Cúng ông Công, ông Táo – lễ tục đẹp dịp cuối năm ở thành phố Bắc Kạn
Hằng năm, cứ vào ngày 23 tháng Chạp, các gia đình tại thành phố Bắc Kạn sửa soạn mâm cơm để cúng ông Công, ông Táo. Đây là phong tục truyền thống để người dân bày tỏ lòng biết ơn với các vị thần, cũng là dịp để mọi người trở về nhà sum họp, quây quần sau một năm làm việc vất vả.
7h sáng, điểm bán cá chép vàng của chị Nông Thị Nga gần cổng chợ Đức Xuân (thành phố Bắc Kạn) đã tấp nập người mua. Thông thường, mỗi nhà mua 03 - 05 con cá chép cho Táo quân cưỡi về trời, nhưng cũng có những người mua vài chục con để phóng sinh. Sức mua tăng, giá nhập hàng nhỉnh hơn mọi năm nên giá bán cá chép vàng năm nay cao hơn. Loại nhỏ 25.000 đồng/03 con, loại nhỡ 50.000 đồng/03 con, còn loại to 25.000 đồng/con.
Chị Nga chia sẻ: "Bán cá ngày ông Công ông Táo thu nhập cũng khá, có thêm tiền mua sắm Tết. Hơn nữa tôi cũng muốn góp sức giữ gìn lễ tục đẹp của dân tộc dịp cuối năm".
Xôi là lễ vật không thể thiếu trên mỗi mâm cơm ngày 23 tháng Chạp. Những gia đình bận rộn hoặc không tự nấu có thể mua những đĩa xôi được nấu sẵn bán tại các quán với giá từ 35 – 50.000 đồng/đĩa. Nhiều quán bán xôi gấc dập nổi chữ “Phúc – Lộc – Thọ” hoặc hình cá chép tạo điểm nhấn thu hút người mua. Trong khi đó, giá bán áo mũ hàng mã dao động từ 40.000 – 70.000 đồng/bộ, bằng giá bán năm trước.
Con trai là sinh viên được nghỉ học sớm, chị Phạm Thị Chuyển, nhà tổ 6, phường Sông Cầu đi chợ mua đồ làm cơm cúng ông Công ông Táo và cũng để cả nhà sum họp. Mâm cơm nhỏ gọn gồm: đĩa gà luộc, xôi tự đồ bằng gạo khẩu Nua lếch, khoanh giò, đĩa thịt luộc, bát miến dong nhưng đong đầy tình yêu thương trong gia đình.
Chị Chuyển bảo: “Cả năm tất bật làm ăn may có dịp lễ, Tết các thành viên mới được đoàn viên, chia sẻ yêu thương, động viên nhau cùng cố gắng khi bước sang năm mới”.
Theo quan niệm của dân gian, Táo quân không chỉ là vị thần cai quản mọi hoạt động của gia chủ mà còn là vị thần ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ, giữ bình yên cho gia đình gia chủ. Vì vậy, tục cúng ông Táo mang ý nghĩa cầu mong cho sự ấm no, đầy đủ, sau đó mới đến ý nghĩa thờ "thần Bếp" chuyên cai quản việc bếp núc. Vào ngày này, người dân làm mâm cơm để bày tỏ lòng biết ơn với các vị thần. Đồng thời, đây cũng là dịp để người người, nhà nhà trở về sum họp, quây quần sau một năm làm ăn vất vả.
Trong bối cảnh giao thoa văn hóa diễn ra sâu rộng, không riêng gia đình đồng bào người Kinh mà gia đình các dân tộc khác sống trên địa bàn thành phố Bắc Kạn đều tổ chức và coi cúng ông Công ông Táo là tín ngưỡng dân gian, là nét đẹp văn hóa dịp cuối năm.
Theo truyền thuyết, cá chép là phương tiện duy nhất có thể đưa ông Công, ông Táo về trời. Bởi thế, vào ngày này, mỗi gia đình người dân thành phố Bắc Kạn thường chuẩn bị 03 đến 05 con cá chép nhỏ, thả vào chậu hoặc bát nước đặt cạnh mâm cỗ để cúng. Sau khi làm lễ xong, cá chép sẽ được phóng sinh ở ao, hồ, sông, ngụ ý “cá sẽ hóa rồng”, “vượt vũ môn”, làm phương tiện cho ông Công, ông Táo cưỡi về trời. Ngoài ra, trong tâm thức người Việt, “cá vượt vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, đồng thời thể hiện mong muốn một năm mới thuận lợi, bình an và may mắn sẽ tới. Do được tuyên truyền nên cơ bản người dân thành phố thực hiện tốt thông điệp “chỉ thả cá – không thả túi nilon” góp phần bảo vệ môi trường.
Cuộc sống hiện đại với công việc bận rộn, nhịp sống đô thị mỗi ngày một khác nhưng lễ cúng ông Công, ông Táo vẫn là nét đẹp riêng được gìn giữ và phát huy trong đời sống tâm linh của người Việt. Cúng táo Quân ngày 23 tháng Chạp cũng là nghi lễ khởi đầu cho nhiều phong tục của người dân chuẩn bị chào đón một năm mới với nhiều ước vọng mới tốt đẹp./.