia xây dựng những chương trình, mô-đun đào tạo phù hợp với đúng nhu cầu mà doanh nghiệp cần.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/giao-duc/cung-ung-lao-dong-cho-thi-truong-kho-tinh-142899.html
Zalo