Cùng nói về tục thờ cúng tổ tiên, 'Đèn âm hồn' sẽ đối đầu 'Nhà gia tiên' của Huỳnh Lập?
Tuy khác nhau về câu chuyện nhưng cùng giúp khán giả hiểu rõ hơn về tục thờ cúng ông bà tổ tiên, liệu phim 'Đèn âm hồn' sẽ là đối thủ đáng gờm của 'Nhà gia tiên'?
Đèn âm hồn, dự án điện ảnh đầu tay của đạo diễn Hoàng Nam thuộc thể loại linh dị văn hóa dân gian.
Phim kể về Thương, một người phụ nữ có chồng đi lính xa, một mình nuôi con trai tên Lĩnh. Một ngày nọ, Thương vô tình nhặt được một cây đèn bí ẩn và ngay lập tức thu hút sự tò mò của Lĩnh.
Chiếc đèn âm hồn trở thành sợi dây kết nối giữa hai thế giới âm - dương, mang đến những nỗi sợ hãi và những bí ẩn chưa từng được giải đáp.
Phim giúp người trẻ hiểu về tục thờ cúng
Được lấy cảm hứng từ Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ, dự án điện ảnh Đèn âm hồn tái hiện hình ảnh nàng Vũ Nương với một cách tiếp cận mới mẻ mang màu sắc tâm linh pha lẫn yếu tố hành động.
Không chỉ vậy nhiều yếu tố văn hóa truyền thống, đặc biệt là các tập tục thờ cúng tổ tiên được khéo léo lồng ghép xuyên suốt phim
Bên cạnh đó, phim còn khai thác các vấn đề sâu xa về truyền thống gia đình, lý tưởng sống xưa và nay của người phụ nữ Việt Nam, từ những gánh nặng xã hội cho đến những ước mơ và khát vọng.
Điều này không chỉ tạo ra sự kết nối giữa các thế hệ mà còn nhấn mạnh giá trị của những quan niệm tâm linh trong đời sống hàng ngày của người Việt.
Hình tượng "Đèn âm hồn" cũng giúp khán giả hiểu rõ hơn về tục thờ cúng ông bà tổ tiên, giúp thế hệ trẻ hiểu thêm và trân trọng những nét độc đáo trong văn hóa truyền thống dân tộc.
"Đèn âm hồn sở hữu yếu tố liêu trai huyền bí nhưng vẫn mang đậm tính dân gian.
Chúng tôi đã cố gắng tạo ra một câu chuyện không phải là phim kinh dị tâm linh, mà là một hành trình tìm kiếm nguồn cội, nơi mà các yếu tố tâm linh phục vụ cho việc truyền tải thông điệp văn hóa.
Bộ phim không chỉ là một tác phẩm giải trí mà còn mang đến một thông điệp mạnh mẽ về giá trị của gia đình và tôn vinh vai trò của người phụ nữ trong xã hội cổ truyền với những yếu tố tâm linh mang đậm màu sắc văn hóa dân gian" – đạo diễn Hoàng Nam cho biết.
Không ngại khi bị so sánh
Nhắc về việc giúp khán giả hiểu rõ hơn về tục thờ cúng ông bà tổ tiên, PV liên hệ với đạo diễn Hoàng Nam và đặt câu hỏi: "Dù câu chuyện khác nhau nhưng các tập tục thờ cúng tổ tiên được lồng ghép trong phim khiến người xem cảm thấy giống Nhà gia tiên của Huỳnh Lập. Vậy đạo diễn có suy nghĩ gì không? Và có sợ bị so sánh?".
Chia sẻ với PLO, đạo diễn Hoàng Nam cho rằng thờ cúng ông bà tổ tiên luôn gắn liền với đời sống người Việt Nam, dù là miền nào đi nữa.
"Chuyện trùng hợp với dự án Nhà gia tiên của Huỳnh Lập cũng là trùng hợp nhưng tôi nghĩ cả hai phim đều cùng mang đến giá trị đời sống và cho người trẻ không quên ông bà tổ tiên.
Vì vậy tôi mong không chỉ Đèn âm hồn mà cả Nhà gia tiên hay bất kỳ phim Việt nào cũng đạt được kết quả như mong muốn.
Còn chuyện so sánh là điều bình thường, Nam và team cũng không muốn tránh, có so sánh thì mình mới hiểu khán giả nhận định sao về tác phẩm của mình.
Mình tốt chỗ nào, chưa tốt ra sao, để mình học hỏi thêm từ các đồng nghiệp, dù sao mình mới làm phim mà" - đạo diễn Hoàng Nam nói.
Đáng chú ý, để mang đến trải nghiệm điện ảnh tốt nhất cho khán giả Việt Nam, đạo diễn Hoàng Nam đã mạnh dạn áp dụng công nghệ ghi hình Motion Capture – một kỹ thuật tiên tiến vốn hiếm khi được sử dụng trong phim Việt và thường chỉ xuất hiện trong lĩnh vực quảng cáo.
Với hơn 600 cảnh quay VFX trong Đèn âm hồn, chi phí sản xuất đã tăng đáng kể so với dự tính.
Đèn âm hồn có sự tham gia của NSƯT Quang Tèo, NSƯT Chiều Xuân, Diễm Trang, Tuấn Anh, Phú Thịnh, Hoàng Kim Ngọc, Tuấn Mõ, Hải Anh. Đình Khang, Hạo Khang…
Đèn âm hồn dự kiến ra rạp chính thức ngày 7-2-2025 (tức mùng 10 Tết).