Cúng ông Táo 23 tháng chạp: Không phóng sinh cá chép sai cách

Ngày cúng ông Táo năm nay rơi vào thứ 6 (2.2). Vào ngày này, các gia đình thường chuẩn bị lễ vật và mâm cúng để tiễn ông Công, ông Táo về trời.

Theo quan niệm dân gian, vào cuối năm, ông Công ông Táo cưỡi cá chép về trời và thực hiện nhiệm vụ báo cáo những việc tốt xấu của gia chủ với Ngọc Hoàng trong năm qua. Chính vì vậy, lễ cúng ông Công ông Táo luôn được người Việt coi trọng, chuẩn bị kỹ lưỡng.

Chuyên gia phong thủy cho rằng, các gia đình nên cúng trước thời điểm ông Công, ông Táo về trời - trước giờ Ngọ (12 giờ) trưa 23 tháng chạp.

Cũng theo truyền thống dân gian, thời gian cúng phải kết thúc trước khi hết giờ Ngọ (11 giờ - 13 giờ) ngày 23 tháng chạp vì đây là thời điểm các Táo tập trung để chuẩn bị về trời.

Khi cúng, gia chủ cần ăn mặc lịch sự. Trang phục nam nữ là quần dài, áo đẹp, sáng màu, không hở và thành tâm lễ bái khấn nguyện với ngôn từ chuẩn mực.

Mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo cơ bản

Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể, mỗi gia đình sẽ chuẩn bị cho mình những mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo khác nhau. Mâm cỗ này không nhất thiết phải sang trọng, cầu kỳ mà điều quan trọng nhất là sự thành tâm của gia chủ.

Với các gia đình cúng chay thuần khiết, mâm cúng có thể gồm các món canh thập cẩm rau củ hoặc canh măng chay, nem rau củ, đậu phụ sốt nấm cay Tứ Xuyên, giò chay, chả chay, chạo nấm, xôi, chè, nộm, xào thập cẩm rau củ.

Đơn giản hơn nữa, gia đình có thể chuẩn bị mâm cỗ cúng chay chỉ gồm: 1 mâm ngũ quả, 3 bát chè, 1 đĩa xôi, hoa tươi, nước, nến đỏ và 3 con cá chép sống. Ở miền Nam, người ta thường thay bằng cá lóc.

Với các gia đình muốn cúng mặn, mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo bao gồm: 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối, gà luộc hoặc 1 miếng thịt heo luộc, 1 bát canh, 1 đĩa xào, 1 đĩa giò, 1 con cá chép rán (hoặc cá chép sống), 1 đĩa xôi gấc, 1 đĩa hoa quả, 1 ấm trà sen, 3 chén rượu, quả cau, lá trầu, 1 lọ hoa...

Một mâm lễ khác cầu kỳ hơn có thể gồm: Gà trống; xôi đỏ; 3 chén rượu ba màu đỏ, trắng, vàng (màu đỏ mang lại vận khí tốt, màu trắng mang lại tài lộc, màu vàng mang lại sự bình an); 3 chén trà ba loại mùi vị khác nhau; ngũ quả đầy đặn đẹp mắt, trên mâm quả có cài 9 bông hoa đồng tiền màu đỏ; bộ quần áo, mũ, giày cho ba vị thần. Trong mâm lễ phải có 3 con cá chép, 9 cây nến đỏ.

Ngoài ra, nơi cúng ông Táo tốt nhất là đặt trong khu bếp, khi cúng nên bật bếp lên để có hơi ấm tỏa ra. Theo quan niệm này, mâm cỗ đề huề thì cả nhà sẽ quanh năm no ấm.

Ngày nay, tùy vào điều kiện thì mỗi gia đình sẽ lựa chọn nơi cúng ông Công, ông Táo cho phù hợp. Có gia đình sẽ thắp hương tại bàn thờ gia tiên hoặc lập bàn thờ Táo quân riêng biệt.

Không phóng sinh cá chép sai cách

Cá chép được dâng cúng vào dịp này bởi theo quan niệm dân gian, cá chép được xem là phương tiện để tiễn các vị Táo quân về chầu trời, vì thế sau khi cúng xong, người ta thường mang cá đi phóng sinh.

Tuy nhiên, việc phóng sinh cá chép không thể tùy tiện. Khi thả cá, cần lưu ý đến địa điểm phóng sinh để sau khi phóng sinh cá có thể tiếp tục sinh tồn. Tránh thả cá nơi ao tù, nước đọng, ô nhiễm.

Người thực hiện nghi thức phóng sinh cần chọn nơi sát mặt nước nhất để thả cá, không đứng ở khu vực cao thả cá xuống. Không quăng cả túi ni lông xuống nước, vừa không đúng ý nghĩa phóng sinh vừa gây ô nhiễm môi trường.

"Các gia đình có thể cúng từ ngày 17 - 18 âm lịch, chọn giờ cúng phù hợp với điều kiện, công việc của mình. Những ai làm công chức, nhân viên văn phòng hoặc kinh doanh bận rộn có thể chọn làm lễ cúng vào ngày nghỉ, trước ngày 23 một vài hôm", theo chuyên gia phong thủy Phạm Cương.

Minh An (tổng hợp)

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/cung-ong-tao-23-thang-chap-khong-phong-sinh-ca-chep-sai-cach-213721.html
Zalo