Cùng trò nội trú vượt qua áp lực trước kỳ thi THPT năm 2025

Hơn một tháng nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 diễn ra, thời điểm này, học sinh lớp 12 đang tập trung cao độ để ôn thi nước rút.

Học sinh Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn (Lạng Sơn) hỗ trợ nhau học tập.

Học sinh Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn (Lạng Sơn) hỗ trợ nhau học tập.

Vượt qua nỗi sợ tâm lý

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ diễn ra vào ngày 25/6 đến 26/6, thời điểm này thầy và trò Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn (Lạng Sơn) đang nỗ lực hoàn thành chương trình, giúp các em vừa củng cố kiến thức, vừa giảm áp lực tâm lý trước kỳ thi quan trọng.

Mang tâm trạng lo lắng, áp lực, em Đinh Ngọc Diệu Linh ( lớp 12C2, Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn) trải lòng: “Mặc dù, em luôn được thầy cô hỗ trợ nhưng tâm lý vẫn lo lắng, có thời điểm không thể tập trung để học. Bên cạnh đó quá trình luyện đề, em cũng phát hiện mình bị hổng kiến thức và loay hoay học lại nên áp lực càng gia tăng.

Tuy nhiên, em không cho phép mình nản chí, mỗi ngày em luôn cố gắng củng cố lại kiến thức, tận dụng sự giúp đỡ từ thầy cô và bạn bè để tự tin bước vào kỳ thi.

Tương tự, em Nông Mạnh Duy, Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn cũng chia sẻ, sau khi đọc các thông tin trên mạng xã hội, em từng có suy nghĩ bỏ kỳ thi năm nay để thi lại vào năm tới".

Để giúp tâm trạng phấn chấn hơn nhằm đạt kết quả tốt nhất cho kỳ thi diễn ra vào tháng tới, Duy thường xuyên tâm sự với gia đình về những khó khăn và áp lực gặp phải trong quá trình ôn tập. Ngoài giờ học trên lớp, nam sinh chủ động cùng các bạn tổ chức học nhóm, chấm chữa bài cho nhau để tìm ra điểm yếu và điểm mạnh của bản thân.

“Khi học cách đối diện với vấn đề sẽ giúp em rèn luyện tinh thần tự học và chấp nhận cạnh tranh theo cách công bằng”, nam sinh chia sẻ và cho biết gần đây đã tham khảo thêm ý kiến từ các anh chị đi trước và từ thầy cô để tìm các nguồn tài liệu học tập hiệu quả, bên cạnh việc củng cố kiến thức qua các tài liệu tự tìm tòi.

Với kinh nghiệm tham gia nhiều kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, em Hoàng Nhật Đan, học sinh lớp 12C1 Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: “Mặc dù em có cơ hội cọ sát nhiều với các kỳ thi thế nhưng tâm lý vẫn thấy lo lắng, áp lực bởi vì khối lượng kiến thức lớn, đòi hỏi kỹ năng tư duy logic phân tích nhiều dạng bài; kỳ thi này rất quan trọng để quyết định hướng đi tương lai của em, bởi vậy gia đình cũng như bản thân em kỳ vọng rất lớn. Việc chọn ngành, chọn trường, khiến nam sinh không khỏi bối rối".

Đan tâm sự thêm, thay vì hoang mang, em chọn cách nhìn nhận áp lực theo một góc độ tích cực hơn, xem kỳ thi như một cơ hội để trưởng thành. Đối với nam sinh, quan trọng nhất là duy trì tiến bộ mỗi ngày và không đặt nặng vấn đề phải đỗ nguyện vọng 1 bằng mọi giá.

Ngoài việc tự điều chỉnh tâm lý, Đan cũng tích cực tìm kiếm sự đồng hành từ bạn bè, gia đình và thầy cô. Em trải lòng: “Chỉ cần có một người lắng nghe, em đã cảm thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Những lúc loay hoay chưa biết hướng đi của mình là gì, em sẽ bình tĩnh lại, tham khảo kinh nghiệm từ những người đi trước và tìm hiểu kỹ hơn về các ngành học để hiểu rõ sở thích và năng lực của bản thân”.

 Một tiết học của Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn (Lạng Sơn).

Một tiết học của Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn (Lạng Sơn).

Đồng hành cùng trò

Trước những áp lực khó khăn mà học sinh đang đối mặt, Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Lạng Sơn đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ kịp thời và thực tế. Nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi ôn tập chuyên đề, tạo điều kiện cho học sinh học bổ trợ ngoài giờ, đồng thời chú trọng công tác tư vấn tâm lý để giúp các em giải tỏa căng thẳng.

Thầy Bế Văn Tằng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Lạng Sơn cho biết, giai đoạn này đang là cao điểm ôn tập của học sinh, 100% học sinh chủ động tự học trong các giờ tự học buổi tối, thậm chí nhiều em xin phép nán lại lớp ôn tiếp dù đã quá giờ đi ngủ theo quy định.

Thấu hiểu tâm lý lo lắng của các em, mỗi tối thứ 7 hàng tuần, để giúp tạo tâm lý thoải mái cho thí sinh, nhà trường dành ra 1 buổi tổ chức cho học sinh tập trung tại nhà đa năng để chiếu phim do các em tự bình chọn.

Bên cạnh đó, Ban chấp hành Đoàn trường cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa như thi các bài hát về công tác Đoàn, các bài hát về truyền thống địa phương. Lãnh đạo nhà trường chia sẻ đây là các hoạt động chủ yếu dành cho lớp 10 và 11, tuy nhiên vẫn để ngỏ cơ hội cho khối 12 tham gia nếu có nguyện vọng.

Các giờ ôn tập buổi chiều trên lớp, thầy Tằng thường xuyên trao đổi cùng các em về phương pháp học tập cũng như chia sẻ về kinh nghiệm. Qua tâm sự của học sinh, thầy gợi ý các kênh thông tin về ôn thi tuyển sinh từ các trường đại học hàng đầu.

“Tôi luôn khuyên các em tự tin trong học tập, không tự tạo áp lực cho mình, không lo lắng kỳ vọng của cha mẹ. Hiện nay có rất nhiều chuyên ngành, hướng đi cho các em lựa chọn nên không cần quá lo về việc không đỗ đại học”, thầy Tằng nhắn nhủ.

Xác định được mối lo của học sinh chủ yếu tập trung vào môn Ngữ văn, các thầy cô tổ Ngữ văn thời gian này cũng liên tục tìm hiểu, thay đổi phương pháp giảng dạy nhằm phù hợp với dạng đề thi mới. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là củng cố kiến thức nền tảng cũng như kỹ năng luận nhằm đáp ứng lượng kiến thức sẽ nằm ngoài chương trình học.

Theo cô Vi Thị Doan, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Lạng Sơn, đã tới giai đoạn cần kết hợp giữa dạy kiến thức với hướng dẫn học sinh cách làm bài hiệu quả, rèn luyện kỹ năng viết luận, phân tích văn bản. Để quá trình ôn tập hiệu quả, các buổi thảo luận nhóm học sinh xen kẽ giữa giờ học sẽ là cơ hội để các em trao đổi, hỗ trợ lẫn nhau.

“Việc hướng dẫn cho học sinh chủ động tự học, tự đánh giá cũng là một phương pháp được đánh giá rất hiệu quả”, cô Vi Thị Doan chia sẻ.

Đức Duy - Phùng Ánh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cung-tro-noi-tru-vuot-qua-ap-luc-truoc-ky-thi-thpt-nam-2025-post731575.html
Zalo